Biên phòng - Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho đường giao thông vùng cao, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, làm thay đổi diện mạo nhiều địa phương. Nhưng phát triển hạ tầng đường giao thông nhanh, không đi đôi với ý thức chấp hành an toàn giao thông của người dân lại tạo ra thách thức lớn đối với công tác đảm bảo an toàn giao thông, đòi hỏi các lực lượng chức năng phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đồng bào dân tộc thiểu số.
Trên thực tế, tai nạn giao thông đường giao thông vùng cao có tỷ lệ tai nạn cao nhất là xe gắn máy với xe gắn máy, tiếp đến là xe gắn máy với ô tô và người đi bộ. Tại nạn giao thông thường xảy ra vào buổi chiều, tối và xảy ra nhiều tại các điểm giao cắt. Phần lớn tai nạn xảy ra là do các phương tiện xe máy đi tốc độ nhanh lao từ đường phụ ra đường chính, tầm nhìn tại giao cắt hạn chế. Nơi xảy ra tai nạn chủ yếu là địa hình dốc, quanh co, đường thiếu báo hiệu.
Điều đáng nói là, ý thức, kiến thức, kỹ năng của người tham gia giao thông còn hạn chế, là nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông ở vùng cao. Đồng bào dân tộc thiểu số thường vi phạm phổ biến như phóng nhanh, vượt ẩu, vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, đi mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm; không có giấy phép lái xe. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến an toàn giao thông nói có hiệu quả thấp, chưa tuyên truyền đến vùng sâu, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chính vì vậy, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn các tỉnh vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông tăng cả về số vụ, số người tử vong.
Trước thực trạng đó, các lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp giúp đẩy mạnh công tác tuyên truyền an toàn giao thông. Trong đó, xác định rõ, đối tượng tuyên truyền chủ yếu là đồng bào thiểu số, từ đó có những hình thức phù hợp để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.
Nội dung tuyền truyền hướng tới là pháp luật an toàn giao thông; một số nguy cơ gây tai nạn và biện pháp phòng tránh tai nạn tại nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; phòng ngừa tai nạn xe máy, thực hiện đội đội mũ bảo hiểm, không phóng nhan, vượt ẩu, lấn làn, say rượu bia không điều khiển phương tiện tham gia giao thông; không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, chăn thả gia súc trên lòng và lề đường…
Bởi đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp nên hình thức chuyển tải trực quan, sinh động, phù hợp với các điều kiện kinh tế xã hội và văn hóa của từng vùng miền. Đặc biệt, cần triển khai xây dựng tài liệu và thực hiện tuyên truyền an toàn giao thông bằng tiếng dân tộc cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác tập huấn và xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên từ những người có uy tín của đồng bào dân tộc.
Đồng thời, xã hội hóa, phát huy sức mạnh của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng sự vào cuộc của lực lượng BĐBP, công an xã, đoàn viên thanh niên trong hoạt động tuyên truyền, vận động người dân vùng sâu, vùng xa chấp hành những quy định, pháp luật về an toàn giao thông.
Trang Nhung