Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:21 GMT+7

Di chỉ Phong Lệ - Thông điệp quá khứ gửi tới tương lai

Biên phòng - Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ (tại xóm Cấm, tổ 3, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) được phát hiện sau cả trăm năm bị lãng quên. Các kết quả khảo cổ học khẳng định, di chỉ khảo cổ này có niên đại khoảng 1.000 năm nên có nhiều giá trị rất đặc biệt, hàm chứa nhiều thông điệp văn hóa của người trong khứ gửi tới tương lai.

Các nhà khảo cổ khai quật di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ. Ảnh: Trúc Hà

Ngược về quá khứ

Tháng 4-2011, gia đình ông Văn Tồn và bà Lê Thị Út, trú tại xóm Cấm khi đào móng làm nhà đã phát hiện ra một pho tượng cổ có hình dáng đầu người mình chim và nhiều gạch Chăm. Ngay sau đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng chỉ đạo lãnh đạo Bảo tàng Điêu khắc Chăm tổ chức thực hiện nhiều đợt khai quật vào các năm 2012 và năm 2018. Từ đây, câu chuyện về di chỉ Chăm Phong Lệ dần được làm sáng tỏ. Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ được lấy tên theo tên làng Phong Lệ xưa. Trong quá khứ, đây là vùng đất được chuyển giao từ Vương quốc Chăm Pa sang Đại Việt sau cuộc hôn nhân lịch sử giữa vua Chăm Pa Chế Mân và công chúa Huyền Trân.

Những năm cuối thế kỷ XIX, Phong Lệ đã được ông Camille Paris (người Pháp) lựa chọn để lập đồn điền trồng cà phê, chè, dứa. Trong quá trình khai phá để trồng trọt, các công nhân phát hiện tàn tích của một ngôi tháp đổ nát. Sau đó, ông Camille Paris đã thu thập ở đây được nhiều hiện vật điêu khắc Chăm Pa và chuyển về công viên Tourane (nay là Bảo tàng Điêu khắc Chăm). Năm 1909, các nhà khảo cổ đã phát hiện được 21 hiện vật mang về từ Phong Lệ, đến năm 1918, thu thập thêm được 9 hiện vật. Sau giai đoạn này, địa điểm khảo cổ Chăm Phong Lệ bị lãng quên, hoang phế, cây cối mọc rậm rạp và ít người qua lại.

Qua các lần khai quật, các đoàn khảo cổ đã nhận định, di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ là một tổ hợp kiến trúc phân bố trên một gò đất cao, được bao quanh bởi một dòng chảy cổ thuộc dòng sông Cẩm Lệ. Di tích được người Chăm Pa khởi dựng vào khoảng đầu thế kỷ X và được duy trì thờ tự cho đến ít nhất vào thế kỷ XII. Những di tích, di vật tìm được tại Phong Lệ đã phản ánh nhiều mặt về đời sống xã hội, tinh thần, kinh tế của người Cham Pa tại vùng đất Amaravati từ thế kỷ đến thế kỷ XII. Những kiến trúc, tác phẩm điêu khắc đá đã góp phần khẳng định tinh thần tôn giáo của người Chăm Pa xưa, đó là tục thờ các vị thần có nguồn gốc Ấn Độ giáo. Các di chỉ cũng đồng thời phản ánh kỹ thuật chế tác vật liệu xây dựng, kỹ thuật xây cất, kỹ thuật khắc tạc đá.

“Đánh thức” di chỉ Chăm Phong Lệ

Trong đợt khai quật năm 2012 do Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã làm phát lộ khá rõ ràng về quy mô và cấu trúc nền móng của một tòa tháp Chăm lớn tại đây. Đặc biệt đoàn cũng khai quật được một “hố thiêng” có bố cục hoàn toàn khác lạ so với các di tích đã biết trước đó. Độc đáo của “hố thiêng” Phong Lệ là được phủ bằng cát trắng, đá cuội trộn lẫn với nhau. Sát đáy “hố thiêng” có 8 ô khám được xếp lõm vào trong các bức tường gạch theo các hướng khác nhau. Trong mỗi ô khám có sắp xếp một viên gạch hình vuông đặt nằm ngang, dưới viên gạch là một viên đá cuội hình trứng đặt theo chiều thẳng đứng. Dưới viên đá cuội là một mảnh kim loại bằng vàng rất nhỏ. Tất cả được vùi trong cát trắng. Bên ngoài miệng ô khám đặt những viên thạch anh hướng chiều nhọn tinh thể lên phía trên...

Cách thức, ý nghĩa tâm linh của tín ngưỡng tôn giáo của người Chăm xưa đang dần được hé lộ qua những phát hiện thú vị ở “hố thiêng” Phong Lệ đã giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ được cấu trúc bên trong lòng móng tháp Chăm, cũng như các tín ngưỡng văn hóa đặc trưng của người Chăm thời xưa. Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ là những thông điệp văn hóa quá khứ bị lãng quên do hoàn cảnh lịch sử. Điều này cho thấy những giá trị quan trọng, đặc biệt và tiêu biểu của di tích này.

Sau khi được phát lộ và nghiên cứu khảo cổ, di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ đã được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt Sơ đồ ranh giới bảo vệ di chỉ khảo cổ Phong Lệ với với diện tích 2.653m2, sau đó, mở rộng quy hoạch định hướng bảo tồn phát huy di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ với diện tích 17.087m2. Tháng 2-2021, UBND thành phố Đà Nẵng đã quyết định xếp hạng di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ là di tích cấp thành phố. Từ đây, di tích được đưa vào bảo tồn, tôn tạo, tu bổ, phục hồi nhằm phát huy bền vững giá trị văn hóa, di sản tại di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ.

Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: Đà Nẵng hiện có 19 di tích quốc gia và 60 di tích thành phố nhưng trong số đó chỉ mới có 1 di tích thuộc loại hình di tích khảo cổ, đó chính là di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ. Trong thời gian tới, thành phố Đà Nẵng sẽ nghiên cứu xây dựng Dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm giai đoạn 2 tại khu vực này. Các cơ quan chức năng của thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, điền dã khảo cổ để làm sáng tỏ hơn nữa các tầng ý nghĩa của di tích này, tìm ra giải pháp trùng tu, tôn tạo, phục dựng phù hợp và tối ưu nhất nhằm phát huy giá trị của di tích trong bối cảnh đời sống xã hội hiện đại. Mục tiêu sắp tới là tuyên truyền, quảng bá, xây dựng các chương trình, các tour du lịch đến với di tích.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO