Biên phòng - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết đã quyết định hủy đấu thầu quốc tế, điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước nhằm lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Thông tin trên lập tức nhận được sự phản hồi tích cực của dư luận trong bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, yêu cầu đảm bảo an ninh, quốc phòng và chủ trương phát huy nội lực các doanh nghiệp trong nước.
Dự án cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đi qua 20 tỉnh, thành phố. Theo Nghị quyết của Quốc hội, sẽ đầu tư xây dựng 654km, chia thành 11 dự án thành phần gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Bộ GTVT đã phê duyệt tổng mức đầu tư 102.513 tỷ đồng cho 11 dự án thuộc cao tốc Bắc – Nam, trong đó có hơn 50.000 tỉ đồng vốn đầu tư công.
Căn cứ những quy định của pháp luật hiện hành, đặc biệt Luật Đấu thầu, Bộ GTVT đã tiến hành sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu quốc tế. Tính đến cuối tháng 7-2019, các Ban Quản lý dự án của Bộ GTVT đã nhận được 60 bộ hồ sơ dự tuyển.
Theo kết quả thẩm tra hồ sơ dự sơ tuyển, chỉ có 7 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, thậm chí 4 dự án không có nhà đầu tư nào vượt qua sơ tuyển.
Thế nên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, kết quả mời thầu buộc Bộ GTVT phải điều chỉnh lại yêu cầu xét duyệt đầu tư cho phù hợp. Bởi, 8 dự án của cao tốc Bắc - Nam đều yêu cầu vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư bằng 20% tổng vốn đầu tư dự án, yêu cầu này cao hơn quy định tại Nghị định số 63 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP (trên 10%). Đặc biệt, nhà đầu tư muốn tham gia đấu thầu cao tốc Bắc - Nam phải chứng minh đã có toàn bộ số vốn này tại thời điểm chấm thầu mà không được xét đến lộ trình tăng vốn.
Với những yêu cầu khắt khe trên, nguy cơ hầu hết các doanh nghiệp trong nước sẽ bị loại khỏi dự án trọng điểm của quốc gia rất rõ ràng, vì các ngân hàng thương mại đang thắt chặt điều kiện và giới hạn cho vay các dự án hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Do vậy, vốn vay giá rẻ là lợi thế của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc.
Trước tình hình trên, Bộ GTVT đã có một quyết định hợp lý khi hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước.
Cần phải thống nhất quan điểm: Phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư dự án và phát triển năng lực doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng là vấn đề Chính phủ đặc biệt chú trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Việt Nam là nước đang phát triển, năng lực tài chính của doanh nghiệp trong nước thua kém nhiều so với các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới. Theo thông lệ quốc tế, Việt Nam hoàn toàn có thể đưa ra yêu cầu hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài gây ảnh hưởng không tốt đến hoạt động đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng quan trọng quốc gia.
Vì vậy, Bộ GTVT hoàn toàn có thể đưa ra yêu cầu cấm tham gia với những nhà đầu tư nào đã thực hiện dự án hạ tầng tại Việt Nam gây đội vốn, thất thoát, ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế.
Thanh Thảo