Biên phòng - Thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số”, những năm qua, tỉnh Gia Lai đã triển khai sâu rộng đến các thôn, làng, linh hoạt các biện pháp tuyên truyền. Nhờ đó, số trường hợp tảo hôn và hôn nhận cận huyết đều giảm qua các năm.

Những điểm sáng
Huyện Mang Yang được đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” của tỉnh Gia Lai. Năm 2015, tỉ lệ tảo hôn toàn huyện là 21%, nhưng đến năm 2020, tỉ lệ này giảm xuống còn 4,1%.
Để có được kết quả đó, trước hết phải nói đến sự quyết liệt vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền và hội, đoàn thể huyện Mang Yang. Đặc biệt là Nghị quyết chuyên đề về tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, ngăn ngừa, đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của Ban Thường vụ Huyện ủy Mang Yang. Nghị quyết để đặt ra mục tiêu, xác định giải pháp, lộ trình rõ ràng và đề cao trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, nhất là vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong tuyên truyền, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Tình trạng tảo hôn đã diễn ra phổ biến suốt nhiều năm tại huyện Đắk Đoa, chủ yếu trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Trước tình hình đó, cả hệ thống chính trị huyện đã vào cuộc thực hiện Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2020” mà nhận thức về nạn tảo hôn trong nhân dân cũng có sự chuyển biến rõ rệt.
Bằng những cách làm cụ thể như hàng năm, Phòng Dân tộc huyện phối hợp với Phòng Tư pháp, UBND các xã, thị trấn tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền; lồng ghép các nội dung tuyên truyền về Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS” với nhiều hình thức. Phòng Dân tộc phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức ngoại khóa tuyên truyền trong trường học về hậu quả của nạn tảo hôn; thành lập các câu lạc bộ tư vấn tiền hôn nhân ở tất cả các xã, thị trến trên địa bàn huyện. Nhờ vậy, số cặp tảo hôn từng bước giảm dần so với giai đoạn trước.
Theo báo cáo của Phòng Dân tộc huyện, từ năm 2016-2021, toàn huyện có 364 cặp tảo hôn, tập trung chủ yếu ở các xã A Dơk, Ia Pết, Hà Bầu, Kon Gang, Hnol, Hải Yang và Hà Đông. Trong 6 tháng đầu năm 2022, huyện Đắk Đoa không có trường hợp nào tảo hôn xảy ra nữa.
Theo bà Lê Thị Hương, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đắk Đoa, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn diễn ra dai dẳng ở các làng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện trong những năm qua là do trình độ dân trí của người dân còn thấp, cuộc sống của đồng bào DTTS ở đây còn nhiều khó khăn. Người dân còn nặng suy nghĩ cho con lấy vợ, lấy chồng sớm để có người làm, có thêm lao động. Phần nữa, cũng phải thừa nhận rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giáo dục giới tính, tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên chưa được quan tâm đúng mức, đầy đủ… dẫn đến tình trạng, một bộ phận trẻ vị thành niên đua đòi, yêu sớm, để xảy ra những việc làm đáng tiếc vì thiếu kiến thức.
Quyết liệt ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai, Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS”, số vụ tảo hôn đã giảm đáng kể. Năm 2015, toàn tỉnh có 1.132 vụ tảo hôn, đến năm 2020, số vụ tảo hôn đã giảm xuống còn 869 vụ.

Để đạt được kết quả như trên, tỉnh Gia Lai đã tổ chức mô hình điểm; các cấp, ngành, đoàn thể đã tổ chức nhiều cuộc tư vấn, nhiều buổi tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho hàng nghìn lượt đồng bào tại các xã thực hiện mô hình điểm, vận động người dân các xã mô hình điểm ký cam kết không kết hôn và hôn nhân cận huyết thống, thành lập các câu lạc bộ liên quan đến phòng chống tảo hôn... Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng đã ra mắt mô hình “Nói không với tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”.
Đặc biệt, một số địa phương còn tổ chức tuyên truyền, vận động hai chuyên đề về Luật Hôn nhân và Gia đình, phòng, chống nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho các em học sinh tại các trường học có tỉ lệ đồng bào DTTS cao. Điển hình như huyện Chư Păh, dự kiến đến tháng 12/2022 sẽ thực hiện truyền thông tại 21 trường học cho gần 6.000 lượt học sinh.
Nhờ quyết liệt ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống bằng các mô hình cụ thể mà thời gian qua, trên địa bàn đã giảm thiểu đáng kể vấn nạn này, ngăn chặn nhiều cặp kết hôn khi chưa đủ tuổi.
Mặc dù tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào DTTS đã giảm, nhưng ở nhiều nơi, tình trạng này vẫn còn diễn ra phổ biến. Vừa qua, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 492/KH-UBND về thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2021-2025” giai đoạn II trên địa bàn toàn tỉnh. Mục tiêu của kế hoạch là giảm bình quân 2-3%/năm số cặp tảo hôn và 3-5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với những địa phương có tỉ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao. Phấn đấu đến năm 2025, ngăn chặn triệt để tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS.
Hoàng Lê