Biên phòng - Sau một tháng leo thang căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp tại Đông Địa Trung Hải, chiến dịch thăm dò khoáng sản của Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm ngừng. Động thái tích cực của Thổ Nhĩ Kỳ được kỳ vọng sẽ “mở đường” cho các hoạt động ngoại giao “xoa dịu” căng thẳng, dù xung đột vẫn có nguy cơ tái phát.

Giới chuyên gia chính trị quốc tế đánh giá, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế bị phân tâm bởi đại dịch toàn cầu Covid-19, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang đẩy mạnh nhiều hành động nhằm mở rộng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực. Nhiều năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành các cuộc chiến tranh ủy nhiệm, yêu sách về mỏ khí đốt, đe dọa châu Âu bằng những làn sóng di cư...
Gần đây nhất, cả thế giới dõi theo từng diễn biến “nóng” tại Địa Trung Hải mà Thổ Nhĩ Kỳ chính là tác nhân gây nên những bất ổn. Cụ thể, Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch khảo sát khoáng sản tại Đông Địa Trung Hải với sự hộ tống của hải quân từ ngày 10-8. Hy Lạp ngay lập tức phản ứng gay gắt vì cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm chủ quyền lãnh hải của mình. Với việc Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis giữ vững lập trường và thách thức sự hiện diện của các tàu khảo sát của Thổ Nhĩ Kỳ trong vùng biển tranh chấp, nhiều vụ va chạm nhỏ đã diễn ra.
Không chỉ có vậy, vụ việc đã kéo theo nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế vào cuộc. Tại thời điểm căng thẳng nhất, nhiều ý kiến quan ngại rằng, xung đột Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp tại Đông Địa Trung Hải có thể “châm ngòi” cho một cuộc chiến tranh với sự tham gia của nhiều quốc gia cùng quy mô quân sự lớn. Đặc biệt, cả Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đều là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - liên minh quân sự lớn nhất hành tinh. Sự vào cuộc và tác động của các quốc gia và tổ chức quốc tế liên quan được đánh giá đã phát huy tác dụng khá tích cực để kiềm chế xung đột, giảm căng thẳng.
Nhờ đó, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã bớt đi những động thái “lên gân” để ngồi vào bàn đàm phán dưới sự chủ trì của NATO và đạt được những bước cần thiết để giảm căng thẳng. Cuối tuần qua, chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm thời “xuống thang” với việc tàu thăm dò địa chất Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ đã trở về cảng. Giới quan sát khu vực đánh giá, động thái trên là một bước đi tích cực đầu tiên trong xung đột giữa 2 nước và tạo ra những tín hiệu lạc quan hơn cho hòa bình tại khu vực.
Đáp lại, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đánh giá cao động thái trên của Thổ Nhĩ Kỳ và nhấn mạnh rằng, đối thoại là giải pháp duy nhất để giải quyết những vấn đề cốt lõi về tranh chấp chủ quyền trên biển. Mặc dù không còn những tuyên bố mang tính “hiếu chiến” từ cả 2 bên, song, Thủ tướng Hy Lạp vẫn bày tỏ quan điểm sẽ phản ứng “cứng rắn” với Thổ Nhĩ Kỳ trong trường hợp xảy ra diễn biến tiêu cực. Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền nước này khẳng định, việc tàu Oruc Reis rút lui không đồng nghĩa với việc nước này từ bỏ chủ quyền của mình tại khu vực tranh chấp. Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết, việc tàu Oruc Reis về cảng nằm trong kế hoạch hoạt động của chiến dịch.
Bình luận về những tín hiệu tích cực này, giới phân tích an ninh tại khu vực cho rằng, lợi ích cốt lõi trong các tranh chấp ở Đông Địa Trung Hải nằm ở lượng tài nguyên khí đốt “khổng lồ”. Trên thực tế, việc tranh giành không khoan nhượng “miếng bánh” này có sự tham gia của nhiều quốc gia khác tại khu vực mà Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp hiện là 2 “lá cờ đầu”.
Cuộc xung đột Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp thời gian qua có thể bùng phát trở thành một cuộc chiến tranh lớn. Chính vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Hy Lạp sẽ ưu tiên các giải pháp đối thoại thay vì khiến xung đột trở nên trầm trọng hơn. Tuy nhiên, việc tìm được “tiếng nói chung” trong bối cảnh bất đồng sâu sắc không phải là điều đơn giản nên xung đột có thể tái phát bất kỳ lúc nào.
Thanh Trúc