Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:35 GMT+7

Dịch vụ “ngắm” sinh vật cảnh “hái” tiền tỉ

Biên phòng - Doanh thu từ ngành du lịch của tỉnh Khánh Hòa năm 2018 đạt gần 20.000 tỉ đồng, cao hơn tổng thu ngân sách nhiều tỉnh Nam Trung bộ cộng lại. Đây là cả một quá trình xây dựng, từ những mô hình sáng kiến nhỏ của người dân ở giữa đảo đến các khách sạn chọc trời. Tất cả tạo nên trung tâm du lịch tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

5c3077f73f5e02b7c500007f
TSKH Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang. Ảnh: Hải Luận

Bài 1: Ngư dân “khơi mào” làm du lịch

Bài 2: Làm kinh tế theo kiểu nhà khoa học

Nhằm thỏa mãn trong nghiên cứu khoa học và hiểu biết về lòng đại dương, qua đó, các nhà khoa học đã chứng minh, một dân tộc phát triển dựa vào biển và điều kiện tiến hóa vùng bờ, “biển tiến” - “biển lùi” bằng những mẫu vật cụ thể. Còn các nhà đại dương học bắt đầu “vụng về” kinh doanh du lịch từ tủ tri thức biển.

Khi tôi đặt vấn đề tìm hiểu câu chuyện các nhà khoa học đại dương làm kinh tế với Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, ngay lập tức ông từ chối: “Viện khó khăn về tài chính, làm theo kiểu chắp vá, đâu có làm chuyên nghiệp gì!”.

- Cái bạn đọc thích là kiểu “chắp vá” của nhà khoa học lúc khởi đầu. Bởi vì thành phố Nha Trang lúc đó cũng chưa mấy ai biết kinh doanh du lịch chuyên nghiệp - Tôi kỳ kèo.

 - Trên thế giới, người ta xem sinh vật cảnh là một ngành kinh tế, nhiều nơi đã “hái” rất nhiều tiền. Ở Việt Nam, suốt thời gian dài, ta không chú ý đến vấn đề này. Những năm khó khăn, các nhà khoa học của viện bắt đầu mày mò làm kinh tế, dựa vào những tri thức, mẫu sinh vật của viện. Bây giờ, khắp nơi làm hồ nuôi sinh vật biển để kinh doanh.

Mẫu vật độc nhất vô nhị của thế giới

Tôi mới bước vào tham quan Viện Hải dương học Nha Trang, ông Chu Anh Khánh, cán bộ của viện, giới thiệu: “Cái hồ nhỏ này là tác phẩm còn sót lại của Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hường, đi công tác nước ngoài “học lỏm” mang về làm. Hồ bên cạnh là hồ nuôi rùa biển. Đa số trong đó bị mắc lưới, ngư dân đưa về tặng cho viện. Phía dưới mấy cây đước kia, đang nuôi cá sấu nước mặn. Nhà bên cạnh đang lưu giữ bộ xương cá voi, được xếp hàng độc của thế giới. Doanh thu mỗi tháng, khách đông đạt 1 tỉ đồng, nạp vào ngân sách tỉnh Khánh Hòa hết”.

Câu chuyện để lấy được bộ xương cá voi chôn vùi 200 năm, cách bờ biển 4km ở huyện Hải Hậu, Nam Định rất ly kỳ. Tiến sĩ An phải sử dụng giấy giới thiệu của Văn phòng Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Hà Nam Ninh (cũ), rồi Chủ tịch huyện và Chủ tịch xã cùng đến thuyết phục, bà con trong vùng mới đồng ý cho di chuyển bộ xương cá voi khổng lồ về Viện Hải dương học Nha Trang phục vụ nghiên cứu khoa học.

Tiến sĩ An giải thích:

- Lúc trước bà con để bộ xương cá voi trong kho của hợp tác xã, giống như cất cục đá. Khi được đưa về viện phục chế lại, sắp xếp bộ xương hoàn chỉnh trên giá đỡ, lại thành mẫu vật quốc gia. Một quốc gia biển như Việt Nam cần có những mẫu vật tầm cỡ, để minh chứng về chiều dài phát triển lịch sử và văn hóa của một dân tộc.

- Trên thế giới có nước nào sở hữu bộ xương cá voi lớn như mình không? - Tôi hỏi.

- Viện Hải dương của Nga có bộ xương cá voi lớn như Việt Nam, nhưng chỉ là bộ xương cá voi khai thác, không có giá trị như mình.

- Đã là xương thì giống nhau cả?

- Mẫu xương cá voi này được chôn vùi dưới lòng đất tự nhiên trên 200 năm ở tỉnh Nam Định, nó có giá trị về mặt khoa học khảo cổ để chứng minh “biển tiến” - “biển lùi” và sự tiến hóa của dân tộc mình dựa vào vùng bờ. Nó còn có giá trị cho khoa học biển thế giới, về dòng hải lưu, độ nông sâu vùng nước, chuỗi thức ăn... cách đây 200 năm ở vịnh Bắc bộ.

Về sau, tỉnh Bình Thuận đã nhờ Viện Hải dương học phục dựng lại bộ xương cá voi nằm trên giá đỡ ở Vạn Thủy Tú và đảo Phú Quý. Vì yêu quý thiên nhiên, nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học, chỗ nào có mẫu vật quý, viện cử người đến xin ngay. Có những mẫu vật ở nơi đảo xa nhiều chi phí vận chuyển, các nhà khoa học cũng cắn răng chấp nhận.

Tủ trí thức về biển

“Trong cái khó, ló cái khôn”, những năm 1985, thời kỳ khó khăn của đất nước, Viện Hải dương học Nha Trang bắt đầu “mon men” làm kinh tế. Thực ra chỉ xây dựng lại mấy cái hồ nuôi cá cho “bắt mắt” để thu hút du khách đến tham quan nhiều, qua đó thu chút phí để cải thiện cuộc sống. Lúc đầu, viện làm những hồ nuôi sinh vật bằng công nghệ nước tràn, bơm trực tiếp nước ngoài biển vào, chi phí rất cao. Mãi sau này, ông Khánh vào Đầm Sen, thành phố Hồ Chí Minh chơi, có người bạn hướng dẫn hệ thống nước lọc tuần hoàn, ông về triển khai làm hồ cá tủ kính loại vừa. “Không có tiền để làm ồ ạt, thu tiền vé tham quan 1 - 2 tháng mới đủ làm xong một cái hồ, rồi lại tạm dừng chờ thu tiền vé mới làm tiếp hồ thứ 2. Cứ như vậy, kéo dài gần 2 năm mới làm xong được mấy cái hồ bằng hệ thống cấp nước tuần hoàn” – Ông Khánh nhớ lại.

5c3077c63f5e020f5b0000da
Bộ xương cá voi khổng lồ trở thành mẫu vật quốc gia tại Viện Hải dương học Nha Trang. Ảnh: Hải Luận

Về sau, viện đã đầu tư một cái hồ nuôi cá tổng hợp cỡ lớn, trị giá nhiều tỉ đồng. Nhưng, các nhà khoa học đại dương không nhằm vào thu lợi nhuận bằng mọi giá giống như doanh nghiệp. “Khoa học biển trở thành tủ tri thức phát triển du lịch, nâng cao dân trí, sự hiểu biết về biển hơn. Người dân đến đây nhìn vào hồ kính, giống như nhìn vào lòng đại dương thu nhỏ. Phía dưới đáy có lớp rạn san hô, đá ngầm, có cá chình, cá mú..., nhóm sinh vật sinh sống tầng rạn đá. Phía trên, tầng giữa cá chim, cá thu... chạy từng đàn. Giáo dục tri thức về biển phải có mô hình thực, nhìn thấy, lúc đó dân chúng mới hiểu, mới yêu biển. “Nói chay” rất khó hiểu. Viện chúng tôi thực hiện theo nguyên tắc, các cháu học sinh, sinh viên, cô giáo, bộ đội, người có công... đều miễn phí vào cổng tham quan” – Tiến sĩ An nêu ra nhiều giá trị.

Từ những mô hình ở Viện Hải dương học Nha Trang đã “châm ngòi” cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp áp dụng vào phát triển du lịch loại hình “xem” sinh vật cảnh. Ông Trần Lê Quang Vĩnh, Công ty Cổ phần Du lịch Trí Nguyên, Nha Trang, đánh giá: “Mấy hồ nuôi sinh vật bể kính ở các đảo Nha Trang chỉ xem cho “đẹp mắt” giải trí. Nếu muốn hiểu sâu sắc về biển phải vào Viện Hải dương học, ở đó các nhà khoa học nuôi đủ các loại sinh vật biển. Hồ cá của chúng tôi có vấn đề gì cũng phải chạy vào hỏi viện, nếu cá bị bệnh nặng phải mời viện ra lấy mẫu phân tích và chỉ cho cách chữa trị”.

Bài 3: Bảo vệ “nồi cơm” dưới đáy biển.

Hải Luận

Bình luận

ZALO