Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 29/09/2023 01:30 GMT+7

Đêm huyền diệu nơi cực Bắc Tây Nguyên

Biên phòng - Chúng tôi gọi chương trình “Tết sum vầy - Mừng Xuân, ơn Đảng” được tổ chức mới đây tại xã Đắk Nhoong, huyện Đắk Lây, tỉnh Kon Tum là “đêm huyền diệu” nơi cực Bắc Tây Nguyên không chỉ ở đó có điệu múa xoan, tiếng cồng chiêng chếnh choáng trong men say rượu cần, bên ánh lửa hồng giữa tiết trời cuối Đông giá lạnh. Huyền diệu không chỉ trong nụ cười của các chủ nhân biên giới rực lên nét đẹp tình người, mà còn có những mối lương duyên bền chặt, nửa như thực, nửa như mơ. Còn với người Giẻ Triêng ở Đắk Nhoong thì lại rất thực tế khi rằng có được Tết sớm trên quê hương là nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ…

jvhm_10a
Ban tổ chức chương trình tặng bánh chưng cho các cháu học sinh ở Đắk Nhoong. Ảnh: Thái Kim Nga 

Những “chàng ngự lâm” và cuộc hành trình qua 2 thế kỷ

Ngay sau khi chương trình “Tết sum vầy - Mừng Xuân, ơn Đảng” do Công đoàn ngành giáo dục Việt Nam phối hợp với Công đoàn giáo dục Quốc phòng, Cục Chính trị BĐBP và tỉnh Kon Tum tổ chức tại Đồn Biên phòng Đắk Nhoong “hạ màn”, bức thông điệp đã được nhà tổ chức đưa ra, đó là: “Chỉ cần tấm lòng nhân ái là chúng ta có thể tổ chức được một cái Tết ấm áp, sum vầy cho nhân dân, bộ đội và giáo viên vùng biên giới...”. Điều này là hoàn toàn đúng, bởi những chủ nhân nơi đây rất cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội để được đón một mùa Xuân trọn vẹn nhất. Nếu có lòng nhân ái, bạn - tôi và mọi người giờ đây chỉ cần chia sẻ một phần rất nhỏ về vật chất là có thể mang mùa Xuân đến với mọi miền đất nước. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm lớn nếu chúng ta không hướng lòng về quá khứ để chiêm ngưỡng nét đẹp đầy tính nhân văn của những con người đã cống hiến cho đất rừng biên giới xuyên qua 2 thế kỷ.

Câu chuyện của những “thầy giáo mang quân hàm xanh” hội ngộ về Đắk Nhoong hôm nay để tham gia gặp gỡ giao lưu trong chương trình “Tết sum vầy - Mừng Xuân, ơn Đảng” có nét gì đó hao hao giống những nhân vật nổi tiếng trong thiên tiểu thuyết “Ba chàng lính ngự lâm” của đại văn hào người Pháp Alexandre Dumas. 

Cách đây gần 30 năm về trước, những “chàng ngự lâm quân” Phạm Xuân Bốn, Đinh Thanh Kỳ, Nguyễn Văn Hội, Lê Thanh Toàn và nhiều người khác nữa nhận lệnh cấp trên trực tiếp đứng lớp dạy chữ cho người dân vùng biên giới. Mục tiêu đề ra của chương trình phối hợp giữa ngành giáo dục và BĐBP lúc bấy giờ là tập trung xóa nạn mù chữ, từng bước nâng cao dân trí, tạo tiền đề cải thiện đời sống dân sinh. 

Những người thầy giáo Biên phòng lúc bấy giờ có lãng mạn đến mấy cũng chỉ dám mơ học sinh của mình sẽ vĩnh viễn thoát khỏi cảnh mù chữ thất học. Vậy mà, họ đã làm được nhiều hơn thế, khi không chỉ khuất phục được “giặc dốt”, mà còn chắp cánh những ước mơ bay cao. Chính sự miệt mài cống hiến của người lính mang quân hàm xanh đã gieo vào lòng trẻ thơ vùng biên giới hình ảnh mà người ta vẫn quen gọi là thần tượng. Con gái thì mơ lớn lên được làm giáo viên như các chú Biên phòng, còn con trai thì lại ước được nối bước những người thầy đáng kính của mình trên dọc dài biên giới.

Câu chuyện của những “chàng ngự lâm quân” là như thế khi Trung tá Đinh Thanh Kỳ gặp lại cô học trò Y Lai năm xưa, giờ đang là giáo viên Trường Tiểu học Đắk Nhoong, còn đồng đội của anh đã góp công “gieo mầm” cho lực lượng BĐBP để có được những sĩ quan trẻ tuổi như Đại úy Xiêng Văn Thang, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Dục Nông; Thượng úy A Hí, Đại đội phó Đại đội Huấn luyện, Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động; Trung úy Brôl Minh Phong, Trợ lý công tác quần chúng, Phòng Chính trị, BĐBP Kon Tum.

Những “hạt giống đỏ” ngày ấy, giờ tiếp bước cha anh, cống hiến hết mình cho đất rừng biên giới. Gặp lại người thầy khoác áo lính năm xưa, cô giáo Y Lai chỉ biết khóc để thay lời muốn nói. “Thần tượng” của mình ngồi đó - tóc đã pha sương, nước da sạm màu nắng gió, nhưng ánh mắt, nụ cười thì vẫn vẹn nguyên nét hiền của người chiến sĩ.      

Cuộc hành trình “gieo chữ, giữ đất” xuyên qua 2 thế kỷ của người lính Biên phòng đã mở ra biết bao câu chuyện diệu huyền nơi vùng biên giới cực Bắc Tây Nguyên.

“Cái lý” của đồng bào Đắk Nhoong và nỗi trăn trở dành cho người “đưa đò”

Tiếng cồng chiêng rộn rã, điệu múa xoan Tây Nguyên chếnh choáng men say rượu cần hòa vào “hồn” dân tộc trong nồi bánh chưng xanh khiến cho mối lương duyên của các chủ nhân vùng biên giới càng trở nên bền chặt hơn. Chương trình “Tết sum vầy - Mừng Xuân, ơn Đảng” đã để lại những dư vị ngọt ngào của tình người, giúp cho nhân dân, bộ đội và giáo viên vùng biên giới Đắk Nhoong có được mùa Xuân đủ đầy ấm áp nhất. 

96ys_10b
Đội cồng chiêng nhí xã Đắk Nhoong trình diễn tại đêm giao lưu. Ảnh: Thái Kim Nga 

Sau phút thăng hoa của cảm xúc, cuối cùng “cái lý” của người Giẻ Triêng ở Đắk Nhoong là có lý nhất khi cho rằng tất cả là nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ. Đảng và Bác Hồ đã sinh ra, nuôi dưỡng, đào tạo nên người chiến sĩ Biên phòng luôn biết sống hết mình vì biên giới. Đảng và Bác Hồ đã mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân và hôm nay tiếp tục gợi mở những tấm lòng nhân ái, tập hợp thành sức mạnh đoàn kết dân tộc để không có ai bị bỏ lại phía sau. Việc tổ chức Tết sớm ở Đắk Nhoong là để ghi nhận những cống hiến của cán bộ, nhân dân, giáo viên và bộ đội trong sứ mệnh “gieo chữ, giữ đất”, nhưng thực chất là để tri ân Đảng, tri ân Bác Hồ kính yêu. “Cái lý” của người Giẻ Triêng ở Đắk Nhoong có lý là ở chỗ đó.

Sau sứ mệnh “gieo chữ, giữ đất” xuyên qua 2 thế kỷ, Chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” chính là “điểm nhấn” của cuộc giao lưu “Tết sum vầy - Mừng Xuân, ơn Đảng”. Mỗi sự trợ giúp là một niềm vui mang đến cho nhân dân, nhưng ai cũng biết, dù ở giai đoạn nào thì lính Biên phòng cũng chỉ là người “đưa đò” giúp trẻ em nghèo vượt qua khúc sông sâu chứ khó có thể đi hết cuộc hành trình rộng, dài phía trước. 

Câu hỏi lớn được đặt ra ở đây là làm thế nào để hàng ngàn “Con nuôi đồn Biên phòng” và trẻ em nghèo vùng biên giới (thuộc Chương trình “Nâng bước em tới trường”) trên khắp đất nước tiếp tục bay cao, bay xa hơn nữa trên con đường học vấn, sau khi đã rời xa vòng tay người lính? Bởi, khi đã qua khúc sông sâu, người “đưa đò” lại phải quay về bến cũ để tiếp tục dìu dắt thêm những chuyến khác. 

Rõ ràng, những mô hình trợ giúp học đường ý nghĩa như thế này rất cần được nhân rộng và mang tính xã hội hóa sâu hơn, để mọi người cùng được chung tay, góp sức chăm lo ngày càng tốt hơn sự nghiệp giáo dục trên vùng biên giới.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO