Biên phòng - “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” là sáng tác của nhạc sĩ Trần Chung. Cho đến tận ngày hôm nay, những giai điệu đó vẫn sống mãi trong lòng nhiều thế hệ công chúng. Có thể nói rằng, chủ đề về người lính cụ Hồ, về người cha già dân tộc đáng kính luôn được những người nhạc sĩ nhân dân khai thác hết sức tỉ mỉ, tạo nên những âm điệu hào hùng đi cùng năm tháng.
Ý nghĩa gửi gắm qua bài hát Đêm Trường Sơn nhớ Bác
Không khó để nhận ra, xuyên suốt bài hát là những ca từ mộc mạc, giản dị, đúng với phong cách Bác Hồ. Có một chút trẻ trung, một chút phóng khoáng, tự do tự tại nhưng vẫn không kém phần mặn mà, da diết. Tác giả đã khắc hoạ chân thực hình ảnh và tâm tư người chiến sĩ Trường Sơn hành quân ra chiến trường. Không hề có chút sợ hãi, những tâm hồn tuổi đôi mươi tràn trề nhựa sống vẫn cực kỳ lạc quan, lãng mạn.
Đêm Trường Sơn về khuya chỉ có cây và ánh trăng, nhưng có ai biết những dấu chân nhỏ bé vẫn miệt mài không ngừng nghỉ vì tổ quốc thân yêu. Những người lính trẻ lãng mạn đến lòng bồi hồi, xao xuyến, ngỡ là Bác vừa đi qua, vẫn cùng chúng cháu hành quân. Tại sao lại là Bác Hồ? Đó chính là tình cảm thiêng liêng khó diễn tả thành lời đối với vị cha già dân tộc.
Nhạc sĩ Trần Chung đã thực sự khéo léo khi vẽ nên bức tranh “Đêm Trường Sơn, nghe tiếng suối trong như tiếng hát xa, mà ngỡ như từ Pắc Bó suối về đây ngân nga”. Giai điệu bài hát không hề giục giã, không hề có cao trào, cực kỳ từ tốn nhưng chúng ta lại cảm nhận được tình cảm dạt dào vô bờ bến.
Trong màn đêm khuya thinh vắng của dãy Trường Sơn, người lính không hề cảm thấy cô độc, không hề cảm thấy sợ hãi. Mà thay vào đó chính là niêm tin son sắt vào thắng lợi của kháng chiến, tin vào bóng hình Bác vẫn luôn dõi theo từng bước chân chúng cháu hành quân. Ý chí, quyết tâm của người lính phải vững vàng, lấy hận thù làm sức mạnh, lấy tình cảm đập tan sự yếu hèn, sợ hãi.
Ca khúc bất hủ, sống mãi trong lòng người dân Việt Nam
Hình ảnh đường Trường Sơn chính là biểu tượng của cuộc kháng chiến trường kỳ chống goặc ngoại xâm. Không phải ngẫu nhiên là ca khúc “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” lại trở nên bất hủ, có sức sống mãnh liệt, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Những lời ca ngắn gọn, giản dị, không hề khoa trương, giàu cảm xúc. Sức mạnh tinh thần người lính chính là vũ khí sắc bén, tạo nên chiến thắng vẻ vang của cả dân tộc. Vượt qua mưa bom bão đạn, vượt qua hoàn cảnh khó khăn đầy chông gai, người chiến sĩ cầm súng không hề cảm thấy lạc lõng, nao núng vì có hình bóng Bác dõi theo, cả dân tộc vẫn dõi theo các anh.
Nói về nhạc lý của bài hát, không hề có những quảng nhảy âm điệu nổi bật. Mọi thứ như một câu chuyện với giọng văn từ tốn, ấm áp nhưng có tuần tự, và hết sức logic. Càng về sau, ở đoạn B, âm điệu càng trở nên dạt dào. Người nghe có thể hình dung được chặng đường hành quân của những người chiến sĩ anh dũng, kiên cường. Những ô nhịp liên tiếp được hát luyến, gơi cho chúng ta về khung cảnh bình minh ngày mới, về tương lai đất nước đang rạng ngời đang đón chờ phía trước.
Những câu cuối cùng “Con đường của Bác mới đi qua” được đẩy lên nốt cao nhất. Đó chính là niềm tin mãnh liệt, về hình bóng Bác thực sự ở đây, như tiếng reo vang, tiếng tuyên thệ hùng hồn của người lính. Nhìn chung, nghệ thuật xử lý âm nhạc quyện lời ca của nhạc sĩ Trần Chung thực sự tuyệt vời, hàm xúc và vô cùng ý nghĩa. Nếu như thời chiến, đó là niềm cảm hứng của người lính ra chiến trường. Thì cho tới tận ngày nay, những ca từ này đã cho chúng ta biết rằng ông cha đã chiến đấu, đã đánh đổi, đã mất mát như thế nào để giành lại sự tự tôn, nền độc lập, tự do cho dân tộc.
Ca khúc đêm Trường Sơn nhớ Bác vẫn còn đó, trở thành một trong những bài hát hay nhất trong chùm ca khúc cách mạng, vẫn vang vọng mãi trong tâm khảm nhiều thế hệ về sau. Hình bóng Bác vẫn ấm áp, đôn hậu như thuở nào, vẫn luôn dõi theo non sông gấm vóc.
Diệp Chi