Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 06/06/2023 03:55 GMT+7

Đề án 52 tại Thừa Thiên – Huế: Đáp ứng nhu cầu của người dân vùng đầm phá, ven biển

Đề án 52 tại Thừa Thiên – Huế: Đáp ứng nhu cầu của người dân vùng đầm phá, ven biển

Biên phòng - Gặp khó khăn trong triển khai Đề án 52, nhưng đến nay, công tác DS-KHHGĐ ở vùng biển, ven biển và đầm phá của Thừa Thiên - Huế đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng dân cư. Các hoạt động của Đề án 52 được tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc triển khai tuyên truyền vận động, cung cấp dịch vụ, quản lý dân cư, nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ tại các xã vùng ven biển.

 34DSC03466.jpg
Cộng tác viên dân số tư vấn trực tiếp tại bến neo đậu tàu thuyền cho người dân về cách chăm sóc SKSS - KHHGĐ.
Thừa Thiên – Huế có 56 xã của 7 huyện, thị xã thuộc vùng ven biển, đầm phá, cửa sông, vạn đò (chiếm 36% số xã của tỉnh) với số dân khá lớn, khoảng 456.938 người (bằng 41,42% dân số toàn tỉnh). Những năm trước, công tác tuyên truyền, tư vấn, vận động cũng như cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ ở vùng này gặp không ít khó khăn.

Mức sinh và tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở vùng này cao hơn so với mặt bằng chung toàn tỉnh do người dân vẫn mang nặng mong muốn sinh con trai để nối dõi và có nhân lực làm nghề biển. Ông Tôn Thất Chiểu, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thừa Thiên - Huế chia sẻ: Một trong những rào cản lớn của công tác dân số vùng biển là nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa thực sự quan tâm tới việc chăm sóc SKSS.

Trong khi đó, tâm lý thích sinh con trai còn ăn sâu trong tiềm thức người dân. Do đó, khi triển khai Đề án 52, chúng tôi đặc biệt chú trọng nâng cao công tác truyền thông. Với phương châm “truyền thông đi trước một bước”, cùng với việc triển khai các hoạt động truyền thông theo kế hoạch của Trung ương, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thừa Thiên - Huế bằng nguồn ngân sách địa phương đã hỗ trợ 7 huyện thuộc Đề án 52 xây dựng đội tuyên truyền, tư vấn DS-KHHGĐ. Đồng thời xây dựng mô hình “Đội tuyên truyền tư vấn” và “Đội dịch vụ lưu động” đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ, tuyên truyền, tư vấn cho vùng ven biển, đầm phá, cửa biển, vạn đò và các nhóm đối tượng đặc thù.

Theo đánh giá của bà Hoàng Thị Tâm, Phó Giám đốc Sở Y tế , kiêm Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thừa Thiên - Huế: “Các hoạt động tăng cường truyền thông của Đề án 52 đã góp phần thực hiện thành công các đợt tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại các xã vùng ven biển, đầm phá, vạn đò, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm”.

Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, SKSS và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt là ở vùng biển, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đưa bác sĩ về cơ sở. Nhờ đó, đến nay, 100% trạm y tế có bác sỹ đã đáp ứng thường xuyên, kịp thời tại chỗ các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ.

Từ khi triển khai Đề án 52 đến nay, Thừa Thiên - Huế đã thành lập được 7 đội lưu động y tế - DS/KHHGĐ với 54 cán bộ, thực hiện khám phụ khoa, tư vấn cho 25.750 lượt phụ nữ. Nhằm phục vụ nhu cầu khám, xét nghiệm phát hiện sớm bệnh tật cho người dân, ngành Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế đã rà soát và cung cấp trang thiết bị dịch vụ KHHGĐ cho các huyện gồm: Máy siêu âm xách tay, máy đốt điện điều trị lộ tuyến cổ tử cung bằng quang học.

Cùng với việc trang bị hệ thống thiết bị y tế hiện đại, Thừa Thiên - Huế còn tổ chức tập huấn, đào tạo cho hơn 200 cán bộ y tế các cấp đội lưu động kỹ thuật dịch vụ KHHGĐ và các xét nghiệm thông thường về viêm nhiễm đường sinh sản.

Sau 2 năm triển khai, Đề án 52 đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vùng đầm phá, ven biển được tiếp cận thông tin về DS-KHHGĐ cũng như các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ tối ưu nhất. Tuy nhiên, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, cũng như thực hiện được các mục tiêu đã đề ra của từng giai đoạn thực hiện đề án, cần có sự điều chỉnh, đầu tư kinh phí phù hợp và đúng thời gian. “Đề án 52 đã được Chính phủ phê duyệt với nhiều nội dung và có kinh phí để thực hiện, do vậy, cần quan tâm bố trí đủ kinh phí để triển khai đề án đúng mức, đảm bảo cho các hoạt động. Bên cạnh đó, cần bổ sung, cung cấp trang thiết bị, dụng cụ y tế về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, KHHGĐ đảm bảo đủ cơ số chuẩn quốc gia theo đặc thù vùng biển và bổ sung một số trang thiết bị đặc thù cho đội lưu động và cơ sở làm dịch vụ” - bà Hoàng Thị Tâm cho biết.

Hằng Phương

Bình luận

ZALO