Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:18 GMT+7

Đề xuất xã hội hóa việc xét nghiệm, tiêm vaccine

Biên phòng - Ngành nông nghiệp xác định từ nay đến cuối năm sẽ đối diện với các khó khăn đến từ các góc độ: sản xuất, chế biến, tín dụng, vận chuyển, logictis, chi phí điện năng và tiêm vaccine. Trước những khó khăn đó, ngành nông nghiệp đề nghị xây dựng gói tín dụng đặc biệt, đồng thời được xã hội hóa việc xét nghiệm, tiêm vaccine.

Sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản đang đứng trước rất nhiều khó khăn trong thời gian từ nay đến cuối năm. Ảnh: Bích Nguyên

Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu như: Giảm đơn hàng của một số doanh nghiệp xuất khẩu, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng về dịch vụ hậu cần thương mại (logistics).

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đã thực hiện quyết liệt các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo sản xuất và phát triển kinh tế. Nhờ đó, xuất khẩu nông sản đạt được kết quả khả quan với tổng giá trị xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2021 đạt khoảng 32,1 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, từ giờ đến cuối năm, ngành nông nghiệp tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Trước tiên về sản xuất, chế biến đối với cây ăn quả, vẫn còn bị ảnh hưởng nhiều đến thu mua và tiêu thụ do thiếu nhân công thu hoạch, phương tiện vận chuyển giảm, chi phí vận chuyển tăng. Thị trường Trung Quốc siết chặt kiểm soát dịch bệnh, dẫn đến giá bán trái cây thấp; một số nơi ùn ứ, người dân không có lãi.

Mức độ tiêu thụ sản phẩm gia cầm (ngoại trừ mặt hàng trứng) gặp rất nhiều khó khăn. Trang trại và hộ chăn nuôi dè dặt tái đàn, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong nước về thịt, trứng gia cầm vào các tháng cuối năm.

Trong khi đó, ngành thủy sản chỉ có 30% doanh nghiệp phía Nam đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ”, công suất sản xuất trung bình giảm còn 30-40%. Nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến, xuất khẩu chỉ đạt 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài.

Hiện tại, có 15 nhà máy sản xuất thức ăn/117 nhà máy và 120/449 nhà máy chế biến thủy sản ngừng hoạt động do nhiều nguyên nhân khác nhau. Dự báo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất những tháng cuối năm thiếu hụt 20-30%; vật tư phục vụ chế biến thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%.

Khó khăn thứ 2 là vấn đề tín dụng. Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất gia cầm giống và sản xuất trứng đều gặp khó khăn do thiếu vốn để duy trì sản xuất kinh doanh.

Tương tự, doanh nghiệp xuất khẩu (rau quả, hồ tiêu) cũng gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay, lãi suất còn khá cao (vay thế chấp lãi suất từ 7-8% năm, vay tín chấp lãi suất từ 20-30% năm).

Khó khăn nổi cộm khác là chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao. Mảng logistic gặp khó khăn khi thực hiện hướng dẫn cấp giấy đi đường cho người lao động.

Việc hướng dẫn tại một số địa phương còn chưa sát thực tế, vẫn yêu cầu thực hiện đầy đủ mọi biện pháp phòng, chống dịch đối với những cá nhân đã tiêm đủ vaccine gây khó khăn cho các doanh nghiệp, người lao động, thương lái... thu mua, sản xuất và xuất, nhập khẩu.

Cuối cùng là vấn đề vaccine. Theo Vụ Kế hoạch, hiện nay nhu cầu tiêm vaccine cho công nhân sản xuất chế biến và thu mua nguyên liệu trong ngành nông nghiệp rất cao, nhưng vaccine chỉ mới đáp ứng được 10 -15% cho mũi thứ nhất. Việc thiếu nhân công làm việc sẽ không sản xuất đáp ứng được số lượng hàng hóa theo hợp đồng xuất khẩu, nguy cơ mất khách hàng và kim ngạch sụt giảm.

Vụ Kế hoạch kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn tại địa phương nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế mở cửa hoạt động xã hội đối với những người dân đã được tiêm vaccine.

Cụ thể, người dân đã tiêm đủ 1 mũi và 2 mũi vaccine sẽ được đi đâu, làm gì ở các tỉnh, thành phố mà tỷ lệ tiêm vaccine đạt trên 70% dân số. Điều này nhằm duy trì sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa nông sản.

Bên cạnh đó, cho phép xã hội hóa việc xét nghiệm, tiêm vaccine, cho phép doanh nghiệp được chủ động tìm nguồn, mua và chủ động tiêm phòng cho lao động với hướng dẫn của CDC địa phương.

Vụ Kế hoạch cũng kiến nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng, lãi xuất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, hạn chế nguy cơ thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm; xem xét xây dựng gói tín dụng đặc biệt cho ngành nông nghiệp.

Đồng thời, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải có biện pháp tháo gỡ về chi phí logistics trong xuất khẩu hàng hóa; chỉ đạo các tập đoàn phân phối trong nước tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm nông sản tại địa phương nơi có hoạt động của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, xem xét hỗ trợ giảm ít nhất 1/2 chi phí điện năng cho các doanh nghiệp hoạt động trong sản xuất chế biến phải duy trì “3 tại chỗ”. Xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ cho hoạt động đi lại cấp thiết của các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO