Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 27/09/2023 08:09 GMT+7

Đến bao giờ Tùng Vài hoàn thành tiêu chí nông thôn mới?

Biên phòng - Sau 6 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), xã miền núi Tùng Vài (huyện Quản Bạ, Hà Giang) mới đạt 6/19 tiêu chí. Việc hoàn thành những tiêu chí còn lại đối với Tùng Vài là vô cùng khó khăn và chưa thể định được mốc thời gian cụ thể.

59d1b3937a76df6e3000187d
Anh Nguyễn Cao Chiến giới thiệu sản phẩm của HTX Suối Vui. Ảnh: Bích Nguyên

Nhiều tiêu chí khó cán đích

Tùng Vài có 965 hộ với 4.590 nhân khẩu, gồm 8 dân tộc: Mông, Dao, Kinh, Tày, Nùng, Giáy, Bố Y và Hoa. Cả xã có 11 thôn bản, trong đó có 3 bản giáp biên. Với điều kiện tự nhiên, khí hậu không thuận lợi, nhiều năm qua, Tùng Vài vẫn là một trong những xã nghèo của Hà Giang. Xuất phát điểm quá thấp, trong khi nguồn lực ngân sách Trung ương cấp cho chương trình NTM quá ít khiến cho việc thực hiện xây dựng NTM ở Tùng Vài gặp khá nhiều khó khăn.

Cũng như nhiều địa phương khác, xã biên giới Tùng Vài triển khai xây dựng NTM từ năm 2011, nhưng đến nay mới đạt được 6 tiêu chí, gồm: Quy hoạch, bưu điện, chợ nông thôn, giáo dục, an ninh trật tự và hình thức tổ chức sản xuất. Nếu tính trung bình một cách cơ học thì mỗi năm Tùng Vài hoàn thành được một tiêu chí NTM. Nhìn xa về phía trước, trên cơ sở các điều kiện hiện có, Tùng Vài chắc chắn không thể tiến nhanh hơn được.

 Ông Lý Tà Chùi, Chủ tịch UBND xã Tùng Vài cho biết, chương trình xây dựng NTM cần nguồn vốn đầu tư rất lớn bởi cơ sở hạ tầng như đường, điện… của địa phương đều hạn chế, nhưng nguồn lực từ Trung ương phân bổ về lại quá ít. Trong 6 năm qua, Nhà nước đã cấp cho địa phương 2,1 tỉ để xây dựng NTM. Số tiền này chưa thấm vào đâu so với một xã nghèo đang khát vốn như Tùng Vài. Trong khi đó, các tiêu chí còn lại cần phải hoàn thành trong thời gian tới đều rất “khó nhằn”.

Cũng theo ông Chùi, khi triển khai xây dựng NTM, Tùng Vài có thuận lợi là người dân đồng thuận, dễ huy động sức dân, nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất để xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, nhà văn hóa… Thuận lợi là vậy nhưng khó khăn ở Tùng Vài cũng không ít. Hiện tại, toàn xã Tùng Vài có tới 81% hộ nghèo và cận nghèo, riêng hộ nghèo chiếm tới 64%. Thu nhập bình quân đầu người ở đây mới đạt 13,5 triệu đồng/người/năm, cách xa chuẩn NTM. Một số thôn, bản đường sá đi lại khó khăn, nhất là 2 thôn giáp biên (Lùng Chư Phìn và Sì Lò Phìn) mới chỉ có đường đất, vào mùa mưa lầy lội, mùa nắng thì bụi mù đi lại vô cùng khó khăn. Ở Tùng Vài có thôn chưa có điện lưới quốc gia. Cả xã vẫn còn 10 điểm trường là nhà cấp 4 hoặc nhà trình tường, chưa đạt chuẩn. Nhiều thôn chưa có nhà văn hóa và khu thể thao. Hiện trạng này cho thấy việc hoàn thành các tiêu chí còn lại ở Tùng Vài đang là thách thức lớn đối với chính quyền và nhân dân nơi đây.

Bài toán chưa có lời giải

Lãnh đạo xã Tùng Vài cho rằng, trong số các tiêu chí NTM cần hoàn thành trong thời gian tới, khó nhất vẫn là tiêu chí thu nhập, cơ sở hạ tầng, tỉ lệ hộ nghèo. Riêng việc làm đường giao thông cho 2 thôn giáp biên với khoảng 16km đã là một bài toán khó bởi chưa tìm đâu ra kinh phí. “Việc huy động vốn đầu tư, nhất là nguồn vốn xã hội hóa rất khó do người dân trong xã đều rất nghèo” - Ông Lý Tà Chùi giãi bày. Cũng theo ông Chùi, còn tiêu chí thu nhập thì không thể thực hiện trong ngày một, ngày hai được mà cần phải một quá trình. Trong nhiều năm nay, chính quyền xã Tùng Vài vẫn đang đi tìm cách giải bài toán nâng cao thu nhập cho người dân, và dường như các phương án đều “tắc”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguồn thu nhập chủ yếu của người dân ở Tùng Vài hiện nay đến từ 349ha thảo quả, 200ha lúa nước, khoảng gần 1.000 con bò, 80ha chè cổ thụ và diện tích trồng ngô. Trong số này, cây thảo quả, chè và bò có giá trị hơn cả nhưng không đủ lớn để vực dậy một nền kinh tế nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên.

Với mục tiêu, thúc đẩy phát triển kinh tế, từ năm 2016, xã Tùng Vài đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để khuyến khích bà con làm giàu theo hướng xây dựng các mô hình sản xuất, xây dựng hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, Tùng Vài đã hình thành 2 cơ sở sản xuất kinh doanh gồm: Hợp tác xã (HTX) dịch vụ và tổng hợp Bản Thăng có 5 thành viên, chuyên chăn nuôi, nhân giống vịt cổ ngắn nổi tiếng của Bản Thăng cung cấp cho thị trường.

Cơ sở thứ hai là HTX Suối Vui với 171 thành viên chuyên thu mua, chế biến chè Shan Tuyết cổ thụ cho bà con trong xã. Hiện HTX Suối Vui đã đăng ký bảo hộ thương hiệu chè Shan Tuyết Tùng Vài, có chỉ dẫn địa lý. Bước đầu, hai cơ sở kinh doanh này được chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ làm các thủ tục pháp lý, mượn quỹ đất, hỗ trợ vay vốn. Từ đầu năm đến nay, HTX Suối Vui đã sản xuất được khoảng 1 tấn chè. Thị trường chủ yếu của HTX là các cơ quan, ban, ngành trong huyện.

Anh Nguyễn Cao Chiến, Giám đốc HTX Suối Vui cho biết, hoạt động của HTX vẫn còn nhỏ lẻ do thiếu vốn. Chúng tôi chỉ có 3 bom sao nên chưa tăng sản lượng và mở rộng sản xuất được. Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa hạch toán kinh doanh nên chưa thể biết hiệu quả kinh doanh thế nào.

Đánh giá về triển vọng của các HTX trên địa bàn, ông Chùi cho rằng, trước mắt nó tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho bà con bởi tất cả các sản phẩm chè đồng bào thu hái đều được HTX Suối Vui thu mua với giá cao hơn thị trường. Tuy nhiên, hiệu quả của mô hình này vẫn còn là một ẩn số. Chúng tôi hỏi: “Vậy đến thời điểm này, chính quyền xã đã xác định được cây, con nào phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất chưa?”.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi, ông Chùi cho hay: “Thế mạnh của Tùng Vài là cây thảo quả, hương thảo, lạc, chè và chăn nuôi. Tuy nhiên, xã vẫn chưa xác định được cây, con có tính đột phá, mang lại thu nhập cao nhất cho người dân”. Xem ra, bài toán tăng thu nhập cho người dân vẫn còn là câu chuyện dài ở Tùng Vài. Điều này cũng khiến cho chính quyền xã Tùng Vài chưa thể đưa ra được mốc thời gian có thể hoàn thành chương trình xây dựng NTM mà chỉ nói chung chung là sau năm 2020.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO