Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 01/10/2023 09:56 GMT+7

Dịch vụ “ngắm” sinh vật cảnh “hái” tiền tỉ

Biên phòng - Doanh thu từ ngành du lịch của tỉnh Khánh Hòa năm 2018 đạt gần 20.000 tỉ đồng, cao hơn tổng thu ngân sách nhiều tỉnh Nam Trung bộ cộng lại. Đây là cả một quá trình xây dựng, từ những mô hình sáng kiến nhỏ của người dân ở giữa đảo đến các khách sạn chọc trời. Tất cả tạo nên trung tâm du lịch tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Bài 1: Ngư dân “khơi mào” làm du lịch

Bài 2: Làm kinh tế theo kiểu nhà khoa học

Bài 3: Bảo vệ “nồi cơm” dưới đáy biển

Bài 4: Đâu là giải pháp phát triển bền vững?

Thương hiệu du lịch Nha Trang được cả thế giới biết đến. Bảo vệ “danh tiếng” này sẽ tạo lợi thế phát triển mạnh, bền vững kinh tế du lịch và dịch vụ. Thế nhưng, thực tế, nhiều điểm du lịch biển, đảo trong vịnh Nha Trang chỉ “chăm chăm” khai thác mà ít có biện pháp bảo vệ, nuôi dưỡng, tái tạo hệ sinh thái tự nhiên, để phát triển mang tính vền vững. 

Nhiều chủ doanh nghiệp, thuyền trưởng tàu du lịch thành phố Nha Trang phàn nàn, Khu bảo tồn biển Hòn Mun là “quả tim” của vịnh Nha Trang đang quá tải. Hằng ngày, có cả ngàn người đến Hòn Mun. Cách quản lý đội tàu du lịch, hệ sinh thái của vịnh như hiện nay theo kiểu “cha chung không ai khóc”, đang “giết” môi trường sinh thái tự nhiên của biển.

ce0q_13
Bờ biển Nha Trang đang bị các doanh nghiệp lấn vô tội vạ để xây dựng khu đô thị và khách sạn. Ảnh: Hải Luận

Cần giữ nét “độc đáo” của Nha Trang

Hình ảnh nhiều người dễ nhận thấy nhất ở hai đầu thành phố Nha Trang là phía Bắc, phía Nam người ta đang đổ đất để lấn biển, xây dựng khu đô thị và khách sạn. Phía ngoài biển, họ đang “xẻ thịt” các hòn đảo. Phía đáy biển, người ta khai thác rong biển, san hô, các nguồn lợi thủy sản tầng rạn... “Cái độc đáo của du lịch Nha Trang là biển, đảo. “Độc” hơn là lặn biển xem sinh vật cảnh. Đây là điểm nhấn thu hút hàng triệu du khách đến Nha Trang. Biển, đảo đang giảm dần hệ sinh thái độc đáo, đồng nghĩa khách sẽ không đến Nha Trang. Nha Trang “mất” thì dọc các tỉnh duyên hải cũng đi theo. Vì vậy, bảo vệ, phát triển hệ sinh thái biển, đảo là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài của tỉnh Khánh Hòa và khu vực. Không thể cứ hô hào suông ở hội nghị, hội thảo mãi mà phải bằng các biện pháp cụ thể. Phát triển du lịch bền vững, phải bắt nguồn từ cái gốc” - Ông Nguyễn Huy Hân, Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Asian Nha Trang, chia sẻ thẳng thắn.

Khu bảo tồn biển Hòn Mun hiện nay có Công ty Yến Sào Khánh Hòa  quản lý và khai thác với diện tích khá lớn. Mùa cá lưới đăng (từ tháng 2 đến 7 âm lịch) có hợp tác xã lưới đăng giăng trận địa đánh bắt, chỉ dành một phần diện tích vừa phải cho du khách tham quan. Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang nêu vấn đề: “Đã nói đến khu bảo tồn biển thì phải được bảo vệ hệ sinh thái nghiêm ngặt. Bây giờ, Khánh Hòa phát triển kinh tế tại Khu bảo tồn biển Hòn Mun, cần phải đảm bảo 4 tiêu chí: Bảo vệ di sản môi trường; công việc bảo tồn phải làm ra tiền để nuôi lại nó; người thực thi có kiến thức, kỹ năng, trách nhiệm về lĩnh lực bảo tồn; lợi ích được chia sẻ với cộng đồng”.

- Ở đây đã xảy ra mâu thuẫn giữa bảo vệ nghiêm ngặt và phát triển kinh tế ở khu bảo tồn biển? - Tôi lật ngược vấn đề.

- Phát triển kinh tế ở Hòn Mun chỉ phục vụ du lịch, giống như khi vào bảo tàng, anh chỉ được xem thôi, không được sờ vào hiện vật. Vào Khu bảo tồn biển Hòn Mun, anh chỉ được lặn xem cá, xem sinh vật cảnh dưới đáy biển, anh không được dẫm đạp, bẻ gãy san hô, không đánh bắt sinh vật cảnh dưới mọi hình thức.

- Kinh nghiệm quản lý và khai thác khu bảo tồn biển ở các nước trên thế giới được tổ chức hoạt động như thế nào?

- Đa số các nước giao cho doanh nghiệp tư nhân quản lý, bảo tồn, khai thác. Chỉ có ở Việt Nam, Nhà nước vẫn giữ quyền quản lý và khai thác. Muốn bảo tồn tốt, cần có doanh nghiệp phát triển kinh tế bảo tồn Hòn Mun, vừa đúng luật, vừa sát với thực tiễn. Giao cho anh quản lý, bảo tồn, khai thác để tốt lên. Định kỳ phải thuê các viện, đơn vị độc lập lặn xuống đáy biển kiểm tra các hạng mục xem nó phát triển ở mức nào. Nếu làm không đúng như cam kết, tước quyền quản lý và khai thác ngay lập tức. Hòn Mun của Nha Trang là niềm tự hào của Việt Nam, nó là tri thức biển thế giới, cần được bảo vệ tối đa. Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để bảo vệ và phát triển rồi, phải nói là “kín kẽ”. Do khâu tổ chức của ta chưa tốt thôi.

Ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng ban quản lý vịnh Nha Trang (trực thuộc UBND thành phố Nha Trang), cho biết, nghị quyết của Đảng đang có hướng chuyển đổi đơn vị sự nghiệp thành công ty trách nhiệm hữu hạn. Hiện nay, Ban quản lý vịnh Nha Trang đang quản lý, bảo vệ, thu phí dịch vụ lặn biển Khu bảo tồn biển Hòn Mun. Cụ thể, mức thu phí bên cầu cảng Cầu Đá là 3.000 đồng/ khách, thu 62.000 đồng/khách lặn Hòn Mun, 24.000 đồng/khách bước chân lên đảo Hòn Mun.

“Đặt hàng” bảo vệ rạn san hô

Khi Nha Trang chưa phát triển mạnh về du lịch, một số người dân đã tàn phá các rạn san hô vô tội vạ. Hiện nay, doanh thu từ du lịch đã chiếm hơn 90% tổng thu nhập của toàn tỉnh Khánh Hòa. Từ năm 2015, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đặt hàng Viện Hải dương học Nha Trang thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đề xuất một số khu vực có thể phục hồi và tái tạo hệ sinh thái rạn san hô phục vụ du lịch sinh thái biển Khánh Hòa”. PGS.TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang nêu thực trạng: “Qua tổ chức khảo sát thực địa, viện đã xác định có 20 khu vực san hô tiềm năng trên vùng biển Khánh Hòa, được lựa chọn để đánh giá chi tiết bằng phương pháp kiểm tra rạn và điều tra nguồn lợi sinh vật trong các hệ sinh thái biển. Độ phủ các hợp phần đáy rạn hô san hô cứng, mức trung bình đạt 25,65%; san hô mềm chiếm khoảng 3,1%. Tình trạng “sức khỏe” các rạn san hô trong tỉnh ở mức độ dưới trung bình”. 

Viện Hải dương học đã phối hợp với doanh nghiệp du lịch tái tạo hệ sinh thái rạn san hô, với diện tích 3.000m2 ở khu vực Đông Nam đảo Hòn Tằm và khu vực Tây Nam đảo Hòn Tre, thuộc vịnh Nha Trang. Ông Huỳnh Kỳ Hạnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa đánh giá: “Những kết quả bước đầu trong xây dựng mô hình của đề tài nghiên cứu và phát triển, giúp các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch có nhận thức tốt về hoạt động bảo vệ, phục hồi và phát triển hệ sinh thái rạn san hô trong vùng nước thuộc doanh nghiệp quản lý, góp phần cho sự phát triển bền vững nguồn tài nguyên ven biển Khánh Hòa”.

Một vấn đề khác khá nan giải là chuyển đổi nghề nghiệp đối với ngư dân làm nghề lưới đăng ở Khu bảo tồn biển Hòn Mun và ngư dân chuyên hành nghề săn bắn cá ở các rạn đá đảo du lịch. “Nhiều ngư dân Hòn Một đã được chuyển đổi từ săn bắt cá dưới biển, sang chèo thúng chai đáy kính phục vụ khách du lịch xem sinh vật cảnh ở khu vực Hòn Mun. Số này thu nhập khá, còn nhiều hộ dân khác ở Trí Nguyên, Xóm Bóng... vẫn chưa chuyển được nghề cho họ. Lý do căn bản nhất, họ đi làm nghề lặn vẫn có thu nhập cao hơn so với lao động phổ thông ở các cơ sở du lịch. Chính vì vậy, chưa có bài toán căn cơ bảo vệ hệ sinh thái đáy biển” - Ông Thái nêu một số tồn tại. 

Hải Luận

Bình luận

ZALO