Biên phòng - Tỏi Lý Sơn được trồng trên những cánh đồng cát, xếp hình bậc thang theo triền núi vẫn còn hằn vệt nham thạch của núi lửa đã tắt cách đây hàng triệu năm. Thổ nhưỡng cộng với gió biển mặn mòi đã mang lại cho tỏi Lý Sơn một hương vị đặc biệt, nên được mệnh danh là “đệ nhất tỏi”.
![]() |
Nông dân thu hoạch tỏi. |
Đảo Lý Sơn có khoảng 300ha đất canh tác trồng hành, tỏi, mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 2.000 tấn tỏi. Tỏi đã góp phần làm cho người nông dân trên đảo có cuộc sống khấm khá. Bình quân mỗi ha cho thu hoạch 8 tấn tỏi. Tỏi Lý Sơn gắn với nhiều câu chuyện về cuộc sống mưu sinh của người nông dân, đồng thời tạo cho đảo này có được một loại sản vật đặc biệt.
Tỏi xuất hiện trên Lý Sơn từ khi nào? Theo các cụ già trên đảo, vào khoảng năm 1960, cây tỏi được di thực ra đảo. Những vụ thu hoạch đầu tiên, người ta kinh ngạc khi thấy tỏi có hương vị đặc biệt thơm ngon. Riêng tỏi trồng trên đảo Bé, củ tỏi to và nhiều múi hơn tỏi ở đảo Lớn. Tuy nhiên, đảo Bé khan hiếm nước, nước không đủ uống lấy đâu nước trồng tỏi. Chính vì vậy, cây tỏi chỉ được trồng một vài khóm chung trong ruộng hành.
Tỏi Lý Sơn càng nổi tiếng khi các nhà nghiên cứu cho rằng, lượng tinh dầu trong củ tỏi khá cao. Các loại tinh dầu từ tỏi Lý Sơn có tác dụng hạn chế nguy cơ tắc động mạch vành và giảm nồng độ cholesterol có hại cho người, tốt cho tim mạch, chống xơ vữa, tăng sự dẻo dai của mạch máu.
Tháng 3-2009, UBND huyện đảo Lý Sơn đã công bố thương hiệu tỏi Lý Sơn (do Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ công nhận). Vậy là người nông dân Lý Sơn có thể yên tâm tập trung cho thương hiệu nông sản của mình. Tỏi Lý Sơn trở thành loại thực phẩm cao cấp. Tại các siêu thị lớn, tỏi Lý Sơn được bán với giá 110.000đồng/kg. Thời điểm đó, nhiều người nông dân bắt đầu nhẩm tính tới chuyện làm giàu. Một lão nông quệt mồ hôi kể, cứ cuối mùa cầm một cục tiền bán tỏi, lòng cảm thấy sướng rơn. Giá tỏi cao, gia đình ông có thể kiếm được vài trăm triệu đồng sau mỗi vụ thu hoạch.
Có một thời gian, thấy tỏi Lý Sơn giá cao, một số người dân buôn bán vào xã Ninh Phước, Ninh Yểng, thuộc tỉnh Khánh Hòa mua tỏi mang ra đảo trà trộn để bán kiếm lời. Khánh Hòa là địa phương mà những người dân Lý Sơn vào mua đất canh tác và trồng tỏi. Tỏi Ninh Hòa đẹp hơn cả tỏi Lý Sơn. Chuyện nhập tỏi đất liền ra đảo rồi lại bán ngược vào đất liền rộ lên, khiến giá tỏi bị rớt thảm xuống còn 30.000 đồng/kg.
![]() |
Cánh đồng tỏi nhìn từ đỉnh núi Thới Lới. |
Tỏi Lý Sơn được trồng vào tháng 10 và thu hoạch vào giữa tháng 2 năm sau. Trên cánh đồng tỏi, mỗi khi lá tỏi ngả vàng, rụi xuống để dồn sức cho củ, người nông dân lại rộn ràng bắt tay vào mùa thu hoạch tỏi. Vườn tỏi nào nhìn chột (gốc) to là dự đoán trúng mùa đậm.
Vào mùa thu hoạch tỏi, đi khắp đảo, nhìn đâu cũng thấy tỏi. Những bó tỏi chưa cắt được dồn đống trong sân nhà như bó mạ. Củ tỏi được rải dọc theo những con đường, tỏi được phơi trên mái hiên, mái ngói. Nếu tỏi rớt giá, nhiều gia đình phơi tỏi thật kỹ và để lưu trữ. Đến cận Tết năm sau, tỏi được giá thì mang ra bán. Có gia đình trữ 2 tấn tỏi, 1 năm sau trúng giá, kiếm được gần 200 triệu đồng. Ông Thành, một lão nông trên đảo cho biết: “Trữ tỏi cũng như đánh bạc ấy, nếu trữ tỏi không rành, năm sau nó bụp thành mộng hoặc nó bị sộp thì coi như trắng tay”.
Ở đảo Lý Sơn, người đàn ông hàng ngày theo những con thuyền xuôi ngược vạn dặm đại dương, ở nhà người đàn bà cuốc xới trên những cánh đồng tỏi. “Chân đồng, chân biển” đã giúp cho cuộc sống của hơn 21.000 cư dân trên đảo trở nên khấm khá.