Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:09 GMT+7

Đề nghị Chính phủ tiếp tục giải quyết chính sách cho người di cư tự do

Biên phòng - Sáng 26-5, Quốc hội họp phiên toàn thể, tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế-xã hội và quyết toán ngân sách Nhà nước. Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, 3 yếu tố nền tảng tạo sinh khí cho năm 2018 và các năm tiếp theo chính là: Trách nhiệm của Chính phủ, kết quả tăng trưởng kinh tế và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị.

ri713e2sdj-76496_462410654377177091_Luu_Binh_Nhuong
Đại biểu Lưu Binh Nhương phát biểu ý kiến. Ảnh: CTV

Đại biểu bày tỏ tán thành với phương châm 10 chữ của Chính phủ trong năm 2018 là: “Kỷ cương - Liêm chính -Hành động - Sáng tạo- Hiệu quả”. Trong đó, kỷ cương được đặt lên hàng đầu, theo đại biểu, điều này hoàn toàn phù hợp, vì hành pháp “gánh” quyền lực mạnh, đa nhiệm, đa năng, nếu không có nền kỷ cương, kỷ luật chặt chẽ trong chỉ đạo, điều hành thì sẽ rơi vào tình trạng “sai một ly, đi một dặm”...

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Chính phủ nâng cao chất lượng tăng trưởng, tập trung vào xây dựng hạ tầng kết nối như sân bay, bến cảng, đường xá... Cùng với đó là xây dựng thương hiệu Việt thông qua xây dựng một nền kinh tế nhân văn, một nền sản xuất kinh doanh có đạo đức.

Nhận định việc thời gian dài đi sâu, sát cơ sở, Thủ tướng Chính phủ đã đem đến sự động viên rất lớn đối với nông dân, công nhân, các nhà khoa học và nhiều người dân, song đại biểu đề nghị thời gian tới, Thủ tướng quan tâm hơn đến công tác chỉ đạo chính sách, rà soát việc thực hiện của cấp dưới; truy trách nhiệm cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ để hạn chế tình trạng “trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh” như hiện nay.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục giải quyết chính sách cho người di cư tự do trong nước và biên giới Việt Nam, Lào, Campuchia. Đối với tình hình di cư trong nước, đại biểu cho biết, đồng bào dân tộc thiểu số vì kế sinh nhai nên từ miền Bắc di cư vào Tây Nguyên, phá rừng làm nương rẫy, bà con không phải lâm tặc. Hiện tại, bà con không có giấy tờ tùy thân, chế độ chính sách, không được học hành... đề nghị Quốc hội, Nhà nước có chính sách để “đồng bào đỡ tủi thân”.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho biết, hiện đất nước có 53,7 triệu lao động đang làm việc nhưng 70% lại đang làm việc trong khu vực phi kết cấu (tức là khu vực không có quan hệ lao động, dễ rủi ro cho người lao động). Trong khi đó, tỷ lệ làm việc không bền vững chiếm 2/3 đến 3/4 tổng số lao động; tỷ lệ thất nghiệp trong lao động trẻ chiếm 7,5%, số sinh viên ra trường không tìm được việc làm khá lớn...

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cũng đề cập tới chủ trương cải cách tiền lương và cải cách Bảo hiểm xã hội vừa được Trung ương thông qua. Hiện có một nghịch lý là tốc độ tăng tiền lương bình quân tăng nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động, trong khi năng suất lao động tăng 4,4%, nhưng tiền lương trong khu vực công tăng 8% và khu vực khác tăng hơn 12%.

Nhận định “lao động Việt Nam vẫn thiếu rất nhiều kỹ năng cần thiết”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi kiến nghị Chính phủ 3 vấn đề: Tập trung các giải pháp quyết liệt để nâng cao trình độ cho người lao động, bao gồm cả lực lượng lao động chuẩn bị bước vào thị trường lao động, bản thân lực lượng lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân để "đi trước đón đầu" cách mạng công nghiệp 4.0; chuyển dịch cơ cấu lao động từ ngành lao động năng suất thấp sang lĩnh vực lao động có năng suất cao; thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng năng suất lao động, gồm đầu tư cho công nghệ, phát triển giáo dục đào tạo dạy nghề và quản trị doanh nghiệp...

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng, Bảo hiểm y tế hiện đạt 86% dân số nhưng điều “đáng suy nghĩ” là trong số này có đến 70% là từ ngân sách nhà nước; trong quỹ bảo hiểm y tế thì có đến 44% là từ ngân sách, nên ảnh hưởng đến việc mất cân đối của quỹ này. Đại biểu đề nghị Chính phủ quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo hiểm xã hội, có giải pháp nâng cao tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội; thay đổi cơ cấu hỗ trợ của nhà nước theo hướng nâng cao mức hỗ trợ để khuyến khích người lao động tự nguyện tham gia bảo hiểm xã hội... Đồng thời, có giải pháp thực hiện hiệu quả để nhà ở cho người dân thực sự trở thành một trụ cột của chính sách an sinh xã hội...

Trong 3 buổi thảo luận tại hội trường về kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước, có 60 đại biểu phát biểu, 13 đại biểu tranh luận, 21 đại biểu đã đăng ký nhưng do thời gian có hạn nên chưa phát biểu. Trong quá trình đại biểu Quốc hội thảo luận, các Bộ trưởng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kế hoạch và Đầu tư; Lao động, Thương binh và Xã hội; Công Thương; Tài chính đã phát biểu giải trình thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Danh Anh

Bình luận

ZALO