Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 30/03/2023 07:05 GMT+7

Để nhân dân tự giác bảo vệ rừng và động vật hoang dã

Biên phòng - Hiện nay, đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trong khu vực Di sản thiên nhiên thế giới - Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình đang từng bước từ bỏ việc săn bắt thú, khai thác gỗ rừng trái phép. Sự thay đổi về ý thức, hành động của người dân có được nhờ sự kiên trì, bền bỉ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng, BĐBP Quảng Bình và các lực lượng chức năng. 

Cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng phát tờ rơi tuyên truyền cho nhân dân về Luật Bảo vệ và phát triển rừng (ảnh chụp trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19). Ảnh: Hoài Nam

Để bảo vệ Di sản thiên nhiên thế giới, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quy chế quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Theo đó, nghiêm cấm các hoạt động làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đời sống tự nhiên của các loại động, thực vật hoang dã.

Cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, Đồn Biên phòng Cà Xèng là một trong những đơn vị nòng cốt góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái trong khu vực Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Tuy nhiên, quá trình triển khai nhiệm vụ đang gặp phải không ít thách thức và khó khăn. Bởi xung quanh vùng đệm của khu sinh quyển thiên nhiên này là địa bàn định cư của đồng bào dân tộc thiểu số như Rục, A Rem, Mã Liềng... Một bộ phận bà con sinh sống dựa vào việc săn bắt thú, khai thác gỗ rừng, nên thay đổi nếp nghĩ, việc làm của họ không phải chuyện dễ.

Nhưng với quyết tâm cao, thời gian qua, Đồn Biên phòng Cà Xèng đã triển khai đồng bộ các biện pháp quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Trong đó, chú trọng tạo sinh kế cải thiện đời sống cho đồng bào, tuyên truyền để người dân từng bước xóa bỏ những hành động làm tổn hại đến môi trường sinh thái. Cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, Đồn Biên phòng Cà Xèng chủ động phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, dân quân địa phương tuần tra bảo vệ biên giới và bảo vệ rừng.

Hơn 15 năm công tác, gắn bó với nhân dân trên địa bàn, Thiếu tá Trần Đức Sử, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cà Xèng rất hiểu nguyên nhân của việc người dân làm tổn hại đến rừng. Chính vì vậy, những khi xuống bản, trong cuộc tiếp xúc với nhân dân, anh luôn vận động đồng bào thay đổi tập quán sinh sống, không lệ thuộc vào rừng, không săn bắt động vật trái phép.

Nói về quá trình thực hiện nhiệm vụ, Thiếu tá Trần Đức Sử cho biết: "Do trình độ văn hóa của đồng bào còn hạn chế, tập quán sinh sống dựa vào rừng đã ăn sâu vào tiềm thức, hơn nữa, đời sống của bà con khó khăn nên việc vận động nhân dân từ bỏ việc săn bắt thú rừng, khai thác gỗ trái phép gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian đầu triển khai công tác tuyên truyền, chúng tôi gặp phải thái độ bất hợp tác của đồng bào. Nhưng với phương châm "mưa dầm thấm lâu", tôi cùng đồng đội bám bản vận động bà con tích cực lao động sản xuất, từ bỏ việc làm tổn hại đến rừng".

Một ngày cuối tháng 10-2021, anh Đinh Đại Dũng, ở bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa đã đến Đồn Biên phòng Cà Xèng để giao nộp khẩu súng AK mà mình vô tình nhặt được trong rừng. Khi được hỏi về hành động của mình, anh Dũng chia sẻ: "Cán bộ BĐBP đã nhiều lần tuyên truyền về việc tàng trữ súng trái phép là vi phạm pháp luật nên tôi tự nguyện đến giao nộp cho đồn Biên phòng để xử lý theo quy định".

Không chỉ anh Dũng, trước đây, đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở các bản làng biên giới, nhất là người Rục thì các loại vũ khí tự tạo như súng kíp, súng tự chế, cung nỏ, bẫy thú là công cụ không thể thiếu khi đi rừng. Nó được xem như “chiếc cần câu” đảm bảo bữa ăn hằng ngày cho các gia đình. Bà con thường cất giấu súng săn trên nương rẫy hoặc trong rừng nhằm tránh sự kiểm soát của lực lượng Kiểm lâm và BĐBP. Nhưng hiện nay, người dân đã nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, tự nguyện đến giao nộp các loại từ súng tự chế, súng kíp và vũ khí quân dụng cho các đồn Biên phòng.

Từ đầu năm đến nay, người dân 2 xã Thượng Hóa và Hóa Sơn, huyện Minh Hóa đã giao nộp cho Đồn Biên phòng Cà Xèng 42 khẩu súng các loại, 8 bộ kích điện và nhiều loại công cụ săn bắt, vật liệu nổ nguy hiểm khác. Ông Cao Xuân Long, Trưởng bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa cho biết: "Đồn Biên phòng Cà Xèng giúp nhân dân trồng lúa nước, đảm bảo lương thực hằng ngày, rồi tuyên truyền cho nhân dân hiểu hơn về pháp luật. Cuộc sống không ngừng khởi sắc, bà con nghe theo lời bộ đội không còn săn bắt thú rừng, khai thác gỗ trái phép nữa".

Nói về công tác phối hợp tuyên truyền pháp luật cho nhân dân trên địa bàn, ông Đinh Minh Thắng, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa cho biết: "Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng Cà Xèng thường xuyên tuyên truyền pháp luật cho nhân dân. Nhờ đó, nhận thức, hiểu biết pháp luật của đồng bào được nâng lên rõ rệt, các hành vi săn bắn động vật hoang dã, khai thác gỗ trái phép đã giảm đáng kể. Nhân dân sát cánh, hỗ trợ BĐBP và chính quyền địa phương trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và đảm bảo an ninh, trật tự tại địa bàn".

Viết Lam - Hoài Nam

Bình luận

ZALO