Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:39 GMT+7

Đề cương về văn hóa Việt Nam: “Kim chỉ nam” cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ mới

Biên phòng - Với những định hướng đúng đắn, sâu sắc và toàn diện, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã trở thành “kim chỉ nam” cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong định hướng phát triển đất nước thời kỳ mới.

Hát Xoan - di sản văn hóa phi vật thể quý báu của vùng đất Tổ Phú Thọ nói riêng và trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung. Ảnh: Anh Tuấn

Ngay từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930, Đảng ta đã đề cập đến vấn đề phát triển văn hóa, con người. Tiếp đó, Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Trường Chinh soạn thảo được công bố năm 1943 đã đưa ra những định hướng quan trọng về văn hóa Việt Nam. Sau 80 năm thực hiện, đề cương có giá trị như cương lĩnh này, đã được Đảng ta kế thừa, bổ sung, phát triển, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của nước ta trong thời kỳ đổi mới.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hóa là nói đến những gì tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ...”. Đại hội XIII xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới: “lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”.

Việt Nam là một đất nước có hàng nghìn năm lịch sử, trải qua những biến đổi, thăng trầm, đã tích lũy, tạo ra và phát huy được nhiều giá trị, bản sắc văn hóa riêng, làm nên hồn cốt của dân tộc. Nền văn hóa Việt Nam có hệ giá trị và bản sắc riêng, không bị đồng hóa bởi bất kỳ kẻ thù xâm lược nào. Hệ giá trị và bản sắc đó đã tạo nên “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam. Trong tiến trình hội nhập quốc tế, mở rộng giao lưu văn hóa ngày càng tạo ra những biến đổi to lớn và quan trọng trong đời sống văn hóa, nghệ thuật. Làn sóng toàn cầu hóa đã tác động rất mạnh mẽ tới sự phát triển của văn hóa Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nêu hạn chế, yếu kém nổi bật là văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức sâu sắc và quan tâm đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn chiều hướng nặng về chức năng giải trí, thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người. Ngoài ra, môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Công tác giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài chưa mạnh, nhiều khi bắt chước nước ngoài một cách phản cảm, không có chọn lọc (nói cách khác là “phản văn hóa”).

Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới cần có tư duy đột phá. Đó là tư duy mới về mối quan hệ giữa phát triển văn hóa với tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa với phát triển con người, phát triển giáo dục, phát triển nguồn nhân lực; giữa phát triển văn hóa, con người với phát triển kinh tế - xã hội - môi trường… Các ngành công nghiệp văn hóa đang phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới có tác động rất lớn đối với kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Với nhiều nước trên thế giới, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Mỹ…, công nghiệp văn hóa là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, có những đóng góp to lớn vào tăng trưởng chung của đất nước, mang lại nguồn thu lớn từ việc xuất khẩu văn hóa.

Điển hình như các dự án phim của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc..., các chương trình đại nhạc hội với các ca sĩ nổi tiếng quốc tế... Phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam sẽ giúp quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, tạo điều kiện phát triển các dịch vụ kinh tế - xã hội. Nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Italia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... coi công nghiệp văn hóa là một bộ phận của nền kinh tế, làm cho những giá trị văn hóa của dân tộc mình lan tỏa khắp thế giới. Theo đó, giá trị văn hóa được coi là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội nói chung và hiện thực hóa niềm tin, khát vọng phát triển đất nước nói riêng.

Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Bề dày lịch sử phát triển cùng sự đa dạng bản sắc văn hóa của 54 dân tộc, những giá trị về văn hóa vật thể (các công trình kiến trúc nghệ thuật truyền thống...), những di sản văn hóa phi vật thể (quan họ, ca trù, hát Xoan, cải lương, tuồng, chèo)… thực sự là kho tàng văn hóa mà không phải quốc gia nào cũng có được.

Một trong những giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đó là khuyến khích, thu hút giới trẻ tham gia vào các dự án bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Trong ảnh: Nhiều bạn trẻ tham gia biểu diễn sau khóa học về nghệ thuật dân gian. Ảnh: Thu Thương

Sức mạnh văn hóa bao gồm cả sức mạnh vật chất và tinh thần của con người Việt Nam được tích lũy hơn 4.000 năm lịch sử, nên khi giá trị văn hóa được phát huy, con người Việt Nam sẽ được gia tăng thêm năng lực, phẩm chất, trình độ để vượt qua những khó khăn, thử thách; vươn đến những mục tiêu lớn hơn, khát vọng cao đẹp hơn. Trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế này, nếu biết tận dụng cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam chắc chắn sẽ xây dựng và phát triển thành công các ngành công nghiệp văn hóa.

Từ việc nhận thức đúng đắn mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế trong quá trình phát triển, những định hướng quan trọng cho thấy vai trò và tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Cùng với chủ trương, định hướng đó, những thành tựu của đất nước đã đạt được trong sự nghiệp đổi mới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung cũng như quá trình xây dựng, phát triển nền văn hóa nói riêng là những tiền đề thuận lợi để văn hóa tiếp tục phát triển trong thời kỳ tới.

Đảng và Nhà nước cũng yêu cầu, cần khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới. Việc bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc phải gắn với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiên tiến của văn hóa thế giới, giữ gìn phải đi liền với nhiệm vụ thay đổi những gì đã lỗi thời, lạc hậu để gắn với phát huy và phát triển.

Bên cạnh việc quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, cũng cần xây dựng đời sống văn hóa đương đại phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, tiến bộ để tiếp tục gia tăng thêm “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam và lan tỏa văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Tiêu Dao

Bình luận

ZALO