Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 02/06/2023 12:41 GMT+7

Đi qua miền “tâm bão”

Biên phòng - Những ngày này, tại nhiều thôn xóm ven biển Nam Trung bộ, nơi cơn bão số 12 quét qua, cuộc sống người dân đang dần hồi sinh, đẩy lùi cảnh đổ nát do bão, lũ tàn phá. Song, câu chuyện người lính Biên phòng sát cánh cùng bà con vượt qua mưa bão vẫn đọng mãi trong tâm trí người dân nơi này và trở thành “chất keo” gắn kết, để nghĩa tình quân dân thêm bền chặt.

5a4f3ac24557147373000d96
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vĩnh Lương, BĐBP Khánh Hòa giúp dân dọn dẹp nhà cửa, phục hồi cuộc sống sau bão số 12. Ảnh: Hoàng Hải

Cùng dân vượt bão

Chúng tôi đến cảng cá Vĩnh Lương khi những chiếc ghe ở làng chài này vừa cập cảng sau chuyến biển đêm. Trên bến, dưới thuyền, mọi người tất bật thu dọn ngư cụ, chuyển cá lên bờ. Những mẻ cá thu, cá hố tươi rói lần lượt được đưa đến khu vực xe đông lạnh đang đón thu mua hàng. Sắc nắng vàng của buổi sáng cuối năm lướt nhẹ qua mặt biển, hắt lên bờ cát, làm rạng ngời những gương mặt sạm đen của ngư phủ vừa từ biển về.

Sau khi kéo dây thừng, neo ghe vào cọc trụ bên bờ cảng, lão ngư Nguyễn Thanh Bình bước lên bờ. Tay bắt, mặt mừng, ông chia sẻ niềm vui với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vĩnh Lương: “Ghe chú đi 5 ngày, về được gần 4 tạ cá hố. Tiền bán cá chia cho thuyền viên mỗi người hơn một triệu, vẫn còn dư chút ít để trả dần tiền nợ sửa ghe sau trận bão”.

Từng chứng kiến những giờ phút gian nguy, bề bộn khi cơn bão số 12 đổ bộ, tàn phá, người đàn ông có hơn 50 năm bám biển này hiểu rằng, những ngày khó khăn vừa qua, nếu không có sự giúp sức của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vĩnh Lương, làng biển Văn Đăng 1 của ông khó lòng hồi phục được như bây giờ. “Nơi đây, hàng chục tàu thuyền bị sóng biển đánh tấp vào bờ mắc cạn, có nhiều chiếc thân tàu bị vỡ nát. Những lồng tôm, bè cá bị sóng gió quăng quật làm rách toác, móp méo. Khắp làng cây cối đổ ngổn ngang, nhà cửa bị gió lốc hết mái, nhiều căn nhà bị gió bão đánh sập hoàn toàn” - Ông Bình nhớ lại.

Ngay khi bão vừa giảm, gió mưa vẫn còn quăng quật, cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Vĩnh Lương chia thành nhiều mũi, tỏa ra khắp làng biển này. Trong sự khẩn trương, tất bật, nhóm này hỗ trợ người dân lợp lại mái nhà, chặt dọn cây cối đổ nát, giải phóng các con đường, dọn vệ sinh trường học; nhóm khác đi trục vớt, cứu kéo ghe thuyền bị chìm tại các bãi neo đậu. Các chiến sĩ còn đi vận động bà con trong làng hỗ trợ, chia sẻ, giúp nhau vượt khó để sớm phục hồi cuộc sống.

Kể lại chính hoàn cảnh của mình, ông Bình còn cho biết, con tàu 240 mã lực của ông với sức nặng cả chục tấn, tưởng đã an toàn khi trú đậu trong bến Ninh Vân. Thế nhưng, gió bão hất tấp nó lên bờ, rồi xô, đập khiến thân tàu bể nhiều mảng. Nhìn con tàu nửa tỷ đồng bị vùi trong cát, những người con trai của ông Bình đã nghĩ đến cảnh sau bão trắng tay, phải rời quê đi vào miền Nam làm thuê. “Từ bến Ninh Vân gọi điện về báo cho gia đình, hai đứa con tôi như muốn khóc, tôi nghe tin cũng không khỏi mủi lòng. Chỉ khi biết, anh em Đồn Vĩnh Lương ra Ninh Vân giúp ngư dân, cha con tôi mới bình tâm trở lại” - Ông Bình trải lòng.

Vượt gần 15 cây số, 20 cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Vĩnh Lương đã có mặt tại bến Ninh Vân ngay giữa trưa sau bão. Suốt 8 tiếng đồng hồ dầm mình trong mưa gió lạnh buốt, đến 20 giờ, tổ trục vớt tàu do Thiếu tá Hoàng Văn Hải, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Vĩnh Lương trực tiếp chỉ huy đã giải cứu thành công con tàu trong nỗi mừng vui nghẹn ngào của ông Bình. Hết chiếc này, tiếp tục sang chiếc khác, gần một tuần nỗ lực đào bới, lai dắt, cứu kéo, anh em đã trục vớt, cứu hàng chục tàu, thuyền vốn là cả gia tài của bà con bị gió bão nhấn chìm hoặc bị đánh tấp vào mắc cạn trong bờ.

Theo ông Bình, đến nay, phần lớn các phương tiện của ngư dân làng biển Văn Đăng 1 đã được sửa chữa và đang ra biển làm ăn. “Nếu không có BĐBP, tôi cũng như nhiều ngư dân trong làng đã trắng tay, chứ không dễ đem được “miếng cơm” từ biển về nuôi gia đình như bây giờ. Ân tình đó, bà con không bao giờ quên được” - Ông Bình thổ lộ niềm tin yêu.

Ấm tình Vũng Rô

Nằm dưới chân núi rừng Đèo Cả, giáp ranh với phía Bắc tỉnh Khánh Hòa, làng chài Vũng Rô (thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) như một ốc đảo lặng lẽ, ba mặt bao quanh bởi núi, nhìn phía trước là biển. Mưa bão đi qua, những người dân lại ra biển đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. 

Nhắc lại những ngày ứng phó với cơn bão số 12, ông Nguyễn Nhơn, Trưởng thôn Vũng Rô cho biết, suốt nhiều ngày sau bão, không khí ở đây luôn tất bật, rộn ràng. Cùng với người dân, dân quân địa phương, BĐBP Phú Yên đã có mặt rất đông. Anh em là lực lượng “chủ công”, vừa làm, vừa đứng ra vận động dân, hô hào mọi người cùng cào dọn cát đất, chặt cây đổ giải phóng đường giao thông, giúp nhau dựng lại mái nhà, trục vớt lồng bè, cứu kéo ghe thuyền.

“Có sự hỗ trợ của BĐBP, sức lực cả làng như tăng thêm bội phần. Trên tinh thần việc nhỏ từng nhà tự khắc phục, việc lớn, việc khó thì cùng dồn sức giúp nhau, bà con luân phiên, việc nhà này xong lại bắt tay qua hỗ trợ nhà khác. Nhờ đó, những khó khăn bề bộn đã trở nên nhẹ nhàng, xóm làng sớm ổn định cuộc sống” - Ông Nhơn kể.

Câu chuyện “vượt bão” được người dân làng biển Vũng Rô kể lại mang tâm thái khá nhẹ nhàng. Song, hơn ai hết, những người có mặt tại “đầu sóng, ngọn gió” này mới thấu biết, cội nguồn sức lực để Vũng Rô vững vàng vượt qua thiên tai khắc nghiệt. 

Ông Trưởng thôn tâm sự, hôm bão vào, cả dãy nhà dân trước mặt biển ở bãi Lách bị sóng bổ lên tận mái nhà. Sóng biển đưa cát vào phủ ngập toàn bộ nhà cửa, đường đi trong xóm. Trong 22 ngôi nhà sát biển, có 5 căn bị đánh sập hoàn toàn, hơn một nửa bị tốc hết mái, nhà nào cũng bị cát ngập hơn nửa mét. Sau bão, bà con đi trú tránh bão trở về. Đứng trước căn nhà trống hoác, căn bếp bị cát vùi, những thùng gạo, thức ăn trộn cát, ướt sũng, ai nấy đều thẫn thờ, không biết bắt tay làm lại từ đâu.

Cũng lúc đó, Đại úy Nguyễn Văn Nam, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Rô đi qua bãi Lách kiểm tra tình hình. Biết tình cảnh của người dân, anh đã điện thoại về thành phố, nhờ người thân của mình tức tốc chuyển vào Vũng Rô 20 thùng mì gói để giúp bà con có cái ăn.

ja8m_10b
Đại úy Nguyễn Văn Nam, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Rô, BĐBP Phú Yên chuyển những thùng mì tôm đầu tiên về thôn Vũng Rô ngay sau bão số 12. Ảnh: Xuân Điền

Bữa ăn đầu tiên sau bão của cả xóm Bãi Lách là những suất mì gói mà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vũng Rô chuyển xuống. Rồi những ngày kế tiếp, cũng chính BĐBP là cầu nối, kêu gọi bạn bè, người thân, các hội từ thiện từ nhiều nơi quyên góp, chuyển tiền, gạo, mì gói, nhu yếu phẩm về hỗ trợ để cho dân có cái ăn.

Những ngư dân Vũng Rô còn tự hào cho biết, Vũng Rô có hơn trăm hộ, hàng ngàn người dân làm nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản nhưng trong bão, không có thiệt hại về người. Đó là thành công lớn nhất mà không thể không nói đến vai trò của các Tổ sản xuất an toàn trên biển do Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Rô thành lập.

“Bây giờ, trong các tổ sản xuất, chủ tàu luôn liên kết, có tổ trưởng đứng ra đôn đốc, anh em đàm thoại cho nhau liên tục, hễ có chuyện là hỗ trợ nhau kịp thời” - Anh Nguyễn Cá, người làng biển Vũng Rô khẳng định.

Anh Cá còn cho biết, chiều hôm trước bão, anh gọi 11 phương tiện trong tổ cùng đưa ghe tập trung ra bãi Lau trú. 4 giờ sáng, gió mạnh đánh bứt dây neo của ghe anh Đoàn Văn Minh (thành viên trong tổ sản xuất) khiến ghe trôi. Khi anh Minh nhảy xuống biển thoát thân đã được đồng đội ra hỗ trợ cứu vớt. Không chỉ Tổ sản xuất của anh Cá mà cả 4 Tổ sản xuất an toàn trên biển của thôn Vũng Rô đã vượt qua gió bão an toàn. Họ không chỉ cứu giúp anh em tổ, mà còn giúp nhiều bà con trên các bè nuôi thủy sản thoát nạn khi bão vào.

Với người dân vùng đất “đầu sóng, ngọn gió” này, thiên tai như một lẽ thường tình, cứ đến hẹn lại lên. Trong sự đùm bọc của bà con xóm làng, sự cưu mang của cộng đồng, sự tiếp sức của BĐBP, người dân các làng biển lại tiếp tục đứng dậy, lại bám biển phục hồi cuộc sống và sẵn sàng cho những cuộc đương đầu với những mùa mưa bão mới.

Phương Oanh

Bình luận

ZALO