Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 01:51 GMT+7

Để luật thực thi hiệu quả

Biên phòng - Trước tình hình ma túy ngày càng nghiêm trọng, hậu quả của tệ nạn ma túy đang ảnh hưởng rất lớn trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy (Luật PCMT sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 đã nhận được sự quan tâm của cử tri cả nước.

Dự thảo Luật PCMT (sửa đổi) so với luật hiện hành đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, trong đó có 15 điều mới và sửa đổi, bổ sung 47 điều, nhằm ngăn ngừa và hạn chế người nghiện ma túy, đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác PCMT.

Ngay từ khi đưa ra lấy ý kiến, dự luật trên đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội và các chuyên gia pháp luật, nhất là về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy (PCTPMT).

5 năm qua, tội phạm ma túy tiếp tục gia tăng khi trung bình mỗi năm cả nước phát hiện khoảng 20.000 vụ, trên 30.000 đối tượng vi phạm pháp luật về ma túy, số lượng ma túy thu giữ tính bằng tấn. Điều này cho thấy cuộc chiến với loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này không chỉ hết sức cam go, mà còn phản ánh công tác phòng ngừa tội phạm ma túy chưa đạt kết quả như mong muốn.

Bên cạnh các khó khăn, vướng mắc về quản lý người nghiện và người sử dụng ma túy; chế tài đối với vi phạm pháp luật về ma túy..., nhiều chuyên gia pháp luật chỉ ra, hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng trong đấu tranh, PCTPMT còn nhiều bất cập. Bởi, Luật PCMT năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008 quy định chưa đầy đủ, thống nhất.

Từ thực tế, quản lý nhà nước trong lĩnh vực này vẫn đang phân tán nhiều cơ quan; cơ chế phối hợp điều tra với các nước, các tổ chức PCMT quốc tế cũng chưa rõ ràng, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao dự thảo luật bổ sung trách nhiệm cho Bộ Quốc phòng về phối hợp với cơ quan hữu quan của nước khác để phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy và kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy ở khu vực biên giới trên đất liền trên biển vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Tuy nhiên, trước khi dự thảo Luật PCMT (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét chỉ nêu chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ trì thực hiện là Bộ Công an, mà chưa xác định trách nhiệm, quyền hạn của các lực lượng khác. Khi thảo luận về nội dung này, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ như quy định trong luật hiện hành, cụ thể: Cơ quan chuyên trách PCTPMT thuộc Công an nhân dân có trách nhiệm “chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện các hoạt động ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy”.

Mặt khác, đấu tranh PCTPMT ở khu vực biên giới, vùng biển, cửa khẩu có nhiều lực lượng tham gia và liên quan đến lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng. Vấn đề này đã được quy định rõ ở các văn bản pháp luật như Luật Quốc phòng, Luật Công an nhân dân, Luật Biên giới quốc gia, Luật An ninh quốc gia, Luật Cảnh sát biển... Để công tác PCMT đạt được hiệu quả, các lực lượng chuyên trách thuộc BĐBP, Cảnh sát biển, Hải quan cần được giao quyền chủ động, chủ trì trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Vì vậy, các đại biểu hoan nghênh Ban soạn thảo dự thảo luật đã tiếp thu, chỉnh lý, đồng thời mở rộng phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên trách PCTPMT thuộc BĐBP, Cảnh sát biển, Hải quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan Công an, các cơ quan hữu quan khác thực hiện và áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy tại khu vực hoặc địa bàn quản lý, kiểm soát, chứ không chỉ hạn chế ở các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy như quy định của luật hiện hành.

Thực tế, thời gian qua, các đơn vị chuyên trách PCTPMT của BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chuyên trách của Bộ Công an đấu tranh và phát hiện rất nhiều vụ việc vận chuyển, buôn bán, tàng trữ ma túy. Từ năm 2015 đến nay, BĐBP đã đấu tranh thành công 6.636 chuyên án và kế hoạch nghiệp vụ; khởi tố 4.986 vụ/6.120 đối tượng, thu giữ 16,85 tấn ma túy...

Thiết nghĩ, trong lần sửa đổi này, việc phân định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về PCMT và xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan chuyên trách PCTPMT, sẽ tạo điều kiện cho công tác phối hợp thực thi nhiệm vụ hiệu quả, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác PCMT trong tình hình mới.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO