Biên phòng - Chiều 2-11, Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Nghị quyết số 88 nêu rõ, từ năm học 2018-2019 bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Theo lộ trình, năm học 2018-2019 áp dụng đối với lớp 1, lớp 6, lớp 10; năm học 2019-2020 áp dụng cho lớp 2, lớp 7, lớp 11; năm học 2020-20 áp dụng cho lớp 3, lớp 8, lớp 12; năm học 2021-2022 áp dụng cho lớp 4, lớp 9 và năm học 2022-2023 áp dụng cho lớp 5.
Đến nay, việc thực hiện Nghị quyết số 88 đã đạt được một số kết quả, nhưng còn nhiều hạn chế, bất cập. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trên cơ sở phân tích lộ trình triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo yêu cầu của Nghị quyết số 88, Chính phủ trình QH xem xét, cho phép triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới, đối với cấp tiểu học từ năm học 2019-2020, đối với cấp trung học cơ sở từ năm học 2020-2021 và đối với cấp trung học phổ thông từ năm học 2021-2022. Lộ trình thay đổi như sau: Năm học 2019-2020 áp dụng đối với 1ớp 1; năm học 2020-2021 áp dụng cho lớp 2, lớp 6; năm học 2021-2022 sẽ áp dụng cho lớp 3, lớp 7, lớp 10; năm học 2022-2023 áp dụng cho lớp 4, lớp 8, lớp 11 và năm học 2023-2024 áp dụng lớp 5, lớp 9, lớp 12.
"So với lộ trình nêu tại Nghị quyết số 88, việc bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới ở cấp tiểu học chậm 1 năm, ở cấp trung học cơ sở chậm 2 năm và ở cấp trung học phổ thông chậm 3 năm. Tuy nhiên, vẫn đảm bảo bám sát yêu cầu của Nghị quyết là triển khai theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học và sau 5 năm thì tất cả các lớp trên phạm vi cả nước đều thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết thêm.
Thảo luận về Tờ trình của Chính phủ, các đại biểu đồng ý với việc lùi thời gian thực hiện Nghị quyết số 88, nhưng băn khoăn việc lùi thời gian 1 năm đã đảm bảo điều kiện, chất lượng thực hiện Nghị quyết số 88 hay chưa? Vì hiện nay, cơ sở vật chất trường, lớp, trang bị dạy học, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục… không đảm bảo yêu cầu. Đặc biệt, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa đủ điều kiện thực hiện Nghị quyết số 88. Các đại biểu đề nghi, nếu chưa có sự chuẩn bị chu đáo thì có thể lùi 2 hoặc 3 năm. Đồng thời, Chính phủ phải quyết liệt hơn trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục trong tương lai.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho biết: Chính phủ cần minh bạch trong việc thực hiện Nghị quyết số 88, bởi sau 3 năm đã thực hiện được bao nhiêu sản phẩm, chi phí hết bao nhiêu, việc kéo dài thời gian liệu có phát sinh kinh phí? Nếu chưa đảm bảo điều kiện thực hiện, chúng ta có thể lùi 1 năm, thậm chí 3 năm, nhưng không làm phát sinh thêm kinh phí, không gây lãng phí, thực hiện đến đâu phải chắc đến đó, tránh sai sót đáng tiếc, vì một lỗi nhỏ ở sách giáo khoa có thể ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến một thế hệ học sinh.
Viết Hà