Biên phòng - Trên dặm trường thiên lý vào Nam ra Bắc, cứ mỗi khi đi ngang qua vĩ tuyến 17, lòng tôi lại bồi hồi xúc động nhớ về một thời oanh liệt của cha ông. Nơi ấy có cây cầu Hiền Lương bắc qua con sông Bến Hải, nơi một thời giới tuyến cắt chia dải đất hình chữ S thành hai miền Nam-Bắc đằng đẵng suốt hơn 20 năm.
Đây cũng là nơi lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) ngày mỗi ngày giáp mặt đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù để bảo vệ giới tuyến và giữ vững khí phách anh hùng của dân tộc Việt Nam, viết nên một bản hùng ca về tinh thần cách mạng, lòng quả cảm cho sự quyết tử bảo vệ Tổ quốc trước những âm mưu và đạn bom ác liệt của kẻ thù.
Một thời bảo vệ giới tuyến
Hiền Lương - Bến Hải, một địa danh với biết bao nỗi đau thương và niềm tự hào của lịch sử nước nha, bởi sau khi Hiệp định Geneve được các bên ký kết vào ngày 20-7-1954, địa danh này đã trở thành nỗi đau chia cắt đất nước thành đôi miền cách trở. 14 giờ, ngày 25-8-1954, khi tên lính Pháp cuối cùng rời khỏi Vĩnh Linh thì cũng chính là thời điểm các lực lượng bảo vệ giới tuyến bước vào giai đoạn đấu tranh với kẻ thù tuy diễn ra thầm lặng nhưng vô cùng gay go, quyết liệt, phức tạp, lâu dài, vừa mang tính pháp lý, vừa mang tính quần chúng trên cả chính trị và quân sự để bảo vệ giới tuyến, thực hiện hiệp định, giữ vững hòa bình, duy trì mối quan hệ giao tiếp bình thường giữa hai miền Nam - Bắc.
Từ năm 1954 đến năm 1962, Mỹ-Diệm đã 240 lần cho lực lượng vũ trang xâm nhập trái phép khu phi quân sự, 551 vụ nổ súng khiêu khích, 5.976 lượt lính Mỹ và ngụy vào khu phi quân sự, song chúng đã vấp phải sự kiên quyết đấu tranh của các chiến sĩ CANDVT Vĩnh Linh làm nhiệm vụ bảo vệ giới tuyến.
Song hành với lịch sử giới tuyến là lá cờ Tổ quốc mỗi ngày tung bay trên đỉnh cột cờ ở phía Bắc cầu Hiền Lương. Để luôn giữ cho lá cờ mãi kiêu hùng nơi đầu cầu miền Bắc XHCN, cán bộ, chiến sĩ ta hết sức vất vả. Thông thường mỗi tháng thay 1 lá cờ, nhưng vá cờ phải 5 đến 7 lần, mỗi buổi sáng kéo cờ phải huy động một tiểu đội, mỗi khi cờ cuốn vào dây chằng là phải lên tháo gỡ rất nguy hiểm.
Năm 1965, đế quốc Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, cột cờ Hiền Lương là mục tiêu số 1 để chúng trút bom đạn phá hoại. Mặc dù máy bay, pháo binh của Mỹ - nguỵ đánh phá ác liệt vào cột cờ, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn Hiền Lương quyết giương cao lá cờ Tổ quốc trên tuyến đầu miền Bắc XHCN. Trong khu vực chưa đầy 1ha, không quân và các vũ khí tối tân của quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã thực hiện 192 lần ném bom với 7.000 tấn bom các loại, hơn 2.000 quả đại bác ở căn cứ Dốc Miếu, Cồn Tiên bắn phá cột cờ.
Tháng 5-1976, CANDVT Vĩnh Linh kết thúc nhiệm vụ lịch sử trên giới tuyến. Ròng rã 22 năm, CANDVT Vĩnh Linh đã vượt qua muôn vàn gian lao thử thách, ngoan cường, dũng cảm trong chiến đấu, mềm dẻo, linh hoạt trong thực hiện các nguyên tắc, phương châm, đối sách, mưu trí, bền bỉ trong đấu tranh chính trị với kẻ thù và các loại đối tượng, bám trụ kiên cường trên mảnh đất “Vĩnh Linh lũy thép”, gắn bó máu thịt với đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. CANDVT đã làm tròn sứ mệnh lịch sử của một giai đoạn cách mạng trên giới tuyến, xứng đáng là lực lượng vũ trang tin cậy của Đảng và nhân dân.
Trong cuộc chiến đấu đầy cam go, ác liệt bảo vệ giới tuyến, đã có 3 tập thể và 5 cá nhân được tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (trong đó có Đồn CANDVT Cù Bai được tuyên dương lần thứ 2), song cũng trong cuộc đấu tranh này đã có gần 150 cán bộ, chiến sĩ ngã xuống cho giang sơn có được ngày thống nhất.
Bất hủ một tượng đài
Năm tháng đã đi qua, chiến tranh lùi về quá vãng, nỗi đau chia cắt đất nước giờ đã nguôi ngoai, dẫu vậy, vẫn không thể nào xóa được trong tiềm thức về một quá khứ hào hùng của quân và dân ta ở đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải mà lực lượng CANDVT là một thành phần không thể thiếu trong dòng chảy lịch sử ấy.
Thể theo nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ lực lượng CANDVT trước đây, BĐBP ngày nay cũng như Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị, Bộ Tư lệnh BĐBP và UBND tỉnh Quảng Trị đã tiến hành xây dựng công trình tượng đài “Chiến sĩ CANDVT bảo vệ giới tuyến” tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải nhằm ghi nhớ công lao to lớn của cán bộ, chiến sĩ CANDVT và nhân dân đã anh dũng chiến đấu, hy sinh bảo vệ giới tuyến, bảo vệ cột cờ Hiền Lương - sông Bến Hải trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tượng đài là thông điệp gửi tới muôn đời sau về sự tri ân đối với những người con đã cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc, vì khát vọng hòa bình.
2 đợt đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, 11 lần cột cờ giới tuyến bị bom đạn địch đánh gãy, gần 2.000 lá cờ Tổ quốc bị bom đạn địch và gió bão xé rách, nhưng chưa một ngày nào chiến sĩ ta để lá cờ ngưng bay trên đỉnh cột, chưa một lần vắng bóng cờ Tổ quốc ở đầu cầu giới tuyến.
Công trình tượng đài “Chiến sĩ CANDVT bảo vệ giới tuyến” được thiết kế với chất liệu đúc bằng bê tông cốt thép phủ nano bề mặt, trọng lượng 60 tấn, cao 12m (chưa tính bệ 3m). Tượng đài gồm người chiến sĩ CANDVT cao 5m, bồng súng quay mặt về phía bờ Nam đứng gác nghiêm trang dưới biểu tượng cổng chào đầu cầu Hiền Lương, khói lửa đạn bom, có dòng chữ “Nam Bắc một nhà”, trên cùng là lá cờ Tổ quốc được đặt trang trọng sát chân kỳ đài và bên cạnh cụm loa phóng thanh tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.
Công trình khởi công vào ngày 8-3-2018 và được khánh thành vào ngày 19-8-2018 là biểu tượng bất tử về lòng dũng cảm và sự hy sinh của những người chiến sĩ CANDVT và đã trở thành địa chỉ đỏ trong việc giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc, của lực lượng BĐBP cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ mai sau.
Theo năm tháng, vết tích chiến tranh sẽ phai mờ, song tất cả chúng ta không một ai được phép quên lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc và tượng đài “Chiến sĩ CANDVT bảo vệ giới tuyến” sẽ mãi mãi là một tượng đài bất hủ về những người chiến sĩ CANDVT vì sự độc lập, thống nhất của Tổ quốc đã không tiếc máu xương, sẵn sàng hiến dâng trái tim mình cho đất mẹ để thế hệ hôm nay và mai sau mãi khắc ghi.n
Nguyễn Thành Phú