Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 10/06/2023 08:10 GMT+7

Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật đi đôi với xử lý nghiêm ngư dân vi phạm

Biên phòng - Đó là chỉ đạo của Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Phó Chính ủy BĐBP, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo (gọi tắt là Đề án 1133) tại Hội nghị rút kinh nghiệm công tác tuyên truyền PBGDPL cho ngư dân tỉnh Khánh Hòa, diễn ra ngày 31-7 tại TP Nha Trang.

x3afcpj4u9-65141-1353632705273780285-2
Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Phương Oanh

Theo đánh giá của Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, gần đây, tình hình an ninh, trật tự trên biển diễn biến khá phức tạp. Cùng với việc tàu thuyền nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam khai thác trái phép, tàu thuyền và ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển các nước để khai thác, đánh bắt hải sản, bị nước ngoài bắt giữ, xử lý ngày càng gia tăng, trong đó có các tàu thuyền và ngư dân Khánh Hòa.

6 tháng đầu năm 2017, các tỉnh tuyến biển cả nước có 69 vụ/123 tàu/1.005 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. Khánh Hòa là 1 trong 3 tỉnh (cùng với Bình Định, Quảng Ngãi) có số lượng nhiều nhất về ngư dân và tàu thuyền bị nước ngoài bắt giữ. Điều này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, tài sản mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. 

“Một trong những nguyên nhân là ý thức tôn trọng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế, ý thức tôn trọng chủ quyền vùng biển các nước của một bộ phận ngư dân Việt Nam chưa cao; biết nhưng vẫn cố tình vi phạm. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để ngư dân nắm bắt và thực thi pháp luật, hiểu biết đầy đủ về các hệ lụy xảy ra khi vi phạm để tiến tới chấm dứt vi phạm vùng biển các nước. Mặt khác, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm, tạo điều kiện tốt nhất cho ngư dân làm ăn thuận lợi trên vùng biển của Tổ quốc” - Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng nhấn mạnh.

Nhiều khó khăn trong việc quản lý hoạt động của các tàu cá được các đại biểu dự hội nghị chia sẻ như: chưa có quy định cụ thể về lượng dầu dự trữ trên mỗi phương tiện trong từng chuyến biển. Hay, nhiều ngư dân muốn giấu ngư trường khai thác nên tắt các thiết bị định vị, hiện cũng chưa có quy định bắt buộc cũng như chế tài xử lý.

“Để tránh tình trạng tàu cá của bà con ta vi phạm, nhà nước cần đề ra quy định buộc ngư dân các tàu cá hoạt động vùng biển xa bờ phải lắp đặt thiết bị kiểm soát hành trình và mở máy liên tục 24 giờ để máy chủ theo dõi và cảnh báo thường xuyên. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tổ chức đàm phán với các nước lân cận có vùng biển chồng lấn để sớm phân định cụ thể, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về nghề cá, giúp ngư dân có thể yên tâm khai thác và hợp tác khai thác trên các ngư trường này” - ngư dân Mai Thành Phúc, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Phước Đồng, TP Nha Trang kiến nghị.

6zu5m03ytc-65141_12826049891848130098_4
Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Cam Ranh, BĐBP Khánh làm tốt công tác tuyên truyền giúp ngư dân nắm bắt pháp luật để yên tâm vươn khơi bám biển. Ảnh: Phương Oanh

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Đắc Tài đánh giá cao sự tích cực của các cơ quan, ngành chức năng, BĐBP tỉnh trong công tác tuyên truyền, PBGDPL, góp phần làm chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của đông đảo nhân dân, ngư dân vùng biển của tỉnh trong việc tôn trọng, chấp hành luật pháp.

Tuy nhiên, trước tình hình các tranh chấp chủ quyền trên biển Đông hiện nay, ngư dân làm ăn trên vùng biển xa bờ rất cần tiếp tục được hỗ trợ. “Bên cạnh việc tuyên truyền, cảnh báo, đưa ra các chế tài xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá vi phạm, các ngành chức năng, quân đội, đặc biệt là BĐBP, Cảnh sát Biển cần có biện pháp bảo vệ công dân. Đã có trường hợp ngư dân đang đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền đất nước bị lực lượng chức năng nước ngoài khống chế, dẫn dụ về vùng biển nước họ rồi bị quy tội. Do vậy, phải hướng dẫn cho ngư dân nắm bắt cách thức tự bảo vệ mình”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Đắc Tài, đề nghị.

Phương Oanh

Bình luận

ZALO