Biên phòng - Tôi đọc được ở đâu đó rằng, những hạt gạo chính là “ngôn sứ” của một vùng đất. Chẳng thế mà ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi nổi tiếng có nhiều đầu bếp giỏi đang hành nghề ở trong nước và nước ngoài đã và đang tranh thủ mọi dịp để quảng bá "lý lịch" đáng tự hào của hạt gạo quê hương mình, nhằm giúp du khách cảm nhận được cái ngon của sản vật miền châu thổ, cảm nhận được cái sâu sắc của tâm hồn người Việt thông qua nghệ thuật ẩm thực. Trong cuộc cạnh tranh để giành vị trí cho gạo Việt nói chung, hạt gạo ở ĐBSCL nói riêng, cần lắm những người có cái Tâm như thế...

Ngược dòng lịch sử, ngay sau khi hoàn tất việc thiết lập bộ máy cai trị ở vùng ĐBSCL người Pháp nhanh chóng tiến hành khai thác vựa lúa lớn này. Công việc đầu tiên cũng là lớn nhất là đào kênh nhằm biến vùng đất hoang thành ruộng lúa để lấy gạo xuất khẩu. Tiếp đó là việc mở mang hệ thống giao thông như lộ Đông Dương 16, đường Liên tỉnh nối liền miền Tây với Sài Gòn.
Cùng với đó, nhiều đồn điền của Pháp mọc lên tập trung sản xuất lúa gạo chế biến xuất khẩu. Tại đồn điền, có nhà máy xay lúa, có nơi mỗi ngày xay 300 tấn lúa với 450 công nhân. Chợ Cái Răng được thực dân Pháp xây nhiều kho lớn chứa gạo. Các tỉnh miệt dưới, nhất là Rạch Giá... thường chở lúa về Cái Răng để xay xát vận chuyển lên Sài Gòn, Chợ Lớn đem xuất đi khắp thế giới.
Trong số các doanh nghiệp tham gia "nền công nghiệp lúa gạo" ở ĐBSCL thời bấy giờ có Nhà máy Đờ-ni-phe thuộc một tập đoàn chuyên kinh doanh lúa gạo lớn nhất Đông Nam Á của Pháp, được xây dựng ở cặp sông Long Tuyền, Cần Thơ từ đầu những năm 30. Đây là nhà máy xay gạo xuất khẩu đầu tiên và duy nhất của miền Tây suốt thời kỳ Pháp thuộc. Năm 1975, khi nhà máy đóng cửa, ông Thái Kim, tài cải (quản đốc) của nhà máy đã bước sang tuổi "thất thập cổ la hi" nhưng người ta vẫn tìm rước đi thiết kế, sửa chữa các máy xay chà trong khu vực.
Theo những nông dân cao niên ở Cần Thơ kể lại thì hồi đó, lúa chỉ trồng một vụ dài ngày, hạt chắc, dẻo, thuần chủng. Vậy mà khi nhập kho phải sàng lọc rất kỹ độ khô sạch duy trì nghiêm ngặt nên mới đưa được hạt gạo xuất sang Hồng Kông, Malaysia... Thái Lan lúc đó cũng xuất gạo qua xứ An Nam, về chất lượng so với gạo ĐBSCL không hơn bao nhiêu, nhưng về quy mô sản xuất và tổ chức thị trường thì cao hơn ta nên những người làm kỹ thuật đều phải cố gắng để hạt gạo xuất cảng không thua thiệt.
Tôi đã nhiều lần được chứng kiến cảnh do giá lúa tăng, để có gạo nguyên liệu đáp ứng nhu cầu của các nhà máy chế biến, thương lái đổ dồn về các địa bàn vùng sâu của An Giang, Kiên Giang như: Tịnh Biên, Nhà Bàng, Ba Chúc, Hòn Đất, Châu Thành, Gò Quao... để mua gom. Do giá lúa tăng mà nhiều người dân đã bán ra ngay từ đầu vụ, thậm chí khi lúa còn chưa chín trên đồng. Và tôi cũng nhiều lần tận mắt thấy thời điểm bắt đầu vào vụ thu hoạch mà giá lúa ở ĐBSCL đã rớt thảm, nhiều thương lái không mua khiến nông dân rơi vào cảnh lao đao.
Ở thời điểm bây giờ, trong bối cảnh xuất khẩu gạo đang giảm sâu, việc kinh doanh lúa gạo gặp nhiều khó khăn, một ông bạn vong niên là chủ doanh nghiệp tham gia "dây chuyền" xuất khẩu gạo ở vùng ĐBSCL cho rằng, đã đến lúc xuất khẩu gạo phải chuyển từ lượng sang chất. Ông bảo, lợi nhuận lúc này chưa phải là cái quan trọng nhất. Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL đang chú ý đến các chương trình đầu tư cho quy trình sản xuất, kinh doanh lúa gạo chất lượng cao nhằm cộng sức được cho hạt gạo xuất khẩu trong bối cảnh Chính phủ vừa "kêu gọi" tạo ra cuộc cách mạng về chất cho hạt gạo Việt.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đổi mới, với tư duy kiến tạo, toàn diện, từ nền tảng thể chế, chính sách, pháp luật đến cấu trúc vận hành, tạo ra cuộc cách mạng về chất, một tầm nhìn mới, đi kèm với hoạch định chiến lược, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa để gạo Việt Nam đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng ở châu Á và thế giới...
Ông chủ doanh nghiệp có cái Tâm sâu nặng với hạt gạo ĐBSCL cũng cho tôi hay, ông đang rất tâm đắc với quy trình khép kín từ khâu chế biến đến kinh doanh lúa gạo chất lượng cao mà doanh nghiệp của ông đang ấp ủ. Chỉ tính riêng sự thành công về đầu tư kỹ thuật cho cơ giới hóa trong chế biến lúa gạo phục vụ cho xuất khẩu đã giúp giảm tỷ lệ gãy vỡ hạt rất nhiều, làm cho giá trị hạt gạo xuất khẩu được tăng lên. Ông đang mơ ước về một khu vực rộng lớn, ở đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh lúa gạo được quy tụ thành một cụm kinh tế kỹ thuật liên hoàn bao gồm xay chà gạo, bao bì, cơ khí, vận tải, cảng gạo... với năng lực tại chỗ có đủ để mua, dự trữ, chế biến, vận chuyển và tổ chức xuất khẩu với sản lượng lớn. Có như vậy, hạt gạo ĐBSCL mới "có cơ" đứng vững trước những biến động khốc liệt của thị trường thế giới.

Làm sao để nâng cao chất lượng hạt gạo ĐBSCL đủ sức đứng vững trên thị trường thế giới? Từ "lý lịch" đáng tự hào của hạt gạo ĐBSCL cho đến ý kiến của các "lão tiền bối" về xuất khẩu lúa gạo thời Pháp đến chủ doanh nghiệp và nhà khoa học tâm huyết thời nay đều cùng một ý kiến: Phải bắt đầu từ cuộc cách mạng công nghệ hạt giống. Lâu nay, tại nhiều diễn đàn khoa học, các nhà khoa học luôn nhấn mạnh rằng, ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất của cả nước, hằng năm, đóng góp trên 50% sản lượng lúa và trên 90% tổng lượng gạo xuất khẩu của nước ta.
Để phát triển lúa vùng ĐBSCL, hướng đến cạnh tranh công bằng sòng phẳng với các nước khác mà đứng đầu là Thái Lan, Ấn Độ thì các nhà sản xuất lúa gạo Việt Nam phải khắc phục và cải thiện nhiều hơn nữa những vấn đề cơ bản như: Chủng loại giống lúa trên đồng ruộng còn quá nhiều làm cho hạt gạo xuất khẩu không đồng nhất về chất lượng, kích cỡ... Để giải quyết vấn đề này, sản xuất lúa ĐBSCL cần có chiến lược về giống, cụ thể là phải đồng nhất hóa chủng loại giống lúa trên các cánh đồng lúa với quy mô nhất định.
Hiện nay, một số tỉnh trong vùng ĐBSCL đã hình thành các "cánh đồng mẫu lớn" với quy mô vài trăm mẫu. Có thể vùng ĐBSCL có nhiều giống lúa đặc thù cho năng suất cao và chất lượng tốt, nhưng trong mỗi cánh đồng chỉ nên có một loại giống lúa đồng nhất. Trên các cánh đồng này, người nông dân cần được giúp đỡ về vốn vay ưu đãi, kỹ thuật trồng trọt, giống lúa, bảo vệ thực vật, cơ sở hạ tầng..., từ đó giá thành sản xuất giảm và lợi nhuận được nâng lên. Trên các cánh đồng mẫu lớn này, cần có biện pháp đòn bẩy khuyến khích nông dân áp dụng quy trình trồng lúa theo mô hình nông nghiệp hữu cơ, quy trình GAP...
Như vậy, người sử dụng gạo vùng ĐBSCL mới thực sự yên tâm, tin tưởng gạo mình ăn có nguồn gốc rõ ràng, có quy trình sản xuất hợp lý, thống nhất, chất lượng hạt gạo ngon và an toàn. Có như vậy, hạt gạo ĐBSCL mới có thể "đi" xa và rộng hơn...
Nguyễn Long