Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 12/11/2024 07:40 GMT+7

Đẩy mạnh xây dựng cơ quan báo chí Quân đội theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại

Biên phòng - Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 diễn ra ở mọi lĩnh vực, đã có sức tác động mạnh mẽ đến từng ngành. Trong xu thế hội nhập mạnh mẽ đó, báo chí Việt Nam không đứng ngoài cuộc. Sự phát triển của công nghệ truyền thông mới vừa tạo ra thách thức, nhưng cũng tạo cơ hội cho những người làm báo Việt Nam. Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 -21/6/2019), một số lãnh đạo Hội Nhà báo, cơ quan báo chí, cơ sở đào tạo báo chí đã chia sẻ với Báo Biên phòng xung quanh vấn đề báo chí trong thời đại CMCN 4.0.

svlb_5-3

Đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

Trong lĩnh vực báo chí truyền thông, CMCN 4.0 đã và đang tác động trực tiếp đến sự “sinh tồn” của các phương tiện truyền thông truyền thống, ảnh hưởng mạnh mẽ đến kỹ năng tác nghiệp của nhà báo.

Trong cuộc CMCN 4.0, các cơ quan báo chí cùng các nhà báo cần phải làm chủ công nghệ để đưa đến bạn đọc các tác phẩm báo chí của mình thông qua môi trường mạng. Chúng ta cần năng lượng mới, sáng tạo để vượt qua thách thức trong thời đại 4.0. Khi nói đến 4.0 là nói về nền tảng công nghệ, nhưng chúng ta quên rằng về nội dung, thông điệp truyền tải trên công nghệ, đó mới là trái tim. Nền tảng công nghệ chỉ là phương tiện thông tin. Nội dung là trái tim, nếu không có trái tim thì vô hồn, vô cảm, rất nguy hiểm.

Bên cạnh cập nhật kiến thức làm báo của thời đại CMCN 4.0, các nhà báo phải thường xuyên tự bồi đắp kiến thức, viết về lĩnh vực gì thì phải nắm chắc lĩnh vực đó.

Lãnh đạo các cơ quan báo chí thường xuyên nắm bắt sự thay đổi quy trình làm báo trong bối cảnh phát triển mạng xã hội, tận dụng mạng xã hội để tổ chức nội dung tác phẩm, tạo liên kết và hiệu ứng lan tỏa thông tin. Vấn đề đặt ra là các cơ quan báo chí cần xây dựng tòa soạn hội tụ...

Báo chí không được chạy theo mạng xã hội mà phải thắng, vượt lên ở độ chính xác. Báo chí phải trả lời vấn đề mạng xã hội đưa ra. Trách nhiệm của báo chí là xác lập độ tin cậy của thông tin. Người làm báo phải chuẩn mực, trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội.

kp7q_5-4

Đồng chí Lê Quốc Minh, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam:

Câu chuyện CMCN 4.0 là câu chuyện rất thiết thực với những người làm báo. Thực tế, những ứng dụng truyền thông của công nghệ 4.0 là rất tiềm năng, hiệu quả, song, đòi hỏi ý chí, quyết tâm và cả những đầu tư không nhỏ của lãnh đạo cơ quan báo chí. Một nhà báo hiện đại phải có đủ kỹ năng: Vừa biết viết, biết chụp, biết quay, biết sử dụng đồ họa, thậm chí biết cả lập trình. Tuy nhiên, hiện tìm được một phóng viên hội tụ đầy đủ tất cả những kỹ năng đó rất hiếm.

Tuy nhiên, những tiện ích của công nghệ cũng không thể thay đổi được “cái tâm” của người làm báo. Máy không làm cho chúng ta tất cả, người làm báo vẫn luôn phải giữ chữ “tâm” với nghề, đạo đức với nghề mới mang đến những thông tin hữu ích cho xã hội. Để làm tốt nhiệm vụ trong thời đại hiện nay, nhà báo phải luôn luôn giữ được những tiêu chuẩn quan trọng của người làm báo là sự thật, công bằng và cân bằng. 

u4ws_5-2

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam:

Cuộc CMCN 4.0 có tác động rất lớn, rất mạnh mẽ đến các hoạt động nói chung, trong đó có hoạt động báo chí-truyền thông. Sự phát triển của CMCN 4.0 càng đặt ra vai trò quan trọng của báo chí nói chung và báo chí Quân đội nói riêng. Trong sự bùng nổ của CMCN 4.0, xét ở chừng mực nào đó, nó làm giảm vai trò của báo chí, nhưng cũng khẳng định vai trò quan trọng của báo chí, đặc biệt là báo chí chính thống trong việc cung cấp thông tin và định hướng dư luận xã hội.

Vì vậy, cuộc CMCN 4.0 mang đến những cơ hội lớn: Đa dạng các loại hình báo chí, người làm báo có thêm nhiều công cụ hỗ trợ, thêm nhiều vũ khí để tuyên truyền trên mặt trận chính trị tư tưởng, công chúng được tiếp cận thông tin nhanh, thuận tiện, hiệu quả hơn. Nhưng nó cũng tác động theo chiều ngược lại, làm thông tin đa chiều, thông tin giả cũng phát triển mạnh. Vì vậy, nó đặt ra yêu cầu, đòi hỏi rất cao ở cơ quan quản lý báo chí-truyền thông trong bối cảnh hiện nay.

Trong thời đại CMCN 4.0, cơ quan chỉ đạo đóng vai trò hết sức quan trọng  nhằm quản lý chặt chẽ, kịp thời và phải bảo đảm thông tin chính thống, tích cực. Những luồng thông tin xấu, độc phải được tiết giảm, triệt tiêu đến mức thấp nhất. Vì vậy, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 22/CT-TW, Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Thường vụ Quân ủy Trung ương) đã có Chỉ thị số 47-CT/ĐUQSTW “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan báo chí Quân đội trong tình hình mới”. 

Thời gian qua, cơ quan quản lý các cấp đã quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết, duy trì nghiêm chế độ giao ban báo chí hàng tháng, hàng quý, bảo đảm cho báo chí Quân đội cập nhật thông tin kịp thời, nhất là giữ vững định hướng, là nòng cốt, đi đầu trong việc cung cấp thông tin chính xác đến với công chúng, bạn đọc. Trước yêu cầu cao của công tác tuyên truyền trong tình hình mới, các cơ quan chủ quản cần kịp thời chỉ đạo, định hướng tuyên truyền cho báo chí, tránh để xảy ra sai sót, chậm trễ, thời cơ, hiệu quả tuyên truyền thấp.

Cơ quan báo chí cần có nhiều đề xuất, đặc biệt trong việc thực hiện Đề án “Hiện đại hóa cơ quan báo chí Quân đội” và thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đội ngũ phóng viên báo chí. Đẩy mạnh xây dựng cơ quan báo chí Quân đội theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác tuyên truyền, đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trong tình hình mới.

xqb4_5-1

Đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông: 

Với sự bùng nổ của mạng xã hội, chưa bao giờ việc sàng lọc thông tin, tìm sự thật lại khó như hiện nay. Nhiều sự việc chỉ 2-3 tiếng có hàng triệu bình luận tích cực, nhưng có khi 2-3 hôm sau, thông tin lại đảo chiều. Có một vấn đề nguy hiểm, là nhiều nhà báo không đủ thời gian để suy nghĩ khi mà áp lực đưa tin điện tử ngày một nhanh.

Nhiều nhà báo dùng mạng xã hội để chia sẻ bài viết, tiếp cận độc giả, bản thân họ cũng chơi facebook để tăng lượt like, share, một số cũng dùng những status giật gân để câu view. Lại có một hiện tượng là trong bài viết đăng báo thì nội dung không có vấn đề, nhưng nhà báo lại viết giật gân để thu hút cộng đồng mạng. Đây cũng là điều đáng lo ngại.

bph0_5-5

Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Hằng, Phó Chủ nhiệm Khoa Báo chí và Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: 

Trong thời đại mà cái gì cũng phải nhanh và báo chí không ngoại lệ thì công nghệ vô cùng quan trọng. Chúng ta không thể sống tự tách mình khỏi cuộc cách mạng này, nhưng đừng để nó nuốt chửng tư duy của người làm báo.  

Trong bất kỳ thời điểm nào, công nghệ chỉ là công cụ hỗ trợ. Chúng ta không nên mải miết nghĩ tới công nghệ mà quên đi nền tảng cốt lõi là nhận thức. Nhiều người cứ nghĩ, khi áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trước là thắng, nhưng thực tế không phải vậy. Vấn đề là cơ quan báo chí đưa ra nội dung gì, hình thức tiếp cận thế nào, vấn đề gì nên nói... để định hướng, giáo dục công chúng giúp họ tiếp cận thích hợp. Bởi lẽ, công nghệ phải phục vụ con người và những người làm báo cần cân nhắc để sử dụng chúng thế nào cho hiệu quả. Việc nâng cao nhận thức nhà báo trong việc sử dụng công nghệ, mạng xã hội, đấy mới là cái lõi của công nghệ làm báo.

Thanh Thuận (Thực hiện)

Bình luận

ZALO