Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:50 GMT+7

Dịch vụ “ngắm” sinh vật cảnh “hái” tiền tỉ

Biên phòng - Doanh thu từ ngành du lịch của tỉnh Khánh Hòa năm 2018 đạt gần 20.000 tỉ đồng, cao hơn tổng thu ngân sách nhiều tỉnh Nam Trung bộ cộng lại. Đây là cả một quá trình xây dựng, từ những mô hình sáng kiến nhỏ của người dân ở giữa đảo đến các khách sạn chọc trời. Tất cả tạo nên trung tâm du lịch tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Bài 1: Ngư dân “khơi mào” làm du lịch

Bài 2: Làm kinh tế theo kiểu nhà khoa học

Bài 3: Bảo vệ “nồi cơm” dưới đáy biển

Lặn xuống biển xem sinh vật cảnh được “Tây” du nhập vào thành phố biển Nha Trang. Rất nhiều người, từ người đi làm thuê cho “ông Tây” đã học được ý thức bảo vệ hệ sinh thái đáy biển - “nồi cơm” của các doanh nghiệp, cá nhân làm kinh tế du lịch biển, đảo. 

“Dạo này, mình đang bận dạy gấp mấy ông khách Canada lặn biển để lấy chứng chỉ quốc tế. Mấy ông gần hết ngày nghỉ phép rồi. Tuần sau, phải trở ra ngoài biển lặn thực hành xem sinh vật cảnh. Dân Tây học, họ hỏi đủ thứ tình huống sẽ xảy ra dưới đáy biển” - Anh Nguyễn Tấn Thành, Giám đốc Công ty Lặn biển Đại Dương, thành phố Nha Trang, mở đầu câu chuyện với tôi sau gần 10 năm gặp lại.

Những bài học nhớ vào tim

Nói về “thành tích” lặn biển, anh Thành được xếp đầu bảng ở Nha Trang, bởi vì anh xuất thân từ Xí nghiệp Trục vớt cứu hộ, đã tung hoành dọc ngang biển miền Trung. Hết thời bao cấp, anh về làm thuê cho ông  Jean Pier, người Pháp, chuyên tổ chức khách du lịch lặn biển ở Nha Trang. Anh Thành nhớ lại: “Trước đây, ở biển Nha Trang có sự cố gì xảy ra thì điều đội trục vớt cứu hộ ra lặn, chẳng ai biết du lịch lặn biển như thế nào. Tôi nhớ, có ông Danneiel, người Pháp, giống như làm “cò”. Ông đi khắp các vùng biển châu Á để tìm xem có vùng biển nào phát triển được du lịch lặn biển. Ông ta đến Nha Trang, phát hiện có nhiều bãi san hô đẹp, ông về Pháp gọi Jean Pier, là một doanh nhân chuyên tổ chức cho khách du lịch lặn biển ở châu Âu sang Nha Trang phát triển dịch vụ này. Chính ông Jean Pier dạy cho chúng tôi những kiến thức bảo vệ môi trường biển, về giá trị hệ sinh thái của các rạn san hô cho phát triển du lịch”.  

02fa_13a
Lặn biển xem sinh vật cảnh là đặc sản du lịch vịnh Nha Trang. Ảnh: Hải Luận

Có lần, ông Jean Pier trên đường đi lặn biển, gặp ngư dân thả lưới trúng con rùa khá to, ông mua con rùa với giá 200.000 đồng, sau đó thả lại xuống biển. Thấy hành động quá lạ, anh Thành mới thắc mắc, ông Jean Pier giải thích về chuỗi sinh học, chuỗi thức ăn trong lòng đại dương. 

- Lúc này, mình mới cảm thấy xấu hổ. Họ ở bên Tây mà có hành động bảo vệ môi trường tại “nhà” mình, hướng dẫn tỉ mỉ cách bơi lặn như thế nào để bảo vệ được từng cành san hô - Anh Thành áy náy.

- Từ hành động của ông chủ, sau này anh học được điều gì?

- Khi lặn ở Hòn Mun, tôi phát hiện có một con cá chình to khoảng 20kg ở trong hang. Ngày nào tôi cũng mua 2.000 đồng cá nhỏ ra cho nó ăn. Lúc đầu, nó nhát và hung hăng lắm, tôi bị nó chụp mồi, chụp luôn ngón tay. Ngày nào mình cũng lặn xuống cho ăn và thân thiện với nó. Sau một thời gian, tôi “dụ” nó ra khỏi hang, tay vuốt trên đầu và đùa giỡn với nó. Khách lặn xuống xem cực kỳ ấn tượng. Có lần, ông khách nước ngoài nói với tôi: “Nếu mày bắt con cá đó ăn, chỉ ngon được một bữa. Còn mày bảo vệ, chăm sóc nó, tao về nước nói bạn tao qua xem. Rồi bạn tao nói nhiều người khác đến xem... Mày cứ thu tiền mãi thôi”. Con cá chình gắn bó với tôi gần 4 năm, rồi chẳng biết ai đó đã câu nó mang đi bán cho một công ty du lịch trên đảo Nha Trang nuôi trong hồ kính. Tiếc đứt cả ruột.

“Có lần, một thuyền trưởng chở khách du lịch ra lặn ở Hòn Mun, cả khách và thuyền trưởng đều xuống biển lặn. Ông thuyền trưởng thấy con mực đang bơi, liền dùng vợt chụp được con mực, rồi nổi lửa lên luộc ăn. Có một người khách nước ngoài thấy ông thuyền trưởng đang ăn con mực thì nhìn chằm chằm vào ông thuyền trưởng và nói: “Tao bỏ tiền ra đây để xem sinh vật cảnh dưới biển, không phải ra đây để xem cuộc sống hoang dã của mày”. Ông thuyền trưởng nghe vậy đỏ cả mặt” - Anh Thành kể câu chuyện bảo vệ sinh vật biển.

Thời điểm ban đầu, dân ta làm du lịch biển Nha Trang theo kiểu “mì ăn liền”, chẳng được huấn luyện, đào tạo chuyên nghiệp gì, ăn nói với khách kiểu nhát gừng. Anh Thành kể bài học nhớ đời: “Lần ấy, tôi hướng dẫn 3 ông khách Mỹ lặn biển. Thấy san hô và cá rất đẹp, có một ông tách khỏi đoàn đi ra xa. Lên tàu, tôi quát ông ta, đi như vậy rất nguy hiểm, coi chừng chết người. Ông khách nhẹ nhàng nhắc lại tôi: “Mày nhắc tao vậy là đúng, nhưng cử chỉ, thái độ của mày chưa được tốt. Mày nên nhớ, làm du lịch là ngành dịch vụ chăm sóc khách hàng, từ lời nói đến hành động phải nhẹ nhàng”. Sau này, tôi mở doanh nghiệp làm riêng, lời nhắc nhở của ông khách Mỹ, bài học bảo vệ hệ sinh thái biển là những bài dạy sát sườn của tôi cho nhân viên”. 

Những doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch lặn biển ở Nha Trang đã thay đổi ý thức bảo vệ môi trường sinh thái biển rất nhiều, hơn ai hết, họ biết rằng đáy biển là “nồi cơm” chung. Vì vậy, ai lặn xuống thấy rác cũng tự nhặt đưa lên tàu.

Tự xây dựng “vườn hoa” dưới đáy biển

Những năm 1990 đến 1995, một số người dân ra vịnh Nha Trang khai thác vô tội vạ san hô, mang về bờ làm cảnh và bán đi nhiều tỉnh, thành. Năm 2012, ông Nguyễn Huy Hân học mô hình ở nước ngoài, đã làm thử khoanh nuôi, bảo vệ vùng san hô thành công viên dưới đáy biển đầu tiên ở Việt Nam để phục vụ khách du lịch đi bộ ngắm sinh vật cảnh. Giai đoạn đầu, ông Hân đi nhặt san hô nằm trên cạn có nguy cơ bị chết, di dời xuống mức nước sâu 3-4 nuôi dưỡng. Thời gian sau, san hô phát triển tốt, ông Hân tiếp tục công việc phục hồi, kết hợp dẫn dụ cá nơi khác về đây cư ngụ lâu dài. 

Ông Hân chia sẻ: 

- Bây giờ lặn xuống đáy biển nhìn san hô giống như vườn hoa. Để được như vậy, nó phải trải qua quá trình công phu, vừa làm, vừa nghiên cứu, vừa khai thác để “nuôi” công viên dưới đáy biển. Làm được công việc này dưới biển khó gấp nhiều lần trên bờ.

- Số người ông tuyển vào làm là những nhà khoa học?

- Tôi lấy tiền đâu mà trả lương cho các nhà khoa học. Đa số người tôi tuyển mộ là thanh niên ở trên đảo, trước đây, họ là “chuyên gia” săn bắt cá dưới biển để mưu sinh. Tôi nói với họ, ngày trước lấy san hô bán lấy tiền mua gạo, bây giờ bảo vệ san hô cũng có tiền mua gạo. San hô lấy một thời gian ngắn là cạn kiệt. Nuôi san hô “kéo” khách du lịch đến là thu tiền mãi. Khi họ hiểu ra vấn đề và nhìn thấy được tương lai cuộc sống tại quê hương, thế là hợp tác làm việc rất nhiệt tình và trách nhiệm cao.

-  Nhưng họ không đủ trình độ để làm dịch vụ du lịch tốt?

- Về kiến thức rạn san hô, sinh vật dưới đáy biển, bơi lặn thì họ là “thầy”! Mình chỉ cần hướng dẫn họ cách tiếp xúc với khách cho nhẹ nhàng, nhã nhặn. Thực ra, du khách đến đây tham quan thích nghe những câu chuyện, cách nói mộc mạc, gần gũi của người dân biển bản địa... 

Với cách làm đó, ông Nguyễn Huy Hân đã xây dựng thành công công viên dưới đáy biển tư nhân đầu tiên ở vịnh San Hô. Ông đã mở thêm công viên dưới đáy biển ở Dốc Lết, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa và đang tiến ra biển Kỳ Co, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định; xuôi xuống mũi Kỳ Lân, đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.  

Bài 4: Đâu là giải pháp phát triển bền vững?

Hải Luận

Bình luận

ZALO