Biên phòng - Đêm nằm nghe biển thở, nghe biển mặn vỗ vào bờ cát, nghe cánh vạc đêm xoải cánh thiên di trong khoảng không vời vợi, nghe hoa loa kèn tấu lên khúc mê hương tháng Năm, lòng lại bâng khuâng thương về biên ải...
Dẫu chưa một lần đặt chân tới biên ải nhưng trong thâm tâm tôi vẫn hiểu rằng, biên là chỗ giáp với nước khác, ải là nơi biên giới giữa hai nước. Nơi có những cột mốc biên giới mà bao người đã hy sinh xương máu để bảo vệ cho đất Mẹ Việt Nam được bình yên. Biên ải trong nỗi nhớ thương vời vợi của người mẹ có con đóng quân nơi biên cương xa xôi. Biên ải định hình trong lòng người con gái có người yêu là lính trẻ nơi biên giới.
Biên ải là những chiều vời vợi cách xa tím trong hoàng hôn nỗi nhớ nhung. Biên ải xa nhưng cũng thật gần và ấm nóng thổn thức trong trái tim của những người yêu nhau. Biên ải là đêm không trăng bộ đội ta vẫn luồn rừng lội suối, là ngày tuyết rơi tê cóng, lính Biên phòng vẫn chắc tay súng bảo vệ biên cương.
Cột mốc là hoa hồng, là tình yêu rực sáng thắp trong tim người lính trẻ. Có những cột mốc biên giới phía Bắc còn nằm ngay trong sân nhà của đồng bào dân tộc. Họ cùng lính Biên phòng chung tay bảo vệ, biên ải thật gần trong tình yêu thương, đoàn kết của nhân dân. Biên ải không chỉ là phên giậu núi đồi biên giới mà còn là hải đảo thiêng liêng.
Nơi Trường Sa, Hoàng Sa, quần đảo ngày đêm sóng vỗ vẫn ngân vang tiếng chuông chùa giữa đại dương mênh mông. Tiếng chuông chùa mang hồn Việt vang lên trên bão táp sóng gió là nhịp cầu thiêng liêng mang bình yên cho tâm hôn người giữ đảo. Biên ải giữa đại dương xanh màu lá bàng vuông, sắc trắng tinh khôi của hoa bàng đã dịu đi nắng nóng bỏng cháy của gió cát.
Không phải chỉ bây giờ mà ngay từ thuở ông cha ta mang gươm đi mở cõi, đã có những hải đội Trường Sa, Hoàng Sa được thành lập dưới triều nhà Nguyễn gồm 60 người nhận lương thực đủ 6 tháng và binh khí lên 5 chiếc thuyền câu rồi tiến ra đảo, ở lại đó canh giữ bờ cõi. Và những lớp người khác lại lần lượt ra đi thay thế cho người trở về. Có bao dân phu triều Nguyễn đã hy sinh bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa biên ải đất nước ta. Những ngôi mộ gió vẫn nằm trên đảo để hàng dương ru mãi bài ca về đất mẹ yêu thương. Biên ải còn là bóng người mẹ già mong con ra đi từ độ ấy chưa về để bao đêm mẹ ngậm nước mắt chờ mong.
Biên ải giờ này đã vào mùa mưa phải không anh? Nghe anh kể về những lán chống dịch Covid-19 của lính Biên phòng vẫn kiên trì bám trụ trong mưa dầm nắng lửa. Mùa hanh khô thiếu nước, thiếu cả rau ăn, nhưng lính Biên phòng đã gieo màu xanh trên chốt. Những hộp xốp đất được trồng các loại rau xanh mởn thật vui mắt. Mỗi lá rau xanh là những giot mồ hôi của lính Biên phòng đổ xuống. Lán giữa đồng xối xả mưa, gió tung bạt, lán dột, chiếc võng bạt mắc vào những thân cây kẽo kẹt trong đêm mưa.
Biên ải tưởng bình yên, nhưng dịch bệnh có thể tràn sang, buôn lậu trái phép diễn ra bất kể lúc nào nếu ta lơ là mất cảnh giác. Lán chống dịch có nụ cười rớm nước mắt của anh lính khi nghe tiếng con thơ bi bô trong điện thoại mong bố về. Lán chống dịch mang theo cả âu lo của người vợ trẻ đêm nhớ chồng nơi tận cùng của đất nước.
Chiều nay, nghe tiếng anh điện về ấm áp yêu thương. Anh khoe là chốt anh đã trồng thêm những chậu hoa. Mưa đầu mùa tắm trên khóm hoa đan vào nỗi nhớ. Màu tím của hoa giấy bung biêng, màu đỏ hoa hồng tươi thắm và nhành mai vàng nở muộn vẫn dâng lên một sắc xuân giữa tháng năm lịch sử. Yêu thương bỗng ùa về xốn xang. Anh còn kể trên chốt ở Đồn Biên phòng Sông Trăng, nơi anh đến tăng cường chống dịch còn nuôi cả mèo con và chó con. Những lúc các anh đi tuần tra về, chúng quấn quýt đòi ăn thật vui. Nỗi nhớ nhà phần nào cũng được dịu đi.
Tháng Năm này nỗi nhớ cứ đầy lên, hòa trong niềm vui kỷ niệm ngày kỉ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ thì những chốt chống dịch vẫn vững vàng trên dặm dài biên ải. Ai kia có thể ngủ quên trong đời chật, nhưng những người lính Biên phòng... vẫn vững vàng tay súng bảo vệ cho đất mẹ bình yên. Tổ quốc thiêng liêng trong dặm dài biên ải. Máu xương và nước mắt đã đổ xuống cho đất Mẹ nở hoa... Dặm dài nhớ, dặm dài thương, dặm dài biên ải xanh sắc áo lính Biên phòng...
Tản văn: Lê Hà Ngân