Biên phòng - Doanh thu từ ngành du lịch của tỉnh Khánh Hòa năm 2018 đạt gần 20.000 tỉ đồng, cao hơn tổng thu ngân sách nhiều tỉnh Nam Trung bộ cộng lại. Đây là cả một quá trình xây dựng, từ những mô hình sáng kiến nhỏ của người dân ở giữa đảo đến các khách sạn chọc trời. Tất cả tạo nên trung tâm du lịch tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
Bài 1: Ngư dân “khơi mào” làm du lịch
Thành phố Nha Trang đang sở hữu một trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới. Tới đây, du khách được đi thăm, du ngoạn biển, đảo và thưởng thức các món ăn từ hải sản tươi sống.
Tất cả được phục vụ một cách chuyên nghiệp. Thế nhưng du khách, kể cả người dân bản địa vẫn chưa biết câu chuyện những ông ngư dân “khơi mào” và đặt nền móng làm du lịch đầu tiên ở vịnh Nha Trang.
Sau 20 năm, tôi quay lại hồ cá đảo Trí Nguyên, thành phố Nha Trang, nhìn những con cá mú nghệ to mấy chục ki-lô-gam, bơi chầm chậm dọc bờ đá, thi thoảng có mấy con rùa to đi qua cạ sát vào. “Mấy con cá mú này trở thành “hàng hiếm” rồi, vùng biển Khánh Hòa không còn mà đánh bắt. Nó đã sống với hồ cá này trên 20 năm. Thời hoàng kim, hồ cá Trí Nguyên có vị trí độc tôn ở vịnh Nha Trang, mỗi ngày có trên dưới 3.000 khách đến tham quan. Bây giờ đang khó khăn. Công ty chuẩn bị triển khai bãi nuôi dưỡng san hô, “dụ” cá biển về đây, xây dựng khu biểu diễn cá heo phía ngoài đầu mũi” – Ông Trần Lê Quang Vĩnh, Công ty Cổ phần Du lịch Trí Nguyên, Nha Trang, sơ lược con cá gắn với “di tích” hồ nuôi cá đầu tiên trên đảo Trí Nguyên như thế.
Ông ngư dân đắp hồ cá
Ông Vĩnh ca ngợi hồ cá Trí Nguyên có “vị trí độc tôn vịnh Nha Trang” là có lý, bởi vì trước năm 2000, hồ cá Trí Nguyên là điểm du lịch duy nhất tổ chức tham quan sinh vật cảnh một cách chuyên nghiệp. Bây giờ, nhiều điểm đảo đã xây dựng khu phức hợp giải trí, khách sạn 5 sao, khu sinh vật cảnh, trở thành cuộc chạy đua xây dựng hồ đáy kính rất khốc liệt.
Theo lịch sử phát triển du lịch sinh vật cảnh Nha Trang, việc xây hồ cá đã phôi thai từ thời Pháp thuộc. “Các nhà khoa học của Pháp đã đắp một cái hồ nuôi cá biển tại Hải học viện (Viện Hải dương học Nha Trang bây giờ) để cho người dân vào xem và hiểu thêm về biển. Khi nhắc đến Nha Trang, người ta nhớ tới hồ cá Hải học viện” - Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, bật mí.
Năm 1971, ông Lê Cẩn, một chủ cơ sở lưới đăng Nha Trang đã khảo sát và bỏ tiền ra xây dựng hồ cá tại đảo Trí Nguyên. Ông Nguyễn Minh Quế, nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Nguyên, hiện nay là Bí thư Chi bộ đảo Trí Nguyên, lúc trai trẻ, là người tham gia xây dựng hồ cá từ đầu đến cuối. Ông Quế nhớ lại: “Lúc đó, dân trên đảo này khổ lắm. Ông Cẩn thuê mười mấy người chạy ghe (thuyền) ra mấy bãi lặn lấy đá đưa lên thuyền. Chúng tôi phải để tấm ván dài, từ mạn ghe tới đáy biển, hai người đứng hai bên lăn từng cục đá từ dưới đáy biển đưa lên ghe. Đầy ghe, chạy vào vị trí xây đập, thả xuống biển. Phía dưới có một tốp lặn xuống bưng từng cục đá chất lên thành đập. Ông Cẩn nằm úp trên mặt nước làm “hoa tiêu”, dùng tay ra hiệu, qua phải, qua trái... cho mấy ông chất đá dưới đáy biển đặt đúng kích thước, đúng vị trí kết cấu của con đập”.
Theo ông Quế, sau khi công trình xây dựng hồ nuôi cá hoàn thành, có nhiều đoàn khách Tây đến tham quan. Năm 1977, ông Cẩn giao lại cho Nhà nước quản lý và khai thác. Năm 1996, Công ty Du lịch Khánh Hòa đã bỏ ra 10 tỉ đồng xây dựng một chiếc “chiến hạm” bằng bê tông cốt thép, gọi là thủy cung. Bên trong xây những hồ kính nuôi cá cho du khách tham quan. Hiện nay, đã cổ phần hóa và hồ cá Trí Nguyên cũng bị “xẻ thịt” ra nhiều ô mảnh, một nửa diện tích hồ cá cũ được đắp thành hồ nước ngọt.
Người chạy tàu du lịch tư đầu tiên
Trước năm 1986, cả vùng biển Nha Trang chỉ có hai chiếc thuyền của hồ cá Trí Nguyên được phép chở khách du lịch theo đoàn đặt trước, còn khách lẻ vài người thì đi “đò chợ” chở ngư dân từ đảo Trí Nguyên vào bờ và ngược lại. Ông Nguyễn Minh Quế là một trong 3 chủ đò chợ kể lại: “Nếu như số lượng khách du lịch đi đò chỉ 3-5 người thì cập bến đò Trí Nguyên. Từ đó, họ đi bộ sang hồ cá. Nếu gom được 10 người thì chạy đò vào cầu, đưa bà con lên đảo rồi quay đò chở khách du lịch sang hồ cá, lấy thêm tiền. Có nhóm người tò mò muốn cho đò chạy quanh đảo tham quan, tôi cũng chở, tiền công cao gấp đôi đi hồ cá”. Có những nhóm khách đi muộn đói bụng, hỏi ông Quế, ở đảo này có chỗ nào bán cơm ăn trưa? Ông chủ đò lắc đầu, cả hòn đảo Trí Nguyên không có một cái quán ăn nào. Mấy lần sau, thấy khách đói quá, ông Quế đề nghị ghé nhà ông ở bãi Miễu (phía Nam đảo) nói vợ nấu cơm giúp, chạy ra bờ biển mua cá về chế biến thêm mấy món. Khách ăn xong khen cá tươi ngon hơn thành phố, giá rất rẻ.
Từ mấy chuyến đò chợ, “đột kích” sang chở khách du lịch, cho thu nhập kha khá, ông Quế quyết định cải hoán chiếc đò chợ thành đò chở khách du lịch. Nói cải hoán cho oai, thực chất chỉ đóng thêm mấy hàng ghế ngồi, lau chùi sạch sẽ hơn và xin phép UBND phường Vĩnh Nguyên đàng hoàng. “Khách đi tham quan ở hồ cá, rồi đi tiếp vòng đảo, qua nhà tôi nấu cơm ăn trưa, về lại Cầu Đá. Sau 3 tháng, tôi cắm 4 cái cột, chặt mấy lá dừa bỏ lên phía trên, làm thành quán du lịch tư nhân đầu tiên trên vịnh Nha Trang. Khách càng ngày càng đông, 2 tháng sau, tôi mua tôn lợp, ván ép đóng thưng hai bên, ra dáng quán nhỏ. Mấy người dân Cầu Đá thấy tôi chở khách du lịch ngon, họ cải tạo ghe đánh cá thành ghe chở khách du lịch. Khách đông, tôi đầu tư xây nhà hàng lớn sát mép nước, lấy tên Làng Chài. Sau một thời gian, nhà bên cạnh cũng mở quán giống như tôi, sự cạnh tranh thị trường bắt đầu từ đây” – Ông Quế nói.
“Quán Làng Chài” lúc sơ khai đã trở thành địa danh du lịch nổi tiếng, có trong từ điển du lịch của thế giới. Đến hôm nay, riêng bến cảng tàu du lịch Cầu Đá đã có trên 450 phương tiện chuyên chở du khách đến tất cả điểm du lịch, đó là chưa thống kê hàng trăm phương tiện của đảo Hòn Tre, Hòn Tằm. Số nhà hàng, khách sạn 5 sao trên các điểm đảo thuộc vịnh Nha Trang có cả trăm nhà. Tất cả đã tạo nên “cái hồn” du lịch biển Nha Trang.
Bài 2: Làm kinh tế “theo kiểu” nhà khoa học
Hải Luận