Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 07/09/2024 09:55 GMT+7

“Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước

Biên phòng - Nằm trong khuôn viên Khu di tích lịch sử Pò Hèn (xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh), Khu tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ Pò Hèn là một trong những công trình văn hóa mang đậm dấu ấn truyền thống của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP). Nơi đây đã trở thành “địa chỉ đỏ” trong hành trình về nguồn của nhân dân cả nước nói chung và cán bộ, chiến sĩ BĐBP nói riêng.

Ban Liên lạc truyền thống BĐBP thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Khu di tích lịch sử Pò Hèn. Ảnh: Ngọc Lâm

Nơi lưu giữ khí phách, hồn thiêng của dân tộc

Khu di tích lịch sử Pò Hèn là một trong những di tích có giá trị đặc biệt tiêu biểu, có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh của nhân dân địa phương qua các thời kỳ. Đây là nơi tri ân, tôn vinh những chiến công đặc biệt tiêu biểu của tập thể Đồn 209 Công an nhân dân vũ trang (nay là Đồn Biên phòng Pò Hèn), nhân viên thương nghiệp Pò Hèn và Trung đội tự vệ của Lâm trường Hải Sơn trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Đông Bắc của Tổ quốc.

Ngày 17/2/1979 đã đi vào lịch sử Việt Nam như một bản hùng ca về tinh thần anh dũng, bất khuất, kiên trung của những người con nơi địa đầu biên cương, đã hy sinh cả tuổi trẻ và cuộc đời để bảo vệ chủ quyền biên giới thiêng liêng. Trong trận chiến đấu chống quân xâm lược năm đó, trên đỉnh Pò Hèn, 45 cán bộ, chiến sĩ Ðồn 209 Công an nhân dân vũ trang, công nhân Lâm trường Hải Sơn và nhân viên thương nghiệp Pò Hèn đã anh dũng hy sinh để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

Sau sự kiện tháng 2/1979, Đồn 209 Pò Hèn chuyển đi xây dựng ở địa điểm mới. Để tưởng nhớ đến các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến ấy, Khu tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ Pò Hèn được khởi công tôn tạo vào ngày 19/5/2010 nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và được khánh thành vào ngày 10/1/2011 với các hạng mục công trình: Tượng đài, 2 nhà bia và đền thờ các liệt sĩ. Đây là công trình được xây dựng bằng 100% nguồn vốn xã hội hóa do Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ninh làm chủ đầu tư, với sự hiến tặng kinh phí, cơ sở vật chất của các tập thể, cá nhân ở khắp mọi miền đất nước.

Trải qua nhiều lần trùng tu, Khu tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ Pò Hèn đã hoàn thiện với cổng chào, nhà đón tiếp, khu sân rộng rãi và trung tâm là đài tưởng niệm giữa những tán cây xanh. Điểm nổi bật của công trình này là đài tưởng niệm cao 16m bằng bê tông cốt thép, ốp đá trắng quay về hướng Bắc; đỉnh đài tưởng niệm là biểu tượng 3 bàn tay chụm vào nhau, tượng trưng cho 3 dân tộc (Kinh, Dao và Sán Chỉ) cùng sinh sống, chắc tay súng trong những năm kháng chiến để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Chính giữa những bàn tay là ngôi sao vàng năm cánh, biểu tượng cho Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng và ý chí kiên cường của những người con cách mạng.

Khẳng định giá trị trường tồn theo thời gian

Chiến tranh đã đi qua, nhưng những chiến tích năm xưa vẫn còn lưu giữ mãi trên mảnh đất đầy hào hùng. Những hoài niệm lịch sử thiêng liêng nơi đây sẽ luôn là bài học ý nghĩa về lòng yêu nước, giúp khơi dậy tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ với Tổ quốc, tiếp tục rèn luyện, nỗ lực phấn đấu để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ đi trước nhằm đổi lấy hòa bình cho dân tộc.

Là người gắn bó, dành tình cảm sâu nặng với mảnh đất Pò Hèn từ những năm còn công tác, cựu binh Phan Quốc Khương, nguyên Đồn phó Đồn 207 Hoành Mô (nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô) vẫn thường xuyên đến Khu di tích lịch sử Pò Hèn để thăm viếng, chăm sóc phần mộ các đồng đội đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh năm xưa.

Dừng chân trước tấm bia ghi tên những liệt sĩ đã ngã xuống trong trận chiến ngày 17/2/1979, thắp lên một nén hương tưởng nhớ, ông Khương xúc động kể lại: “Đã qua gần 44 năm, nhưng những ký ức về một thời chiến đấu hào hùng của thế hệ cán bộ, chiến sĩ năm 1979 vẫn in sâu trong tâm trí của những người ở lại. Trực tiếp cùng đồng đội giương cao nòng súng, bám trụ đường biên để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi rất vinh dự và tự hào khi được đóng góp một phần công sức bảo vệ mảnh đất biên cương. Dù nhiều đồng đội đã ra đi mãi mãi, nhưng chúng tôi tin rằng, thế hệ trẻ hôm nay sẽ tiếp tục giữ gìn, phát huy tinh thần bất khuất của những anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh để tiếp tục nỗ lực cống hiến, xây dựng đất nước ngày một phát triển”.

Nhằm tiếp tục khẳng định và tôn vinh những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, du lịch, mới đây, Khu di tích lịch sử Pò Hèn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia. Thời gian tới, trong định hướng phát triển của ngành du lịch thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, Khu di tích lịch sử Pò Hèn sẽ là điểm tham quan du lịch, một “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống “Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc”.

Những câu chuyện về các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến ấy vẫn mãi lưu giữ theo thời gian. Để thành kính tri ân sự hy sinh to lớn ấy, cứ vào ngày 17/2 hằng năm, Đồn Biên phòng Pò Hèn đều làm lễ giỗ chung cho các liệt sĩ đã ngã xuống trong những ngày đầu của trận chiến. Chắc chắn những hoài niệm lịch sử thiêng liêng nơi đây sẽ luôn là bài học ý nghĩa về lòng yêu nước, khơi dậy trách nhiệm với Tổ quốc của thế hệ trẻ hôm nay để tiếp tục rèn luyện, phấn đấu hơn nữa xứng đáng với công ơn của biết bao thế hệ cha anh đã hy sinh vì sự bình yên, no ấm nơi địa đầu cực Bắc này.

Giữa bạt ngàn rừng xanh, mênh mông giữa đất trời biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ Pò Hèn vẫn hiên ngang như một “nhân chứng sống” khắc ghi về những năm tháng lịch sử đầy hào hùng của dân tộc. Đó cũng chính là biểu tượng của ý chí đoàn kết, tinh thần bất khuất, anh dũng trong chiến đấu của quân và dân ta. Tin tưởng rằng, Khu di tích lịch sử Pò Hèn sẽ mãi là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước, yêu chuộng hòa bình, hữu nghị nơi biên giới, nơi khơi dậy khát vọng của nhân dân trong công cuộc xây dựng đất nước hùng cường, văn minh, hiện đại.

Ngọc Lâm

Bình luận

ZALO