Biên phòng - Nhằm hỗ trợ người lao động gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19, ngày 28/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 08/2022/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động tiền thuê nhà, có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Số tiền hỗ trợ dự chi là 6.600 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và dự kiến có khoảng 4 triệu lao động được nhận số tiền này.

Đối với nhiều công nhân đang ở trọ, nguồn hỗ trợ trên thực sự quý giá. Trong điều kiện thu nhập thấp, giá cả tăng thì khoản hỗ trợ tối đa 3 tháng là 500.000 đồng/người/tháng đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và 1 triệu đồng/người/tháng đối với người quay trở lại thị trường lao động, không chỉ có giá trị cải thiện đời sống, mà còn là nguồn động viên lớn lao trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thế nhưng niềm phấn khởi của nhiều người mau chóng bị phôi phai sau nhiều tháng mòn mỏi chờ đợi mà không được nhận tiền hỗ trợ.
Theo quyết định, trong tháng 8/2022, các địa phương trên cả nước (trừ Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng không có đối tượng thụ hưởng) phải hoàn thành việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ giải ngân chỉ đạt 16,58% so với dự kiến.
Cụ thể, UBND cấp huyện các địa phương đã tiếp nhận được hồ sơ của gần 4 triệu lao động, kinh phí đề nghị hỗ trợ hơn 2.837 tỉ đồng, nhưng đến ngày 15/8, số tiền thực giải ngân khoảng 1.094 tỉ đồng cho hơn 1,58 triệu lao động.
Trong khi đó, Văn phòng Chính phủ 4 lần có công văn truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng đốc thúc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các địa phương khẩn trương giải ngân gói 6.600 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động kịp thời. Dù vậy, tiến độ không đẩy nhanh được bao nhiêu, thậm chí nhiều tỉnh mới giải ngân được vài phần trăm.
Nguyên nhân hầu hết các địa phương giải trình là quy trình chi trả hỗ trợ phức tạp với nhiều loại giấy tờ khai báo và qua nhiều tầng nấc. Chỉ riêng mẫu đơn xin hỗ trợ tiền thuê nhà có 9 mục khai báo, với nhiều mục người lao động không dễ có thông tin nhanh và cũng khó có thể khai báo cho đúng.
Cá biệt có đơn vị sử dụng lao động yêu cầu nhân viên nộp sổ tạm trú. Điều này gần như bất khả thi, bởi lẽ hơn một năm nay, cơ quan chức năng ngưng cấp sổ tạm trú, thay vào đó, người dân được sử dụng tờ xác nhận tạm trú.
Dư luận cho rằng, bất luận nguyên nhân nào, kết quả thực hiện chính sách này quá chậm. Cũng không phải lần đầu tiên chúng ta chứng kiến sự trì trệ như trên. Trước đó, Chính phủ đã có nhiều gói hỗ trợ từ ngân sách cho doanh nghiệp, người lao động và những nhóm lao động đặc thù như cán bộ, nhân viên y tế, giáo viên mầm non gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Song, nhìn chung, việc triển khai những gói hỗ trợ ở cơ sở rất chậm. Sự chậm trễ ấy đã làm giảm ý nghĩa của các chính sách nhân văn và vô tình làm kéo dài thêm khó khăn của người cần được hỗ trợ.
Theo các nhà quản lý xã hội, đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ lần này là công nhân nằm trong danh sách mà các doanh nghiệp trả lương, chi trả bảo hiểm xã hội. Những ai thuê phòng trọ cũng đã đăng ký tạm trú đầy đủ.
Trong khi giữa các cơ quan chức năng và đơn vị sử dụng lao động vốn có sẵn sự liên kết đồng bộ; khâu thẩm định hồ sơ nhờ đó cũng khá thuận lợi. Khi cần thông tin từng người lao động đang ở trọ để hoàn tất thủ tục, một cán bộ có thể nhanh chóng xác minh bằng thao tác đơn giản.
Rõ ràng, nếu thủ tục hành chính đơn giản hơn, cán bộ địa phương tích cực hơn thì chính sách nhân văn đi vào thực tế một cách thực chất hơn và phát huy được đầy đủ ý nghĩa hơn. Sẽ rất hợp lý khi giao hẳn cho cấp quận, huyện đảm nhận việc thẩm tra và chi trả gói hỗ trợ. Cùng với đó, quy trình thủ tục cần đơn giản nhất để người lao động được tiếp cận nhanh nhất với chính sách của Nhà nước.
Chính phủ ra hạn cuối là ngày 31/8 phải hoàn thành chi trả hỗ trợ cho người lao động tiền thuê nhà và cần truy trách nhiệm của những cơ quan, đơn vị, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ để tình trạng chậm trễ tương tự không còn tái diễn.
Hoàng Lâm