Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:04 GMT+7

Để bến tàu Không số K15 xứng tầm di tích quốc gia

Biên phòng - Đồ Sơn, Hải Phòng không chỉ được biết đến với cảnh thiên biển đảo đẹp, mà còn có một nhân chứng lịch sử, bến tàu K15 - nơi xuất phát của đoàn tàu Không số huyền thoại, nơi khởi đầu của con đường Hồ Chí Minh trên biển trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hiện nay, chính quyền thành phố Hải Phòng đang có những phương án xây dựng, nâng cấp bến tàu K15 để đưa nơi đây xứng tầm di tích quốc gia, trở thành điểm tham quan yêu thích của du khách trong hành trình đến với biển, đảo Hải Phòng.

68id_9a
Di tích bến tàu Không số K15 - Đồ Sơn ngày nay.

Bến tàu Không số K15 ngày nay còn được gọi là bến Nghiêng, thuộc khu du lịch thuộc phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Bến tàu tồn tại đã từ rất lâu đời và hiện diện như một phần quen thuộc với mỗi người dân đất Cảng.

Theo những tài liệu lịch sử, sau khi ký xong Hiệp định Geneva 1954, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm ráo riết tiến hành chính sách “tố Cộng, diệt Cộng”, lê máy chém đi khắp miền Nam. Trước tình thế nguy cấp đó, nhằm tăng cường hơn nữa khả năng chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam, con đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ đã được mở vào năm 1959 để phục vụ việc vận chuyển lương thực, vũ khí cho chiến tranh. Tuy nhiên, nhận thấy tình hình vẫn vô cùng khó khăn, Bộ Chính trị quyết định mở thêm tuyến vận tải thứ hai bằng đường biển.

Và ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập Đoàn vận tải biển 759 (nay là Lữ đoàn 125 Hải quân), đánh dấu sự ra đời của tuyến vận tải chiến lược đường Hồ Chí Minh trên biển. Bến tàu K15 - điểm xuất phát của đoàn tàu Không số huyền thoại trong những năm kháng chiến chống Mỹ được hình thành tại Đồ Sơn.

Vào đêm 11-10-1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên mang tên “Phương Đông 1” chở 30 tấn vũ khí đã rời bến K15, Đồ Sơn, lên đường đi Cà Mau. Sau 10 ngày lênh đênh ngoài biển khơi, cuối cùng đoàn tàu đã cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn. Chuyến đi mang nhiều thắng lợi đó, đa phần cổ động tinh thần chiến đấu của nhân dân trên cả nước. Chuyến đi thành công của tàu Phương Ðông 1 là khởi đầu cho việc khẳng định chủ trương đúng đắn, sáng suốt khi mở con đường huyền thoại trên Biển Ðông trong lịch sử chống  ngoại xâm của dân tộc.

Tiếp theo đó, các con tàu Phương Ðông 2, Phương Ðông 3 và Phương Ðông 4 lần lượt xuất phát, hướng vào Nam, đưa hàng cập bến các tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre, Bà Rịa... Từ những chuyến đi thành công này, đường biển nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam đã trở thành hiện thực, củng cố niềm tin của nhân dân miền Nam vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Lý giải chuyện có tên gọi là “Đoàn tàu Không số”, ông Nguyễn Minh Tân - cựu chiến binh Đoàn vận tải biển 759, người trực tiếp làm nhiệm vụ trên những con tàu Không số cho biết: “Tàu Không số không phải vì không có số mà có rất nhiều số, gọi như vậy là để bảo đảm bí mật cho tuyến đường vận tải đặc biệt. Những chiếc tàu làm nhiệm vụ phải cải trang thành tàu đánh cá, không có số hiệu cố định, trà trộn vào những đoàn tàu đánh cá của ngư dân địa phương trên biển”. 

Ngày ấy, để giữ bí mật, những chuyến tàu Không số thường chọn lúc thời tiết sóng to, gió lớn để ra khơi. Những thủy thủ tàu đều ở độ tuổi mười tám, đôi mươi. Tuy còn rất trẻ, nhưng trước khi lên đường làm nhiệm vụ đã xác định tư tưởng sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tàu, hàng hóa vận chuyển và bí mật của con đường. Để chèo lái con thuyền và che mặt kẻ thù, các thủy thủ đều phải cải trang thành những dân buôn, người đánh cá, khách đi tàu... Có những người thủy thủ của tàu Không số dù chưa một lần đi bằng đường biển từ Bắc vào Nam, không có bản đồ hành trình... nhưng vẫn đưa được những con tàu cập bến an toàn. 

Ngày 18-8-2008, bến tàu K15 được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia (theo Quyết định số 63 /2007/QĐ-BVHTTDL). Ngày nay, bến tàu Không số huyền thoại K15 còn lại những cột bê tông trường tồn qua thời gian, ghi dấu những chiến công chói lọi, đánh dấu trang sử hào hùng của quân đội ta. Những năm gần đây, di tích bến K15 cùng với Tượng đài kỷ niệm đường Hồ Chí Minh trên biển đón hàng vạn lượt du khách tham quan, không những mở hướng phát triển du lịch, mà còn trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ trẻ hôm nay, nhớ về những chiến công chói lọi của quân và dân ta, trở thành một trong những điểm tham quan trên hành trình khám phá của khách du lịch khi đến với Đồ Sơn. 

Đồng chí Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng chia sẻ: “Ngày 28-2-2018, Thường trực Thành ủy Hải Phòng đồng ý giao nhiệm vụ cho UBND thành phố triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu di tích lịch sử bến tàu K15 - Đồ Sơn với diện tích trên 4,5ha, bao gồm: Bảo tồn chứng tích về Đoàn tàu Không số, xây dựng mới quảng trường lớn, xây dựng đền thờ liệt sĩ, nhà trưng bày, công viên cây xanh và các công trình phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư dự kiến là 150 tỷ đồng, dự định sẽ được hoàn thành vào năm 2020”. 

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO