Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 05/06/2023 09:49 GMT+7

Di cư trái phép bằng tàu cá - "canh bạc" không bao giờ thắng

Biên phòng - Với hi vọng đổi đời, thời gian qua, nhiều người dân Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng đang tìm mọi cách để di cư bất hợp pháp, đặc biệt là vượt biên bằng đường biển nhằm tìm kiếm cho mình một cơ hội được định cư tại Australia. Với chính sách quản lý biên giới chặt chẽ của Australia cộng với những nguy hiểm luôn rình rập trong quá trình vượt biên làm cho việc di cư bất hợp pháp sang Australia trở thành một canh bạc lớn được đánh đổi bằng cả mạng sống mà người chơi không bao giờ thắng cuộc.

kuq8_14
BĐBP Bình Thuận tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân. Ảnh: Trung Thành

Hiện nay, Australia đang đối mặt với vấn đề người nhập cư bất hợp pháp bằng nhiều hình thức, nhiều nhất là di chuyển bằng tàu cá từ các nước nghèo ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Trên hành trình vượt biên nguy hiểm này đã có nhiều thảm kịch xảy ra như: Gặp cướp biển, lật thuyền hoặc đắm thuyền gây chết người... Trước thực trạng đó, Chính phủ Australia hiện đang áp dụng chính sách quản lý biên giới thuộc loại chặt chẽ nhất thế giới, với ba điểm cơ bản: Buộc những chiếc tàu vượt biên phải quay lại từ ngay trên biển; buộc những người nhập cư phải sống ở các trại tị nạn trên đảo Nô-ru, Indonesia và Papua New Guinea và đảm bảo họ không bao giờ có thể đặt chân tới Australia.

Mặc dù Australia đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, nhưng vẫn còn tình trạng người nhập cư trái phép. Theo các cơ quan chức năng tại Việt Nam và các nước láng giềng cho biết, để nhập cư trái phép sang  Australia, người dân đi bằng ba con đường chính. Thứ nhất là vượt biên bằng thuyền và đi thẳng sang  Australia.

Thứ 2, đi thuyền đến Indonesia sau đó tiếp tục hành trình. Ngoài ra, họ còn đi bằng đường hàng không theo con đường du lịch và sau khi sang đến nơi trốn ở lại và sống ngoài vòng pháp luật. Trong các hình thức trên, việc vượt biên bằng thuyền là nguy hiểm nhất, bởi quá trình di chuyển dài, tàu chở người thường không đảm bảo đủ yêu cầu về an toàn, kỹ thuật nên rất dễ gặp nạn. Hơn nữa, người vượt biên còn đối mặt với hiểm nguy như: Cướp biển, giông bão hoặc có thể bị các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.

Rất nhiều người liều mình trên hành trình sang Australia vì đã tin lời của những kẻ tổ chức, đưa người trái phép qua biên giới rằng họ sẽ được chào đón tại Australia, có việc làm, cấp nhà và được đi học. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết số người bị lôi kéo, lừa gạt xuất cảnh trái phép sang Australia đều bị các cơ quan chức năng của Australia nước sở tại phát hiện, bắt giữ, điều tra và trao trả về Việt Nam.

 Tại thị xã La Gi, Bình Thuận, từ năm 2013 đến 2016 là điểm nóng về tình trạng di cư trái phép bằng đường biển sang Australia. Theo thống kê của Bộ Chỉ huy BĐBP Bình Thuận, từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ với 120 người vượt biển trái phép bằng tàu cá sang Australia và kết quả là hầu hết số người này đều bị bắt hoặc đang bị giam giữ ở nước sở tại.

 Cụ thể, ngày 1-7-2013, tàu BTh 96934 hành nghề câu khơi do ông Nguyễn Thanh Hoan, sinh năm 1981, làm Thuyền trưởng xuất bến tại cảng cá La Gi chở theo 12 người do bà Nguyễn Thị Hoa chủ mưu đưa người di cư trái phép sang Australia. Ngày 7-3-2015, tàu cá BTh 99310 do ông Hồ Trung Lợi, sinh năm 1972, ở phường Phước Hội làm chủ, chở theo 46 người xuất cảnh trái phép sang Australia.

Đến ngày 19-3, tàu này bị lực lượng Hải quân Australia phát hiện, bắt giữ. Ngày 1-7-2015, tàu cá BTh 96282 do ông Nguyễn Minh Quyết, sinh năm 1981, trú tại xã Tân Phước, chở theo 46 người và cũng bị Hải quân Australia bắt giữ. Đáng chú ý là đầu năm 2017, cũng tại thị xã La Gi có 16 người xuất cảnh trái phép sang Australia, theo cơ quan chức năng, số người này đang bị giam giữ tại Indonesia.

Để ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép sang Australia bằng đường biển, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Bình Thuận tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng Chính phủ các nước và các cơ quan, ban, ngành, lực lượng có liên quan trao đổi, chia sẻ thông tin về tình hình di cư bất hợp pháp.

Đồng thời, chính quyền tỉnh Bình Thuận cũng chủ động tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động đưa người di cư, xuất cảnh trái phép, siết chặt công tác quản lý tại các khu vực cửa khẩu, biên giới, vùng biển, chú trọng việc giám sát, quản lý hành chính trên từng địa bàn. Ngoài ra, việc đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền cũng được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giúp người dân có nhận thức đúng và sâu sắc hơn về những hiểm nguy của việc vượt biên trái phép sang Australia.

Thượng tá Chu Văn Tấn, Trưởng phòng Trinh sát BĐBP Bình Thuận cho biết: “Thời gian qua, BĐBP tỉnh đã phối hợp với IOM và chính quyền các địa phương ven biển tổ chức 12 đợt truyền thông diện rộng; 4 cuộc đối thoại chính sách cùng hàng trăm buổi tuyên truyền nhỏ lẻ. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về di cư an toàn, xuất khẩu lao động hợp pháp cũng như sự nguy hiểm, rủi ro trong việc di cư bất hợp pháp bằng tàu thuyền trên biển. Do đó, từ cuối năm 2017 đến nay, chưa có trường hợp di cư bất hợp pháp xảy ra trên địa bàn tỉnh”.

Hiện nay, với sự hỗ trợ của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Chính phủ các nước có liên quan, nhất là Đại sứ quán Australia, Ca-na-đa tại Việt Nam, BĐBP Bình Thuận đã chỉ đạo cho các đồn Biên phòng trong tỉnh triển khai có hiệu quả các chiến dịch truyền thông tại cộng đồng. Chương trình truyền thông này là một trong những chuỗi hoạt động của công tác phòng chống di cư trái phép sang Australia mà Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và tổ chức IOM phối hợp triển khai thực hiện từ năm 2014 đến nay. Nội dung của chương trình là đi sâu truyền thông tại cộng đồng khu dân cư, các bến bãi tàu thuyền, nhất là những địa bàn được xem là tiềm năng có người di cư trái phép với nhiều hình thức như áp phích, tờ rơi, báo chí, tư vấn trực tiếp, sân khấu hóa, bản tin đọc trên loa đài địa phương gắn với các văn bản pháp luật, cung cấp tài liệu liên quan đến việc di cư ra nước ngoài, xuất khẩu lao động...

Với những biện pháp cứng rắn từ phía Australia và pháp luật của Việt Nam hiện hành, người di cư trái phép sang Australia sẽ không được nhập cư dưới bất cứ một hình thức nào. Chính vì vậy, người dân cần biết để không bị rơi vào bẫy của những kẻ chuyên cò mồi, môi giới đưa người di cư, nhập cảnh trái phép ra nước ngoài để đưa mình vào một canh bạc lớn - một canh bạc được đánh đổi bằng cả mạng sống mà người chơi không bao giờ thắng cuộc.

Trung Thành - Phúc Khánh

Bình luận

ZALO