Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:13 GMT+7

Đề nghị có chế độ phụ cấp đặc thù cho dân quân tự vệ làm nhiệm vụ trên biển

Biên phòng - Chiều 6-6, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).

5dyf40w2b8-15223_f_jwkpy3fd1_Mai_Tin_Dng
 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, trình bày Tờ trình về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Ảnh Minh Hải

Theo Tờ trình của Chính phủ Luật Dân quân tự vệ được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 23-11- 2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2010. Sau hơn 9 năm thực hiện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng Dân quân tự vệ (DQTV) vững mạnh và rộng khắp, nâng cao chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của DQTV, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh.

Tuy nhiên, một số quy định của Luật Dân quân tự vệ chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng và pháp luật có liên quan. Nhiều vấn đề mới phát sinh trên thực tiễn liên quan đến DQTV chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ, đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc, bất cập về xây dựng, huấn luyện, đào tạo, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho DQTV.

Đáng chú ý, việc sửa đổi lần này, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về chính sách phụ cấp đặc thù đi biển đối với DQTV khi làm nhiệm vụ trên biển; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với dân quân thường trực trên địa bàn biên giới, ven biển, đảo, trọng điểm quốc phòng. Nhưng quy định này đang có hai luồng ý kiến trái ngược nhau.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong bối cảnh tình hình hiện nay và dự báo những năm tiếp theo, nhất là tình hình biển Đông, vai trò của DQTV biển là rất quan trọng trong đấu tranh bảo vệ, khẳng định chủ quyền biển, đảo, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân trên biển. Tuy vậy, hiện nay DQTV khi làm nhiệm vụ trên biển chưa được hưởng phụ cấp đặc thù đi biển. Trong khi đó, công chức, viên chức, công nhân, nhân viên trên tàu tìm kiếm cứu nạn hàng hải và lực lượng thuộc Quân đội nhân dân đã được hưởng chính sách này và chế độ công tác phí đi biển.

Ngoài ra, dự thảo Luật bổ sung quy định bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với dân quân thường trực là tương thích với chế độ, chính sách của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam quy định tại Điều 50 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015. Bởi, dân quân thường trực làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, phòng thủ dân sự... Mặt khác, trên thực tế, nhiều địa phương đã thực hiện và đề nghị dự thảo Luật cần quy định chính sách này để nâng cao hiệu quả hoạt động của dân quân thường trực. 

“Việc quy định phụ cấp đặc thù đi biển đối với DQTV khi làm nhiệm vụ trên biển; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với dân quân thường trực trên địa bàn biên giới, ven biển, đảo, trọng điểm quốc phòng trong dự thảo Luật nhằm bảo đảm công bằng giữa các lực lượng và đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Quốc phòng năm 2018  và pháp luật có liên quan về chế độ, chính sách đối với lực lượng vũ trang nhân dân” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Danh Anh

Bình luận

ZALO