Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:40 GMT+7

Địa Trung Hải trước nguy cơ xung đột

Biên phòng - Mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp với sự tham gia của Pháp đang làm “nóng” tình hình an ninh tại khu vực Địa Trung Hải. Trong khi việc tôn trọng luật pháp quốc tế và giải pháp đối thoại hòa bình trên biển được kêu gọi thì các hành động “lên gân” đang cho thấy nguy cơ xảy ra xung đột.

Tàu quân sự Pháp và Hy Lạp tại phía Đông Địa Trung Hải. Ảnh: AFP

Cuối tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra cảnh cáo sẽ tấn công đáp trả, nếu tàu nghiên cứu của Thổ Nhĩ Kỳ tại Địa Trung Hải bị tấn công. Theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, chiến hạm Kemal Reis hộ tống tàu khảo sát Oruc Reis đã phải ngăn chặn một cuộc tấn công nhỏ vào ngày 13-8. Tuy đây là một cuộc tấn công nhỏ, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tấn công đáp trả, nếu còn xảy ra bất kỳ một cuộc tấn công nào tương tự.

Tuy ông Erdogan không nói rõ nước nào tấn công tàu của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng giới quan sát khu vực cho rằng, ông Erdogan đang ám chỉ Hy Lạp, bởi 2 quốc gia đang tranh chấp tại khu vực Địa Trung Hải. Trước đó, ngày 10-8, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chiến dịch thăm dò tại Địa Trung Hải với việc sử dụng hải quân để hộ tống tàu nghiên cứu, gây nên tình trạng leo thang căng thẳng. Đến ngày 12-8, một cuộc đụng độ nhỏ giữa hải quân 2 nước đã xảy ra. Dù Hy Lạp cho rằng đó là tai nạn, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ coi đây là hành động khiêu chiến.

Ngày 13-8, trước tình hình Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch thăm dò tại khu vực tranh chấp tại Địa Trung Hải, Pháp tuyên bố củng cố quân sự tại khu vực nhằm ủng hộ Hy Lạp. Ngày 14-8, tại Thụy Sĩ, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu kêu gọi Pháp dừng những hành động gây căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp. Ngoại trưởng Cavusoglu còn cáo buộc rằng, áp lực từ Pháp là một hành động “bắt nạt” kẻ yếu.

Giới chuyên gia quốc tế bình luận, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã có “bất đồng” từ trước liên quan tới tình hình Libya và khu vực Trung Đông. Căng thẳng mới đây tại Địa Trung Hải là động thái khiến mâu thuẫn giữa 2 quốc gia này càng trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố coi trọng đối thoại hòa bình, giải quyết bất đồng bằng giải pháp hòa bình, nhưng hành động của Thổ Nhĩ Kỳ thực tế lại khiến các quốc gia khác không thể “ngồi yên”.

Liên minh châu Âu (EU) đánh giá việc tranh chấp tại Địa Trung Hải hiện nay là một cuộc khủng hoảng. Ngày 14-8, Ngoại trưởng các nước thuộc EU đã tiến hành nhóm họp khẩn cấp và đưa ra khẳng định rằng, EU ủng hộ Hy Lạp về chủ quyền biên giới biển và yêu cầu các bên tôn trọng luật pháp quốc tế. Các Ngoại trưởng EU cũng đã thống nhất việc chuẩn bị các biện pháp chống lại các hành vi đáp trả của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng 27 nước EU cũng cáo buộc rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng tàu hải quân tại nơi tranh chấp đang tạo nên tình trạng đối kháng và thể hiện thái độ khó hợp tác, đối thoại.

Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ cùng là thành viên của liên minh quân sự hùng mạnh nhất thế giới là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ngày 14-8, Người phát ngôn của Nhà Trắng (Mỹ) cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc trao đổi với Tổng thống Pháp về tình hình căng thẳng tại Địa Trung Hải.

Giới chuyên gia quốc tế cho rằng, EU cần trở thành “cầu nối” nhằm gắn kết các nước trong bối cảnh căng thẳng, bởi EU có đủ điều kiện làm việc này và cũng từng tạo ra những hiệu quả nhất định trong việc giảm mâu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Trong tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thành công trong việc khuyến khích Thổ Nhĩ Kỳ dừng hoạt động tàu thăm dò nhằm tạo cơ hội đàm phán. Tuy nhiên, Hy Lạp sau đó đã hợp tác với Ai Cập khiến Thổ Nhĩ Kỳ không hài lòng và khởi động chiến dịch. Mặc dù vậy, ngày 13-8, Tổng thống Erdogan cho biết, vẫn coi trọng tiến trình đàm phán của Thủ tướng Đức.

Giới chuyên gia châu Âu cũng cho rằng, hiện nay, Hy Lạp sẵn sàng đàm phán, song tình trạng đối đầu quân sự là rào cản lớn khiến đối thoại không thể có kết quả tốt đẹp. Vì vậy, EU sẽ cần xoa dịu các bên, ít nhất là phải khuyến khích các bên thu lại các chiến hạm, sau đó mới tiến hành đối thoại, đàm phán.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO