Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 29/03/2023 01:28 GMT+7

Để phụ nữ biên giới vững vàng trên hành trình làm chủ cuộc sống

Biên phòng - Một ngọn lửa của lòng nhân ái đã được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP “thắp” lên trên khắp nọi nẻo đường biên cương của Tổ quốc với 90 xã biên giới, hải đảo đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số được hỗ trợ thông qua Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, giai đoạn 2018-2020. Chương trình này còn giúp cho hàng chục nghìn phụ nữ của 90 xã có thêm cơ hội tiếp cận tri thức, việc làm, được tham gia các hoạt động xã hội, đem lại sự bình đẳng cho chính mình.

mf8n_11a
Phụ nữ xã Xín Cái tham gia tuần tra, phát quang mốc giới cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Săm Pun, BĐBP Hà Giang. Ảnh: CTV

Những giọt nước mắt của niềm hạnh phúc cứ thế lăn dài trên khuôn mặt của Hoàng Thị Khuyến, cô gái dân tộc Tày, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, khi nghe tin xã mình nằm trong danh sách 90 xã biên giới, hải đảo đặc biệt khó khăn được tham gia Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018-2020.

Cô vui vẻ nói: “Vậy là từ nay, 1.283 chị em phụ nữ xã tôi sẽ được trao thêm cơ hội để thoát nghèo, thoát ở nhà tạm và được nâng cao nhận thức về phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống tảo hôn, kết hôn cận huyết và xóa mù chữ”... Hạnh phúc của chị Hoàng Thị Khuyên cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc chung của tất cả những phụ nữ dân tộc thiểu số thuộc 90 xã đặc biệt khó khăn được lựa chọn để Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” hỗ trợ.

Đây cũng là niềm hạnh phúc của chính những người lính Biên phòng và các cấp Hội Phụ nữ, từ Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh BĐBP; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đến mỗi người lính Biên phòng và cán bộ Hội Phụ nữ, những người luôn trăn trở mong muốn cuộc sống của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em gái người dân tộc thiểu sống sinh sống ở khu vực biên giới, biển đảo của Tổ quốc có cuộc sống ấm no, được tiếp cận với tri thức, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, được bình đẳng trong gia đình và cộng đồng.

Mục tiêu của Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” là tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng, hướng dẫn tổ chức cuộc sống, phát triển kinh tế và giải quyết một số vấn đề xã hội bức xúc liên quan đến phụ nữ thường xảy ra ở địa bàn biên giới; đồng thời, vận động chị em tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Ở mỗi xã, các cấp Hội Phụ nữ nhận đỡ đầu, hỗ trợ sẽ tập trung vào những vấn đề nổi cộm liên quan đến phụ nữ, trẻ em để có những giải pháp “đồng hành” cùng chị em.

Nếu như ở Hà Giang, với 5 xã nằm trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, các cấp hội nhận đỡ đầu tập trung hỗ trợ phụ nữ xóa đói giảm nghèo, thành lập các mô hình “Tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế”, “Nhóm phụ nữ nuôi bò luân chuyển”, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ phụ nữ ở địa phương thì ở 3 xã của tỉnh Đắk Lắk, các cấp hội lại tập trung hỗ trợ kiến thức pháp luật phòng chống bạo lực gia đình và cách thức xây dựng mô hình phát triển kinh tế cho chị em, với mô hình điểm “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế”...

Với sự vào cuộc quyết liệt của Trung ương Hội LHPN Việt Nam và BĐBP, chắc chắn sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong cuộc sống của người phụ nữ nơi biên giới, hải đảo và chính trong gia đình họ. Đây cũng là động lực, là cơ hội để phụ nữ các dân tộc nơi biên giới, hải đảo được hưởng các quyền về bình đẳng giới, bởi theo số liệu nghiên cứu của Hội LHPN Việt Nam thì phụ nữ nước ta chiếm trên 50% dân số và 48% lực lượng lao động xã hội, đã chủ động tham gia hoạt động ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời còn làm tốt vai trò của người mẹ, người vợ, là điểm tựa vững chắc trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc.

Tuy nhiên, cuộc sống của phụ nữ, trẻ em gái người dân tộc thiểu số, sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển, đảo vẫn còn nhiều khó khăn do không được đến trường, không biết chữ, dẫn đến gia đình nghèo khó, ít tham gia hoạt động xã hội nhằm đem lại sự bình đẳng cho chính mình. Phụ nữ và trẻ em gái người dân tộc thiểu số cũng thường chịu sự phân biệt, đối xử kép cả yếu tố về giới và cả yếu tố dân tộc như chịu thiệt thòi trong tiếp cận tri thức, giáo dục và đào tạo, chấp nhận sự bạo hành, sự phân biệt đối xử một cách hiển nhiên như ưu tiên việc học hành cho con trai...

Theo bảng xếp hạng, chỉ số khoảng cách giới của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2016, Việt Nam được xếp thứ 65 trên tổng số 145 nước về phụ nữ được chuyển giao quyền hạn chính trị, thứ 58 về phụ nữ tham gia Quốc hội. Trong những tỷ lệ này đều chưa có con số cụ thể về tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia. Số liệu về cán bộ nữ dân tộc thiểu số ở các cấp hiện nay chưa có thống kê cụ thể, nhưng có thể thấy, với tỷ lệ nữ tham chính ở các cấp càng thấp thì nữ dân tộc thiểu số tham gia chính trị rất ít. 

v24q_11b
Một buổi truyền thông về phòng chống mua bán người cho chị em phụ nữ tại chợ Xín Cái, huyện Mèo Vạc, Hà Giang. Ảnh: CTV

Không chỉ bị bất bình đẳng trong học hành, ngay cả việc tiếp cận và thụ hưởng các chính sách chăm sóc sức khỏe phụ nữ vùng dân tộc thiểu số cũng chịu nhiều thiệt thòi. Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều phụ  nữ, đặc biệt là phụ nữ ở nông thôn, miền núi, vùng biên giới sang nước ngoài làm thuê bất hợp pháp và hệ lụy của vấn đề này là người phụ nữ phải sống tha phương, cảnh vợ xa chồng, mẹ một nơi, con một chốn. Nhiều phụ nữ bị lừa gạt  trở thành nạn nhân trong các vụ mua bán người, bị cơ quan chức năng nước bạn bắt, giam giữ, phạt tiền và lao động công ích, thậm chí bị đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta có thể khẳng định rằng, cùng với những chính sách về công tác bình đẳng giới của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” sẽ giúp cho nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số bước ra “từ bóng tối” để tỏa sáng trên hành trình thoát nghèo bền vững và làm chủ cuộc sống của chính mình.

Hương Mai

Bình luận

ZALO