Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 02/06/2023 07:07 GMT+7

Đẩy mạnh thương mại điện tử thích ứng với điều kiện bình thường mới

Biên phòng - Hình ảnh những người dân vùng dân tộc thiểu số livetream bán hàng đã không còn xa lạ với mọi người trong bối cảnh dịch bệnh. Đây là xu hướng bán hàng mới phát triển mạnh mẽ trong đại dịch Covid-19. Thực tế, dịch bệnh phức tạp đã tạo ra làn sóng mới cho thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam, với mức tăng trưởng ấn tượng nhất khu vực Đông Nam Á. TMĐT thực sự đang mở đường cho doanh nghiệp phát triển thương mại xuyên biên giới trong bối cảnh bình thường mới.

Doanh số của các doanh nghiệp kinh doanh trên sàn TMĐT Amazon đều tăng trưởng 2 con số trong năm 2021. Ảnh: Trịnh Toàn

Cơ hội cho thương mại xuyên biên giới

Thống kê của Bộ Công thương, doanh thu TMĐT bán lẻ của Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Với quy mô này, thị trường TMĐT Việt Nam đang đứng thứ tư tại Đông Nam Á. Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kinh tế Việt Nam đang từng bước chuyển mình hướng tới nền kinh tế số, trong đó, hoạt động thương mại xuyên biên giới đang trở thành nhân tố cốt lõi trên toàn cầu.

TMĐT Việt Nam có mức tăng trưởng mạnh và hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam là 17%, trở thành nước duy nhất trong Đông Nam Á có mức tăng trưởng 2 con số. Theo bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương, hiếm nước nào trong khu vực Đông Nam Á, TMĐT tăng trưởng 2 con số trong đại dịch. Trong khi nhiều ngành kinh tế gánh chịu tác động do dịch bệnh, TMĐT được coi là điểm sáng. Giai đoạn giãn cách xã hội, người tiêu dùng ưu tiên mua sắm trực tuyến trên các trang TMĐT bởi tính tiện lợi và an toàn. Đến nay, TMĐT đã trở thành xu hướng sau đại dịch.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, quy mô TMĐT hiện đạt giá trị 21 tỷ USD và dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng lên 57 tỷ USD. Báo cáo cũng ghi nhận có đến 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới kể từ khi đại dịch bùng phát. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy, người dân đã dần quen với các hoạt động mua sắm trên Internet. Nhiều doanh nghiệp đã và đang nắm bắt cơ hội này để thúc đẩy doanh số. TMĐT hiện là trợ lực không thể thiếu cho doanh nghiệp để bứt phá, tìm đường ra biển lớn, mở cơ hội để các doanh nghiệp tìm hiểu và kết nối trực tiếp với các sàn giao dịch. Đây cũng là kênh phân phối hiệu quả trong việc đưa hàng hóa Việt Nam tới thị trường thế giới qua các sàn giao dịch lớn, xuyên biên giới như Amazon, eBay...

Hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số

Với vai trò là cơ quan đầu mối, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu với các bộ, ban, ngành ban hành các giải pháp, trong đó có hỗ trợ chuyển đổi số. Kết quả, Dự án IPSC ra đời, hỗ trợ kỹ thuật quy mô lớn, tập trung tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp tiên phong, doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số trong và sau đại dịch Covid-19.

Bà Lê Thị Hà cho hay, TMĐT đang tạo ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển bởi đối tượng khách hàng của kênh giao dịch này mở rộng khi mà 88% người Việt Nam dùng Internet; các mặt hàng tiêu dùng nhanh (thực phẩm tươi sống, đồ ăn nhanh) được ưa chuộng mua online; thanh toán trực tuyến có xu hướng tăng; thực trạng mua bán thông qua mạng xã hội hết sức sôi động. Bên cạnh đó, các yếu tố khác như hạ tầng nguồn nhân lực, hạ tầng chính sách, hạ tầng Internet, hạ tầng công nghệ đều đang được Nhà nước và Chính phủ quan tâm đầu tư.

Tư vấn kinh doanh qua sàn TMĐT, bà Vũ Thị Thư, Giám đốc kinh doanh Khu vực Hà Nội, sàn TMĐT Tiki gợi ý, doanh nghiệp nên kinh doanh đa sàn, tận dụng tiềm năng doanh nghiệp và tối ưu hóa từ lợi thế mỗi sàn. Bà Thư chia sẻ, các doanh nghiệp mới lên sàn cần hiểu rõ đối thủ, phân tích thị trường, xây dựng chiến lược dài hạn, tiếp theo là kế hoạch marketing, quảng bá sản phẩm, tư vấn và chăm sóc sau bán hàng...

TMĐT tạo không gian mua sắm rộng lớn và vô cùng thuận tiện cho người tiêu dùng. Ảnh: Bích Nguyên

Ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc Khu vực phía Bắc, Amazon Global Selling Việt Nam cho rằng, TMĐT loại bỏ các khâu trung gian, giúp doanh nghiệp giảm chi phí và có thể định giá thương hiệu khi bán xuyên biên giới. Ông Toàn cho biết, so với năm 2020, năm 2021, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có doanh số 100.000 USD trên Amazon tăng 18%; số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có doanh số 500.000 USD trên Amazon tăng 53%; số sản phẩm được bán bởi doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tăng 34%... Thông tin về điều kiện tham gia và kỹ năng kinh doanh khi tham gia hoạt động TMĐT xuyên biên giới, ông Toàn lưu ý, doanh nghiệp cần có nhân sự chuyên trách, có chiến lược sản phẩm và thương hiệu, hiểu rõ quy định của thị trường mục tiêu, nhất là khi đưa hàng ra các thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Đức Trung cho biết, Dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) là dự án quy mô lớn, nhằm hướng đến hỗ trợ 5.000 doanh nghiệp, trong đó có 60 doanh nghiệp tiên phong, 240 doanh nghiệp vươn ra quốc tế thành công. IPSC cũng hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp tăng cường năng lực, gồm cả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, hợp tác xã.

IPSC được thực hiện với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ quản. Dự án có tổng vốn viện trợ hơn 36 triệu đô la Mỹ và được thực hiện trong thời gian 5 năm (2020-2025). Dự án đặt mục tiêu cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho tối thiểu 5.000 doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng nhằm giúp họ nâng cao năng suất; hỗ trợ 240 doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng gia nhập thành công thị trường khu vực và quốc tế, bao gồm cả việc định vị thành công các sản phẩm mang thương hiệu Việt. 60 doanh nghiệp tiên phong được nhận các gói hỗ trợ tổng thể, chuyên biệt để tạo ra sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng và trí tuệ của người Việt Nam, định vị thương hiệu sản phẩm “Made by Viet Nam”.

Xuân Hương

Bình luận

ZALO