Biên phòng - Thời gian qua, tình trạng tàu thuyền của ngư dân Bình Định nói chung, ngư dân huyện Hoài Nhơn nói riêng xâm phạm vùng biển của các nước lân cận và bị bắt giữ có chiều hướng gia tăng. Đứng trước tình hình đó, Đồn BP Tam Quan Nam, BĐBP tỉnh Bình Định đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhất là không xâm phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản.
Theo thống kê năm 2016, tỉnh Bình Định có 32 tàu với 259 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ vì xâm phạm vùng biển nước ngoài, trong đó, huyện Hoài Nhơn có đến 25 tàu với 215 thuyền viên. Đặc biệt, xã Hoài Hương của huyện Hoài Nhơn có đến 10 tàu với 98 thuyền viên bị bắt, đây quả là con số đáng báo động. Hầu hết tàu cá của ngư dân bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ do đánh bắt hải sản ở các vùng biển thuộc chủ quyền của nước sở tại, vùng biển chồng lấn, vùng đang có tranh chấp. Số vụ bị bắt thường do lực lượng chức năng các nước Malaysia, Indonesia, Philippines, Trung Quốc... thực hiện.
Thượng tá Lê Ngọc Thân, Chính trị viên Đồn BP Tam Quan Nam cho biết: Việc ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt thủy hải sản không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của nước ta trong hoạt động hợp tác nghề cá với các nước trong khu vực, mà còn gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều gia đình ngư dân khi bị bắt giữ, xử phạt.
Chính vì vậy, thời gian qua, Đồn BP Tam Quan Nam đã tích cực tuyên truyền, vận động ngư dân vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền nhưng không xâm phạm chủ quyền vùng biển các nước trong khu vực để đánh bắt hải sản. Đơn vị đã phối hợp với 6 xã ven biển xây dựng 6 câu lạc bộ pháp luật, tổ chức 56 buổi tuyên truyền pháp luật, hơn 20 buổi tuyên truyền Luật Biển Việt Nam cho gần 2.000 lượt người dân tham gia. Đơn vị phối hợp cùng chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức cho 127 tổ tàu thuyền đoàn kết, 359 hộ dân trên địa bàn 6 xã ven biển ký kết thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Chính những ngư dân bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ vì xâm phạm vùng biển của nước họ khi trở về nước đã trở thành tuyên truyền viên tích cực. Như ngư dân Võ Đăng Khoa, thôn Thạnh Xuân, xã Hoài Hương vì một chút lòng tham đã bị Indonesia bắt giữ, tịch thu tàu, cay đắng cho biết: Tôi thật sự đã rất hoang mang khi bị bắt. Con tàu và toàn bộ ngư lưới cụ là tài sản bao nhiêu năm vợ chồng tôi gom góp, vay mượn để làm ăn bây giờ đã bị họ tịch thu, phá hủy, may mà còn sống trở về với gia đình. Tôi bây giờ không biết làm gì để sống và nuôi vợ con. Vì vậy tôi mong đừng có ngư dân nào dại dột như tôi để rơi vào hoàn cảnh trớ trêu này. Từ nay tôi xin hứa, dù khó khăn đến đâu cũng không bao giờ tôi dám xâm phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt nữa.
Ông Võ Đó, ngư dân xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn cho biết: Trước đây khi hành nghề đánh bắt hải sản trên biển cũng có lúc chúng tôi liều lĩnh đi sang các vùng biển của nước khác đánh bắt, vì nguồn thủy sản dồi dào hơn. Từ khi được Đồn BP Tam Quan Nam và chính quyền địa phương tuyên truyền, nhắc nhở, chúng tôi đã nhận ra nguy hại và những thiệt hại rất to lớn khi bị nhà chức trách nước ngoài bắt giữ, tịch thu phương tiện và ngư lưới cụ. Chúng tôi hứa sẽ chấp hành nghiêm pháp luật và tích cực bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tàu cá của ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài, Đồn BP Tam Quan Nam còn phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện những giải pháp khuyến ngư và những hỗ trợ kịp thời để động viên ngư dân an tâm bám biển, bám ngư trường. Đồn còn phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm, các chương trình văn hóa, văn nghệ, các cuộc thi có lồng ghép nội dung tuyên truyền; trực tiếp phân công cán bộ xuống tận nhà dân, tận bến bãi tuyên truyền cho ngư dân, nhất là những người hành nghề đánh bắt thủy, hải sản xa bờ.
Bên cạnh đó, đồn đã chủ động tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện và phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, chính quyền các xã tổ chức hội nghị bàn giải pháp hạn chế tàu thuyền của ngư dân bị nước ngoài bắt giữ; đề ra nhiều chế tài xử lý phù hợp, nhất là các tiêu chí đánh giá thành tích của địa phương hằng năm như: Địa phương nào có tàu thuyền bị bắt thì tổ chức Đảng địa phương đó không đạt trong sạch vững mạnh, gia đình không được xét gia đình văn hóa, địa phương không được bình xét khen thưởng, ngư dân đó sẽ bị cắt mọi chế độ ưu đãi và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật…
Theo ông Trần Tấn Thuận, Chủ tịch UBND xã Hoài Hương: Tình trạng ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài có rất nhiều nguyên nhân, nhưng phần lớn là do ngư dân thiếu kiến thức pháp luật về biển, đảo, hám cái lợi trước mắt mà họ không lường trước được tác hại và thiệt hại khi không may bị bắt. Thời gian qua, nhờ sự tích cực vào cuộc của các cấp, các ngành, nhất là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền của BĐBP đã đem lại hiệu quả tích cực, ngư dân đã nhận thức được sai phạm khi xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản, từ đó tự giác chấp hành các quy định của pháp luật khi hành nghề trên biển. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn và có hình thức xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm, góp phần giảm đến mức thấp nhất tình trạng ngư dân xâm phạm vùng biển của nước ngoài bị bắt giữ.
Thanh Bình