Biên phòng - Nằm trong khuôn viên Khu di tích lịch sử Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam (xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), Khu di tích lịch sử An ninh vũ trang (ANVT) miền Nam là một trong những công trình văn hóa mang đậm dấu ấn truyền thống của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP). Nơi đây đã trở thành “địa chỉ đỏ” trong hành trình về nguồn của nhân dân cả nước nói chung và cán bộ, chiến sĩ BĐBP nói riêng.

Khu di tích lịch sử ANVT miền Nam nằm trong khuôn viên Khu di tích Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên, cách trung tâm thành phố Tây Ninh chừng 60km. Địa điểm này đã lưu lại những chứng tích của năm tháng chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ nhưng rất đỗi tự hào của thế hệ cha ông ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Cách đây gần 53 năm (20/4/1968-20/4/2021), trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ quan và các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam, Đoàn 180 ANVT miền Nam được thành lập. Suốt một chặng đường dài gian khổ, ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 180 ANVT luôn vững vàng bám trụ, hiệp đồng chặt chẽ với quân chủ lực, bộ đội địa phương và các lực lượng khác hình thành một vành đai đánh địch. Mặc cho mưa bom, bão đạn của kẻ thù, các chiến sĩ luôn quyết tâm đánh bại hàng trăm trận càn lớn, nhỏ, tiêu diệt nhiều biệt kích, thám báo của địch; bảo vệ an toàn tuyệt đối cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam, góp phần đưa cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Ghi nhận những thành tích và chiến công của Đoàn 180 ANVT miền Nam, Đảng, Nhà nước đã trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 4 tập thể và 5 cá nhân; 200 cán bộ, chiến sĩ đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp trung đoàn; 400 cán bộ, chiến sĩ đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ quyết thắng, Dũng sĩ diệt cơ giới, Dũng sĩ diệt máy bay...
Để lưu giữ những hiện vật và tri ân những chiến công hiển hách, những thành tích oanh liệt cũng như sự hy sinh cao cả của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ ANVT miền Nam đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đồng thời, làm nơi cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ ANVT miền Nam trước đây gặp gỡ, giao lưu và ôn lại truyền thống vẻ vang một thời máu lửa, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Truyền thống BĐBP (3/3/1959-3/3/1999) và 10 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989-3/3/1999), Bộ Tư lệnh BĐBP đã khởi công xây dựng Khu di tích ANVT miền Nam.
Đặc biệt, nhà truyền thống ANVT miền Nam đã lưu lại hơn 200 tư liệu, hiện vật và hình ảnh truyền tải những nội dung lịch sử các sự kiện, những hoạt động, chiến công tiêu biểu cùng những tấm gương chiến đấu hy sinh anh dũng của lực lượng ANVT miền Nam vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Qua đó, giúp các thế hệ sau này càng thấu hiểu hơn truyền thống cách mạng vẻ vang của thế hệ cha anh thời đánh Mỹ.
Tính đến thời điểm hiện tại, trải qua hơn 20 năm, khu di tích đã trở thành địa chỉ quen thuộc của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước đến tham quan, tìm hiểu và ôn lại truyền thống. Bên cạnh đó, địa danh lịch sử này đã góp phần truyên truyền, giáo dục cho các thế hệ trẻ sau này, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ BĐBP về truyền thống anh hùng của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) và của toàn dân tộc.
Anh Nguyễn Văn Minh, Bí thư Đoàn trường Trung cấp Y tế Tây Ninh cho biết: “Hằng năm, vào những dịp kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của đất nước, Đoàn trường Trung cấp Y tế Tây Ninh thường phối hợp với Đoàn Thanh niên BĐBP Tây Ninh tổ chức các hoạt động về nguồn. Một trong những “địa chỉ đỏ” mà các đoàn viên, thanh niên chúng tôi thường xuyên đến tham quan, học tập là Khu di tích lịch sử ANVT miền Nam.
Trong những lần đến tham quan Khu di tích lịch sử ANVT miền Nam, bản thân tôi và các bạn đoàn viên khác không khỏi xúc động, bồi hồi và cảm phục khi được nghe kể về những chiến công hiển hách của các thế hệ cha anh đi trước đã chiến đấu bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc. Đặc biệt, qua những hình ảnh, tư liệu, hiện vật tại khu di tích đã giúp thế hệ trẻ chúng tôi càng hiểu hơn truyền thống cách mạng vẻ vang của cha ông ta. Để phát huy truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước, thế hệ trẻ chúng tôi sẽ nỗ lực phấn đấu, nguyện mang sức trẻ, trí tuệ cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước”.
Hồ Phúc