Biên phòng - Thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Lạng Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới. Sau thời gian triển khai sâu rộng, ý thức thượng tôn pháp luật của nhân dân biên giới được nâng cao rõ rệt. Phóng viên Báo Biên phòng đã phỏng vấn Đại tá Trịnh Hữu Tăng, Chính ủy BĐBP Lạng Sơn về vấn đề này.

- Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân ở khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều chuyển biến tích cực, đồng chí cho biết cụ thể hơn về công tác này?
- Phát huy kết quả, kinh nghiệm thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo” năm 2018 (gọi tắt là đề án), trong năm 2019, Bộ Chỉ huy BĐBP Lạng Sơn tiếp tục thực hiện đề án đúng quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định, phù hợp với các nhóm đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật và sát với tình hình thực tế của từng đơn vị, địa bàn.
Trên cơ sở vận dụng linh hoạt và triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, Bộ Chỉ huy BĐBP Lạng Sơn đã chỉ đạo các đồn Biên phòng tiếp tục phát huy, nâng cao chất lượng một số cách làm hiệu quả, như: Mô hình “Biên giới với học đường”; tổ chức tọa đàm “Cán bộ, hội viên phụ nữ xã biên giới đấu tranh phòng, chống ma túy, xây dựng hạnh phúc gia đình”; diễn đàn thanh niên “Cán bộ đoàn viên, thanh niên, học sinh xã biên giới nói không với ma túy”; phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ và Tỉnh đoàn Lạng Sơn tổ chức chương trình văn nghệ, đưa các tiểu phẩm sân khấu, kịch thông tin có nội dung phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội, chống tội phạm mua bán người, thu hút đông đảo cán bộ và nhân dân tham gia. Qua đó, đã tác động mạnh mẽ đến tình cảm, nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể và người dân.
- Để cán bộ và nhân dân ở khu vực biên giới nắm vững và tuân thủ pháp luật, BĐBP Lạng Sơn đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ gì, thưa đồng chí?
- Để người dân biên giới chấp hành các quy định của pháp luật, Bộ Chỉ huy BĐBP Lạng Sơn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành tập trung củng cố, xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ an ninh tự quản, Tổ hòa giải ở khu dân cư, Tổ thông tin truyền thông. Đồng thời, triển khai việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: In ấn, cấp phát tờ rơi, tờ gấp pháp luật đến người dân; biên soạn tài liệu, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh công cộng, truyền thanh nội bộ; biên tập các bản tin, như: Bản tin về chính sách mới, bản tin về an ninh, trật tự, bản tin về kinh tế, văn hóa, xã hội, bản tin về an ninh biên giới... Qua đó, lồng ghép phổ biến, tuyên truyền trong các cuộc họp của đảng ủy, UBND các xã biên giới, tuyên truyền đến nhân dân tại các thôn, bản, khu dân cư, chương trình ngoại khóa của các trường học trên địa bàn khu vực biên giới.
Với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đề án, thời gian qua, Bộ Chỉ huy BĐBP Lạng Sơn đã xây dựng nhiều kế hoạch thực hiện và triển khai đến các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị và UBND 5 huyện biên giới; thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện các nội dung của đề án đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị và UBND 5 huyện biên giới đã xây dựng kế hoạch thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế; phối hợp chặt chẽ, triển khai thực hiện nghiêm túc, thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Ban Chỉ đạo đề án các xã, thị trấn biên giới để tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân đạt kết quả tốt. Qua đó, nhận thức, ý thức của cán bộ, người dân ở khu vực biên giới được nâng lên rõ rệt, người dân đã thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Có một thực tế là bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn nhiều nơi làm chiếu lệ, còn bộc lộ những khuyết điểm, hạn chế nhất định. Theo đồng chí, đâu là nguyên nhân và phương hướng khắc phục trong thời gian tới?
- Thời gian qua, trong việc triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân ở khu vực biên giới, vẫn còn một số cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai các nội dung chưa thực sự cụ thể, sát hợp với thực tế; công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc của Ban Chỉ đạo đề án các cấp có lúc, có nơi chưa sâu sát, cụ thể; hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở một số nơi chưa đa dạng, phong phú.
Bên cạnh đó, nhận thức, tiếp thu của một số bộ phận người dân còn hạn chế; địa bàn biên giới vùng cao, dân cư phân bố phân tán, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật...

Vì vậy, để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân ở khu vực biên giới, các đồn Biên phòng và cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn biên giới cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án, xác định nội dung trọng tâm, khâu đột phá, giải pháp phù hợp, hiệu quả với từng cơ quan, đơn vị và địa bàn.
Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy và thành lập mới các mô hình, câu lạc bộ pháp luật, duy trì hoạt động có nền nếp, chất lượng; thường xuyên tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo sức lan tỏa, nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật, để cho nhân dân biên giới thực sự sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Lê Đồng (thực hiện)