Biên phòng - Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các giải pháp triển khai giúp người dân miền Trung khôi phục sản xuất thủy sản. Trong đó, Tổng cục Thủy sản kiến nghị Chính phủ xem xét xây dựng chính sách dự trữ giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.

Theo báo cáo sơ bộ ban đầu tính đến ngày 16-11-2020, bão lũ trong hơn 1 tháng qua đã làm thiệt hại 9.931ha/38.340 ha (chiếm 25,9% diện tích đang nuôi). Ngoài ra, còn có 2.180 ô lồng nuôi tôm hùm bị thiệt hại do nước ngọt đổ về (chiếm 2,3% tổng số ô lồng đang nuôi), 39 tàu thuyền khai thác hải sản bị hư hại, giá trị thiệt hại khoảng 474 tỷ đồng.
Trong đó, tại tỉnh Hà Tĩnh, diện tích nuôi nước ngọt, mặn, lợ bị ngập lụt: 2.872ha, sản lượng bị thiệt hại 2.712 tấn; thiệt hại về lồng bè 3.294 m3, sản lượng 33 tấn, ước tính khoảng 165 tỷ.
Tỉnh Quảng Bình có 12 tàu cá bị chìm, gần 1.600 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại hoàn toàn.
Còn tại tỉnh Quảng Trị, 4.600 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do lũ lụt.
Tỉnh Thừa Thiên Huế có 15 tàu cá bị hư hại, tổng giá trị thiệt hại của ngành nuôi trồng thủy sản khoảng 99 tỉ đồng.
Tỉnh Phú Yên có 159 ha ao nuôi, gần 2.200 ô lồng nuôi tôm hùm bị thiệt hại, giá trị ước tính 74 tỉ đồng...
Triển khai các biện pháp khắc phục thiệt hại và khôi phục sản xuất sau bão tại một số tỉnh miền Trung, trước mắt, Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I chủ trì, thực hiện quan trắc, giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản tại 5 tỉnh miền Trung. Đồng thời, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Cục Thú y và Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức tại 5 tỉnh, 10 lớp tập huấn cho người dân làm sạch môi trường, chuẩn bị ao đầm, lồng bè nuôi, sẵn sàng thả giống khi điều kiện cho phép.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản đã hỗ trợ giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản cho người dân bị thiệt hại bởi thiên tai khôi phục sản xuất. Cụ thể, Tổng cục thủy sản đã kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ được trên 76 triệu giống tôm thẻ chân trắng, 150 tấn thức ăn hỗn hợp nuôi tôm nước lợ, 15 tấn sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, tổng trị giá 71 tỷ đồng hỗ trợ tại Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Về giải pháp lâu dài, Tổng cục Thủy sản cho biết sẽ rà soát quy hoạch lại vùng nuôi tập trung và đầu tư hạ tầng đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống thiên tai, hạn chế thiệt hại và khôi phục sản xuất.
Tổ chức sắp xếp lại hệ thống lồng bè trong nuôi biển và tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, kiên quyết di dời các cơ sở nuôi ra khỏi vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, biến động môi trường.
Tổng cục Thủy sản cũng kiến nghị Chính phủ sớm cấp kinh phí hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ để khôi phục sản xuất cho các tỉnh miền Trung bị thiệt hại bởi thiên tai. Bổ sung nguồn lực đầu tư hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, đáp ứng điều kiện về nuôi trồng và phòng chống thiên tai. Có cơ chế chính sách về vay vốn ưu đãi. Chỉ đạo các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, giảm nợ cho người dân bị thiệt hại để có thể sớm khôi phục sản xuất.
Đồng thời xem xét xây dựng chính sách dự trữ giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản và cấp phát cho người dân nuôi trồng thủy sản khi bị thiệt hại trên 70% do thiên tai.
Đầu tư xây dựng hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh, trú bão đảm bảo an toàn, đủ công suất tránh, trú bão cho tàu cá.
Đầu tư hệ thống giám sát, thông tin tàu cá, đảm bảo 100% tàu cá có chiều dài trên 12m được gắn thiết bị giám sát, thông tin.
Bích Nguyên