Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 31/05/2023 03:25 GMT+7

Để di sản then có sức lan tỏa trong cộng đồng

Biên phòng - UBND tỉnh Tuyên Quang vừa ban hành Kế hoạch tổ chức Lễ hội Thành Tuyên năm 2020 và Lễ đón nhận Bằng ghi danh di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đối với “Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào tháng 9. Đây là niềm vui lớn không chỉ của các dân tộc Tày, Nùng, Thái -chủ thể của di sản, mà còn là niềm vui chung của các dân tộc ở Việt Nam, cho thấy, Việt Nam là quốc gia có những di sản văn hóa hiếm có của nhân loại. Bởi vậy, việc bảo vệ, gìn giữ và lan tỏa giá trị các di sản này là trách nhiệm của cả cộng đồng, dân tộc. 

Những liên hoan hát then được tổ chức thường xuyên sẽ là giải pháp để bảo tồn loại hình then. Ảnh: Thanh Thuận

Sức sống của điệu then

Thực hành then là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh lâu đời của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta như: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang và một số địa phương khác. Trong quan niệm dân gian, “then” có nghĩa là “thiên”, tức là “trời”, vì thế, “then” được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Đây cũng là một loại hình diễn xướng dân gian tổng hợp, phản ánh mọi khía cạnh của cuộc sống, từ niềm vui, nỗi buồn đến những ước vọng, hướng tới sự bình an, tốt đẹp.

Then là thực hành nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, phản ánh các quan niệm về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Các lễ then diễn tả hành trình thầy then (các ông then, bà then) đi từ Mường Đất lên Mường Trời, dâng lễ vật và cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho người dân trong đời sống, sản xuất, sức khỏe... Các ông then, bà then thông qua lời ca, tiếng hát, những làn điệu then từ cây đàn tính để gửi gắm những ước nguyện của người dân đến thần linh.

Về mặt nghi lễ, với tư cách là một hình thái sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, then chứa đựng những tín ngưỡng, tôn giáo nguyên thủy. Trong đời sống văn hóa cộng đồng của đồng bào các dân tộc Nùng, Tày, Thái, hát then không chỉ là khúc hát đầu xuân cầu an lành, may mắn, mà còn gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng trong năm. Hát then có một số loại hình như: Then cầu an, then cầu may, then cầu mùa, then chúc tụng ca ngợi, then cấp sắc (Lẩu then), then tống tiễn... Tuy nhiên, mỗi địa phương lại có những làn điệu then khác nhau.

Về mặt nghệ thuật dân gian, then là một loại hình nghệ thuật tổng hợp chứa nhiều thành tố ngữ văn, âm nhạc, mỹ thuật, múa, diễn xướng dân gian và có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội. Trong một cuộc hát then, thầy then vừa hát, đệm đàn và múa để thể hiện nội dung câu hát. Hát then là loại hình nghệ thuật âm nhạc trong nghi lễ tín ngưỡng then, quán xuyến toàn bộ quá trình hành lễ then. Lời hát then vừa là lời khuyên răn, khích lệ, vừa là những kinh nghiệm về đối nhân xử thế... Những làn điệu then khi thủ thỉ, gần gũi, lúc sôi động, dồn dập, lúc trầm buồn, ngẫm ngợi, lúc hồ hởi, vui tươi... đã tạo sức truyền cảm lớn cho cộng đồng tham dự nghi lễ then.

Trải qua bao biến động của đời sống xã hội, hát then vẫn là loại hình bền bỉ, trường tồn và phát triển cùng thời gian. Những liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính của các dân tộc Tày, Nùng, Thái, thực hành then được tổ chức thường xuyên trong cộng đồng là biện pháp lưu giữ thiết thực loại hình này. Di sản then của Việt Nam trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là một sự ghi nhận xứng đáng với những nỗ lực bảo tồn loại hình di sản này của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái.

Để di sản có sức lan tỏa

Thực hành then được UNESCO vinh danh không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Thái - chủ thể của then, mà còn là niềm vui, niềm tự hào của những nhà văn hóa, giới nghiên cứu, cũng như toàn thể nhân dân Việt Nam.

Theo nghệ nhân then Nguyễn Văn Bách, giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc: “Với thực hành then, vấn đề quan trọng nhất là bảo tồn then trong bối cảnh một số dòng then không có truyền nhân, các nghệ nhân hiện đa số đã cao tuổi và bảo tồn ngôn ngữ then. Để bảo tồn, phát huy thực hành then, cần có một số chính sách cụ thể cho các nghệ nhân then, nhất là những nghệ nhân cao tuổi trong việc truyền dạy cho thế hệ trẻ; quan tâm, chăm lo đến đời sống của nghệ nhân cũng như có chính sách phong tặng danh hiệu xứng tầm; nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, bảo tồn, xây dựng các tổ, đội văn nghệ truyền thống”.

Tuy nhiên, cũng như một số loại hình di sản đã từng được UNESCO ghi danh, thực hành then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái đang đứng trước nhiều khó khăn. Đây là loại hình di sản được bảo tồn chủ yếu qua hình thức truyền miệng từ các nghệ nhân. Trong khi đó, nhiều nghệ nhân then đã cao tuổi, mà thế hệ kế cận lại quá ít. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì đội ngũ thầy then.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa nhận thức được đầy đủ vai trò của công tác bảo tồn văn hóa dân tộc, việc tuyên truyền, vận động cộng đồng gìn giữ văn hóa dân tộc chưa được tiến hành thường xuyên.

Then là loại hình tổng hòa nhiều yếu tố như âm nhạc, múa, hát, trong đó, lời hát là yếu tố cực kỳ quan trọng. Đó là những câu chuyện cổ, những lời răn dạy về cuộc sống... mà ông cha đã đúc kết, truyền lại cho con cháu đời sau. Do đó, chúng ta cần có những giải pháp thiết thực để then được bảo tồn và luôn hiện diện trong cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Thái.

Không chỉ bảo tồn then, trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập quốc tế, chúng ta cần phải biết khai thác những di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh để tạo thành sản phẩm du lịch. Qua đó, công tác gìn giữ và phát huy di sản càng được quan tâm hơn, giúp các di sản này giữ được bản sắc, không bị mai một và ngày càng lan tỏa các giá trị tới cộng đồng trong và ngoài nước, đúng với tầm vóc di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nguyên Thanh

Bình luận

ZALO