Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 04/06/2023 04:05 GMT+7

Di sản từ bàn tay khéo léo của cộng đồng dân tộc thiểu số

Biên phòng - Nghệ nhân chế tác đàn tính, người Sán Chỉ, thôn Khau Đấng, xã Bộc Bố, Pắc Nặm, Bắc Kạn tên là Hoàng Văn Cầu đã từng làm ra hơn 600 chiếc đàn tính đặc trưng của dân tộc mình. Có lẽ, đây là nghệ nhân có tay nghề thủ công khéo léo với số sản phẩm kỷ lục, trong khi vùng đất của ông sinh sống không phải là trung tâm đô thị có thể kinh doanh mặt hàng đặc biệt này.

cxd9_8a
Nghệ nhân Y Due Nie chế tác đàn T’rưng, nhạc cụ dân tộc Ê Đê. Ảnh: TTH 

Hằng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều tổ chức các hội nghị gặp mặt các nghệ nhân, già làng, những người có ảnh hưởng và có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đồng bào. Điều đáng trân trọng là các địa phương đều lựa chọn những cá nhân tiêu biểu của cộng đồng, những người đang định cư ở miền núi, miền biên giới đến hội nghị này. Họ thực sự đại diện cho niềm hy vọng và tiềm lực của những cộng đồng dân tộc thiểu số xưa nay chưa từng được khai thác hết tiềm năng thế mạnh của vùng đất con người.

Đặc biệt là kho báu từ làng - đôi bàn tay tài hoa, chăm chỉ, khéo léo của họ chưa biến hóa thành tài nguyên phát triển kinh tế, làm giàu cho chính những người sở hữu nó. Vì chưa trở thành tài nguyên hiện hữu có thể sinh lợi nên nghệ thuật dân gian chế tác nhạc cụ, công cụ lao động, món ăn, bài thuốc... cũng chưa được truyền dạy rộng rãi và tạo nên hào hứng cho người trẻ học hỏi. 

Nghệ nhân Hoàng Văn Cầu nói: “Tôi chỉ mong đàn tính được phổ biến hơn nữa, nhiều người biết hơn nữa, để cây đàn tính của dân tộc tôi được người ta mang đi khắp nơi, biết chơi và coi trọng như một vật trang trí đẹp trong nhà”. Nghệ nhân cho biết, cây đàn tính chế tác không dễ. Dù về mặt hình thức, cây đàn đơn giản gồm quả bầu khô làm hộp âm và thanh gỗ kéo dây cước chuốt bằng sáp ong. Tất cả nguyên vật liệu làm đàn từ tự nhiên. Và khâu khó nhất là chỉnh âm để tiếng đàn mang cảm xúc đặc trưng, mang màu sắc và âm thanh riêng có của vật liệu tự nhiên, mộc mạc và không có cảm giác bị “công nghiệp hóa” hay là sản xuất hàng loạt. 

Nước ta hiện có khoảng 40 mô hình làng truyền thống được tái cấu trúc để bảo tồn. Trường hợp có hiệu quả rõ rệt nhất thuộc về sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng, Bình Phước. Trước đây, ngôi làng cổ của người Stiêng này gần như mai một bản sắc, các thiết chế văn hóa không còn nét. Chỉ có thể hình dung sóc Bom Bo như trong bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” chứ trên thực tế, bản sắc văn hóa người Stiêng ở đây bị lấn át và lai tạp khá nhiều.

Nhưng từ khi sóc Bom Bo được hồi sinh, ngôi làng như có sức sống mới. Nét thuần chất riêng có được tái tạo. Vào lúc này, cả một kho báu từ bàn tay khéo léo của những con người Stiêng trong cộng đồng được hồi sinh trở lại. Trong một lễ hội đường phố đề cao bản sắc văn hóa tại các đô thị lớn, dân làng Stiêng được mời đến để họ trổ tài nấu món ăn từ các loại cây rừng hầm với thịt và cá mang lại hương vị khó có thể trộn lẫn hoặc bắt chước được nếu không phải là nguyên liệu từ vùng núi Bình Phước và được nấu từ bàn tay khéo léo của người Stiêng.

Vốn văn hóa dân gian đó mới là tài sản quý giá của mỗi cộng đồng dân tộc thiểu số. Một số cá nhân có bàn tay khéo léo ở đây phải kể đến anh Điểu Dơn, 35 tuổi, ở sóc Bom Bo, người nấu những món ăn đặc trưng Stiêng; chị Điểu Thị Dôn, người sáng lập câu lạc bộ dệt thổ cẩm cung cấp cho cộng đồng của mình, đồng thời bán lai rai cho khách du lịch ghé qua sóc Bom Bo. 

Hiện nay, các lĩnh vực được ưu tiên lựa chọn để tạo vốn văn hóa từ bàn tay khéo léo của người dân tộc thiểu số là: Dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ, đầu bếp món ăn dân tộc, bài thuốc nam, làm gốm, làm đồ chơi dân gian... Trong đó, việc thành lập các câu lạc bộ dệt thổ cẩm được khá nhiều các tổ chức phi chính phủ, các dự án xóa đói giảm nghèo và các tổ chức xã hội đỡ đầu.

Hiệu quả mang lại bước đầu rõ rệt ở các cộng đồng thiểu số sống trong các khu du lịch như cộng đồng người Ê Đê tại Đắk Lắk; cộng đồng người Tày ở vùng Ba Bể, Bắc Cạn; cộng đồng người Mông, Dao ở Sa Pa, Mộc Châu; cộng đồng người Thái ở Điện Biên, Lai Châu; cộng đồng người Raglei ở Vườn quốc gia Núi Chúa... Đây là mục tiêu khôi phục những vốn quý của dân tộc, thêm một mức cao hơn là từ những tài sản quý đó, có thể làm giàu cho cộng đồng, phát triển kinh tế địa phương. 

Chị Hồ Thị Kiên, người Chứt, Trưởng bản Rào Tre, Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh nói: “Nhiều người dân tộc tôi không biết chữ, không có công ăn việc làm ổn định. Bản sắc dân tộc lại phai nhạt gần hết. Tôi mong được phục hồi lại bản sắc văn hóa của dân tộc, chứ bây giờ không có gì để phát huy, không biết phải dựa vào đâu để phát triển kinh tế”. Đó là bài học cho tất cả các cộng đồng dân tộc thiểu số trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. 

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy khẳng định: “Những kiến nghị về việc giữ gìn bản sắc văn hóa từ bàn tay khéo léo của các nghệ nhân dân gian sẽ được ghi nhận và trên cơ sở đó, Bộ có những kiến nghị về mặt chính sách phát triển đối với các cộng đồng dân tộc thiểu số đang sở hữu những tiềm năng thế mạnh này. Việc các nghệ nhân hy vọng có kinh phí để truyền dạy tay nghề thủ công mỹ nghệ, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ là rất chính đáng. Chỉ sợ rằng, nghèo vốn văn hóa, chứ nơi nào còn những nghệ nhân tâm huyết, đau đáu với vốn văn hóa dân tộc mình thì ở đó còn tiềm năng phát triển. Con người là vốn văn hóa quý nhất”.

Những kho báu đó luôn chờ cơ hội để được khuyến khích bằng nhiều hình thức, trước mắt là thu hút chú ý, khơi dậy tiềm năng. 

Trương Thúy Hằng

Bình luận

ZALO