Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:36 GMT+7

Để đồng bào Rục tránh được “bẫy” của tệ nạn xã hội

Biên phòng - Những năm gần đây, đồng bào Rục, ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã mở rộng giao lưu văn hóa, kinh tế nhiều hơn với các địa phương lân cận. Cùng với lợi ích mang lại, nguy cơ họ bị cuốn vào mặt trái của xã hội cũng lớn hơn. Từ thực tế đó, Đồn Biên phòng Cà Xèng, BĐBP Quảng Bình đã phối hợp với chính quyền địa phương có nhiều biện pháp giúp đồng bào nhận biết, phòng tránh nhiều thủ đoạn tinh vi của các loại tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người.

6las_6a
Cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng tổ chức tuyên truyền pháp luật cho nhân dân đồng bào Rục trên địa bàn. Ảnh: Đức Trí

Trước đây, nguồn thu nhập chính của đồng bào Rục, ở xã Thượng Hóa chủ yếu phụ thuộc vào việc khai thác lâm sản phụ ở rừng nên cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trong nhiều năm qua, Đồn Biên phòng Cà Xèng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng liên quan triển khai các hoạt động giúp dân phát triển kinh tế, xã hội. Trọng tâm là đầu tư nguồn kinh phí, huy động nhân lực khai hoang, hướng dẫn đồng bào làm ruộng lúa nước. Sau nhiều năm dài được cán bộ, chiến sĩ BĐBP cầm tay chỉ việc, đồng bào Rục đã dần quen với việc thâm canh cây lúa nước trên cánh đồng rộng lớn 10ha nên đã dần chủ động được lương thực. 

Cùng với đó, BĐBP Quảng Bình cũng phối hợp với chính quyền địa phương, các cấp, các ngành đầu tư xây dựng đường giao thông kết nối bản làng của đồng bào Rục với trung tâm xã và các vùng lân cận. Nhờ giao thông thuận lợi, nhiều tiểu thương cũng đã tìm vào địa bàn định cư của đồng bào Rục để trao đổi, mua, bán hàng hóa. Hiện nay, có một bộ phận thanh niên cũng đã rời bản làng tìm kiếm cơ hội việc làm ở các thành phố, địa phương khác. 

Nhờ sự giao lưu về văn hóa, kinh tế rộng rãi, cuộc sống của đồng bào Rục đang ngày một thay đổi, bắt kịp với nhân dân trong vùng và khu vực lân cận. Tuy nhiên, kéo theo đó cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn, an ninh trật tự tại địa bàn khu dân cư, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống vốn thanh bình của người dân. 

Trước thực tế đó, Đồn Biên phòng Cà Xèng đã tổ chức nhiều biện pháp, hình thức khác nhau để giúp nhân dân phát triển kinh tế, giữ ổn định địa bàn. Cụ thể, tăng cường cán bộ bám địa bàn, kiểm soát chặt chẽ không để kẻ xấu lợi dụng hoạt động ra, vào trao đổi hàng hóa để lôi kéo người dân tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật. Thành lập các mô hình điểm như “Không kết hôn cận huyết thống, không tảo hôn”; “Không uống rượu, thuốc lá”; “Câu lạc bộ phòng, chống mua bán người”... để tuyên truyền pháp luật cho nhân dân. 

Cũng như các địa phương khác, những năm gần đây, tội phạm mua bán người thường về địa bàn các bản làng vùng cao của huyện Minh Hóa tìm cách lôi kéo, lừa gạt, đưa nạn nhân ra khỏi địa bàn để bán vào phục vụ trong các nhà hàng, khách sạn ở thành phố, thậm chí là qua biên giới. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, cần tìm kiếm việc làm. Từ thực tế đó, năm 2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Minh Hóa đã thành lập mô hình “Câu lạc bộ phòng, chống mua bán người” ở các xã vùng cao để tuyên truyền cho nhân dân, đặc biệt là chị em phụ nữ hiểu rõ phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm, từ đó có biện pháp phòng tránh. 

Xác định địa bàn định cư của đồng bào Rục cũng dễ bị tác động bởi tội phạm mua bán người, đầu năm 2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Minh Hóa đã chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thượng Hóa và Đồn Biên phòng Cà Xèng thành lập “Câu lạc bộ phòng, chống mua bán người” tại địa bàn bản Ón. Hội viên tham gia ngoài chị em phụ nữ trong bản còn mở rộng ra các bản lân cận như Mò O Ồ Ồ và Yên Hợp (xã Thượng Hóa). Câu lạc bộ sinh hoạt tập trung mỗi tháng một lần, thông qua những buổi gặp mặt này, các hội viên được cán bộ Biên phòng hoặc cán bộ phụ nữ xã nói về những tổn thất về thể xác, tâm hồn nếu rơi vào tay của tội phạm mua bán người.

Đồng thời, chỉ rõ những phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này khi chúng tìm về các bản làng vùng sâu, vùng xa để lôi kéo nạn nhân. Qua đó, giúp nhân dân nâng cao nhận thức, phòng tránh không rơi vào cạm bẫy của tội phạm mua bán người. Ngoài công tác tuyên truyền để hội viên phụ nữ có sự hiểu biết, phòng tránh tội phạm mua bán người, thông qua câu lạc bộ, chị em còn dành thời gian trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau phát triển kinh tế, chăm lo cuộc sống gia đình. 

Đại úy Nguyễn Văn Hải, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cà Xèng cho biết: “Từ khi thành lập đến nay, “Câu lạc bộ phòng chống mua bán người” tại bản Ón được duy trì, hoạt động rất nề nếp. Thông qua đó, chúng tôi đã tuyên truyền để nhân dân, đặc biệt là chị em phụ nữ hiểu rõ những tác động, thủ đoạn của tội phạm mua bán người hiện nay. Việc duy trì câu lạc bộ cùng với triển khai nhiều biện pháp công tác khác đã giúp đơn vị ngăn chặn hoạt động của các loại tội phạm xâm nhập, giữ vững an ninh trật tự tại địa bàn đồng bào Rục định cư”.

Viết Lam 

Bình luận

ZALO