Biên phòng - Trong đời sống cộng đồng người dân tộc thiểu số Jrai, những tập tục lạc hậu nói chung, nạn tảo hôn nói riêng vẫn là “căn bệnh” trầm kha, dai dẳng, khó “điều trị” nhất. Ai cũng biết nguyên nhân chính xuất phát từ trình độ nhận thức, điều kiện cuộc sống của bà con, nhưng dường như chúng ta vẫn chưa tìm ra “liều thuốc đặc hiệu” để ngăn chặn một cách triệt để. Ở vùng biên giới tỉnh Gia Lai, thực trạng này mặc dù cơ bản đã được khống chế nhờ vào sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cơ sở, nhưng đâu đó vẫn còn phảng phất “lời ru buồn trên nương”…
Xóa bỏ tập tục lạc hậu - “cuộc chiến” đang vào hồi kết
Khoảng hơn 20 năm trở về trước, nói đến địa bàn biên giới là người ta nghĩ ngay đến sự trì trệ, bởi trong nếp nghĩ, nếp làm của các chủ nhân nơi đây đều chịu sự chi phối của hàng loạt những tập tục lạc hậu. Nạn mê tín dị đoan, ma chay cúng tế tốn kém chỉ giải quyết được ở cái gọi là “niềm tin”, còn trên thực tế, nghèo nàn, lạc hậu vẫn là hòn đá tảng đè nặng lên các buôn làng biên giới. Sự bế tắc thể hiện ở những “giải pháp” hết sức vu vơ: Ốm đau thì cúng, sinh đẻ không theo quy luật thì rũ bỏ, nghi kỵ lẫn nhau thì lặn nước, tìm chim giải oan.
Ở làng Klả, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông (Gia Lai), dạo nọ có đôi vợ chồng sinh được một lúc hai cậu con trai. Cả làng ai cũng nghĩ đó là “điềm xấu”, nếu giữ lại nuôi cả hai thì ắt tai họa sẽ ập đến. Trong lúc mọi người chuẩn bị chọn giải pháp “bỏ bớt một đứa” thì nữ già làng Ksor H’Blâm và đội công tác địa bàn Đồn Biên phòng Ia Mơ đã kịp thời có mặt, kiên trì vận động, thuyết phục. Mặc dù vấp phải sự phản đối của làng, nhưng cuối cùng, cả hai đứa trẻ vẫn được bố mẹ giữ lại để nuôi... Và kết quả là hai anh em Phót, Phét (tên của hai đứa trẻ) giờ đây đã bước qua tuổi đôi mươi, năm 2019, cả hai “bắt vợ” cùng một lúc để bắt đầu cuộc sống mới.
Cách đó không xa, cũng trên địa bàn huyện Chư Prông, có dạo, người dân làng Goòng, làng Brang, xã Ia Púch vẫn thường dùng giải pháp nhìn chim giải oan khi trong làng xảy ra điều nghi kỵ. Hiểu một cách nôm na, khi hai người chưa biết đúng sai thuộc về ai thì chỉ việc... dõi mắt lên bầu trời. Ai may mắn nhìn thấy chim trước, đích thị người đó không bao giờ là kẻ xấu (???). Rất mơ hồ, thậm chí là quá ngây ngô, nhưng để xóa bỏ được những câu chuyện tương tự như thế này thì chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng Ia Púch phải mất cả hàng chục năm trời mới có thể loại bỏ được, nên nói người chiến sĩ Biên phòng phải căng sức trong “cuộc chiến” chống mê tín dị đoan, xóa bỏ hủ tục là vì thế.
“Cuộc chiến” này chỉ thực sự đi vào hồi kết, khi đời sống kinh tế, xã hội được nâng lên, đồng thời, BĐBP Gia Lai tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cư dân vùng biên giới (bắt đầu từ năm 2013 - 2014). Hàng loạt giải pháp, rất nhiều mô hình, cách làm hay được các đồn Biên phòng triển khai thực hiện đã giúp cho bộ mặt nông thôn biên giới ngày một khởi sắc, “bóng ma” mê tín dị đoan, tập tục lạc hậu dần biến mất sau lũy tre làng.
Thấp thoáng “lời ru buồn trên nương”
Đời sống kinh tế, xã hội được cải thiện, nhận thức pháp luật của người dân được nâng lên khiến cho nạn mê tín dị đoan, tập tục lạc hậu nơi các thôn, làng biên giới không còn “đất diễn”. Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân vùng biên giới giai đoạn 2017- 2021” được tỉnh Gia Lai triển khai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nội dung phù hợp với điều kiện thực tế, kịp thời đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Khoảng cách về nhận thức pháp luật của các chủ nhân biên giới so với vùng nội địa được thu hẹp đáng kể. Đây là thành tựa rất đáng tự hào, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển toàn diện, bền vững cho hôm nay và mai sau.
Tuy nhiên, bên cạnh những “cái được” rất cơ bản nêu trên, địa bàn biên giới tỉnh Gia Lai vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là ở các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, thì trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, địa bàn biên giới đã xảy ra 32 vụ/42 người liên quan đến nạn tảo hôn. Con số thống kê này có thể còn “khiêm tốn” so với thực tế, bởi hầu hết các thôn làng đồng bào dân tộc thiểu số trên biên giới đều xảy ra nạn tảo hôn.
Nạn tảo hôn ở đây không “né tránh” một ai, kể cả những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, có trình độ nhận thức, thậm chí cả những người có mối quan hệ thân tộc với cán bộ cơ sở. Nạn tảo hôn không chỉ vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, làm khổ một, hai con người mà còn kéo theo hệ lụy cho cả những thế hệ kế tiếp. Một đứa trẻ còn ngây thơ khờ khạo đã phải “tay bồng, lưng địu” lo cho một, hai đứa trẻ khác thì chất lượng cuộc sống là thứ gì đó thật xa xỉ.
Nạn tảo hôn len lỏi trên khắp các thôn làng biên giới, dễ “bắt mạch” nhưng dường như chưa có “thuốc đặc hiệu”. Đầu năm 2019, ở làng Brang, xã Ia Púch, huyện Chư Prông có cô bé Rơ Mah H, mới 14 tuổi đã đòi “bắt chồng”. Phát hiện sự việc, Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ia Púch phối hợp với chính quyền địa phương xuống tuyên truyền, thuyết phục để Rơ Mah H ký cam kết không lấy chồng khi chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật. Ký thì ký, nhưng “đùng một cái”, H mang thai, thế là bản cam kết trở nên vô nghĩa. Với những trường hợp tương tự, “tác giả” của thai nhi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng khốn nỗi ở biên giới, người cha kia vẫn còn ở độ tuổi... vị thành niên.
Bên cạnh những trường hợp cha mẹ, dù không muốn cũng phải chiều theo ý con vì “nếu ngăn cản chúng nó sẽ nghĩ quẩn”, nhưng cũng có không ít gia đình đồng thuận cho con lấy vợ (chồng) khi chưa đủ tuổi, bởi quan niệm “lo cho gia đình trước, lo kinh tế sau”. Đại úy Rơ Ô Thuy, Đội trưởng Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ia Mơ cho biết: “Quan niệm này đã ăn sâu trong tiềm thức của bà con, vì thế hệ trước cũng như thế nhưng vẫn nên vợ nên chồng, con đàn cháu đống. Tuy nhiên, cái khổ từ nạn tảo hôn là điều không thể tránh khỏi khi một đứa trẻ phải gác chuyện học hành, sớm lam lũ nuôi con. Vậy là lối mòn xưa cũ lại được thế hệ sau giẫm chân lên, cha mẹ không có kiến thức thì làm sao nuôi dạy con cái tốt cho được...”.
Với thực tế đang diễn ra, rõ ràng việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên biên giới tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh là điều hết sức cần thiết. Có như vậy mới giúp các chủ nhân nơi đây thay thế “lời ru buồn trên nương” bằng những nụ cười.
Thái Kim Nga