Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:11 GMT+7

Để văn hóa trở thành nguồn lực

Biên phòng - Khai thác giá trị văn hóa, để văn hóa trở thành nguồn lực cho sự phát triển đất nước là chủ trương xuyên suốt của Đảng qua nhiều kỳ đại hội. Trong Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh yêu cầu: “xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh”.

Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Ảnh: minh họa

Như vậy, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) được xem như một khâu đột phá trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam, giúp chúng ta phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam nhằm thực hiện khát vọng phát triển Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, soi đường cho quốc dân đi trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.

Trong hai thập niên gần đây, Chính phủ đã ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều luật nhằm tạo dựng môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển các ngành CNVH như: Luật Điện ảnh, Luật Di sản văn hóa, Luật quảng cáo, Luật Xuất bản, Luật Du lịch, Luật Sở hữu trí tuệ... Những năm qua, CNVH bao gồm các lĩnh vực sử dụng tài năng sáng tạo, tiềm năng văn hóa kết hợp với công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa đã và đang trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế đất nước.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguồn lực cho phát triển các ngành CNVH rất đa dạng và phong phú. Tài năng của người Việt Nam được khẳng định ở nhiều lĩnh vực, từ thiên tài quân sự, nhà khoa học lớn đến các nghệ sĩ tài năng trong văn học, hội họa, âm nhạc, điện ảnh, múa, thời trang, kiến trúc... Việt Nam xếp thứ 48/131 quốc gia và nền kinh tế về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2022. 150 trung tâm, không gian sáng tạo ở Việt Nam mang tính đột phá trên toàn cầu.

Đối với tiềm năng văn hóa, 54 dân tộc anh em cùng lịch sử hàng ngàn năm đã tạo ta một kho tàng vô giá về các di tích, nghi lễ, lễ hội, hình tượng anh hùng, văn hóa dân gian, thủ công truyền thống, ẩm thực... là nguồn lực vô cùng quý, hiếm có, vô tận để phát triển CNVH. Trong đó, 3.447 di tích quốc gia đã được xếp hạng, 151 di tích danh lam thắng cảnh, hàng nghìn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể (14 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại) tạo nền tảng kinh tế, kỹ thuật, tinh thần cho phát triển CNVH và tôn vinh văn hoá dân tộc.

Mặc dù, đóng góp gần 4% GDP nhưng các ngành CNVH vẫn chưa được khai thác hiệu quả, xứng tầm với lợi thế của bề dày văn hóa dân tộc, tài năng của con người Việt Nam.

“Điểm nghẽn” đầu tiên chính là nhận thức về CNVH chưa đầy đủ. Văn hóa nghệ thuật vẫn chưa khẳng định giá trị hàng hóa trong nền kinh tế thị trường. Thậm chí, một số ngành, địa phương chưa xác định đầu tư vào văn hóa là đầu tư phát triển bền vững. Các ngành CNVH Việt Nam chưa thể cất cánh khi thiếu các chính sách hỗ trợ phát triển, bởi không có đầu mối đủ mạnh để định hướng sự phát triển và phối hợp giữa các ngành.

Để khắc phục những tồn tại trên, các chuyên gia cho rằng, song song với hoàn thiện hệ thống pháp luật, Chính phủ và các bộ, ngành cần tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách phát triển CNVH với tư cách là sự hội tụ đa ngành, đồng thời tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, giữ vai trò “bà đỡ” để giải phóng sức sáng tạo, thúc đẩy lực lượng sản xuất văn hóa.

Thiết nghĩ, phát triển các ngành CNVH sẽ giúp chúng ta tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao, tạo đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Sự dồi dào của hàng hóa, dịch vụ văn hóa Việt Nam chính là sức mạnh mềm quan trọng của quốc gia, mang văn hóa Việt Nam ra với thế giới, đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế sáng tạo, thịnh vượng, tự tin và độc đáo.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO