Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:14 GMT+7

Đẩy mạnh phòng, chống tác hại của thuốc lá trong BĐBP

Biên phòng - Bộ Tư lệnh BĐBP vừa phê duyệt Kế hoạch hoạt động phòng, chống tác hại (PCTH) của thuốc lá năm 2022, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục được lồng ghép trong hoạt động công tác của cơ quan, đơn vị... Việc triển khai kế hoạch nhằm tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả Luật PCTH của thuốc lá và các văn bản của cấp trên về PCTH của thuốc lá; nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về tác hại của thuốc lá.

Cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội tìm hiểu về tác hại của thuốc lá (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Báo Quân đội nhân dân

Khói thuốc lá gây ra hơn 20 loại ung thư

Kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy, trong khói thuốc lá chứa khoảng 7.000 chất, trong đó, có hàng trăm loại có hại cho sức khỏe và 69 chất gây ung thư. Nicotine chứa trong thuốc lá được xác định là một yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh tim mạch, hô hấp và hơn 20 loại ung thư khác nhau. Một điều đáng lưu tâm là người nghiện thuốc lá có nguy cơ tử vong cao gấp 2,5 đến 10 lần so với người không hút thuốc lá. Khói thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ bệnh tim lên 25 - 30%, mắc bệnh phổi lên 25% và tăng nguy cơ đột quỵ lên 82%. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm, hơn 8 triệu người chết vì sử dụng thuốc lá.

Ngay cả với những người không hút thuốc lá nhưng hít phải khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động) cũng có thể bị bệnh. Các nghiên cứu cho thấy, phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng dẫn đến những hậu quả xấu về sức khỏe, gây ra 1,2 triệu ca tử vong hàng năm. Có khoảng 65.000 trẻ em tử vong mỗi năm do các bệnh liên quan đến khói thuốc. Hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, mà còn làm tổn hại kinh tế gia đình, bởi số tiền phải bỏ ra mua thuốc lá và chi phí khám, chữa các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Bên cạnh đó, thuốc lá còn gây ra những ảnh hưởng có hại khác đến vệ sinh môi trường, làm gia tăng hoạt động buôn lậu, mất an toàn cháy nổ.

Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020 cho thấy, so với năm 2015, tỷ lệ hút thuốc chung ở người trưởng thành giảm từ 22,5% xuống 21,7%. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới. Trong số 4 nguyên nhân gây tử vong cao thì thuốc lá đứng hàng thứ hai sau HIV và tiếp theo thuốc lá là rượu và tai nạn giao thông.

Nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá

Để giảm thiểu tác hại của việc sử dụng thuốc lá đối với sức khỏe, kinh tế, xã hội và môi trường, ngày 18-6-2012, Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 3 đã thông qua Luật PCTH của thuốc lá, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2013. Luật đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác PCTH của thuốc lá trong giai đoạn hiện nay, góp phần hạn chế bệnh tật liên quan đến hút thuốc lá, nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Luật PCTH của thuốc lá quy định về các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để PCTH của thuốc lá. Mục tiêu của Luật là hạn chế, giảm dần tỷ lệ người sử dụng thuốc lá, giảm tỷ lệ mắc và chết do các bệnh có nguyên nhân từ thuốc lá và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Một trong những quy định quan trọng của Luật là cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên của các cơ sở y tế; cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà tại nơi làm việc, trường cao đẳng, đại học, học viện..., địa điểm công cộng, phương tiện giao thông công cộng...

Đẩy mạnh thực hiện Luật PCTH của thuốc lá trong BĐBP, Cục Hậu cần BĐBP đã xây dựng Kế hoạch hoạt động PCTH của thuốc lá năm 2022. Mục đích của kế hoạch này nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ về Luật PCTH của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn thực hiện, giúp cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, nhất là lực lượng đoàn viên, đảng viên trẻ hưởng ứng việc xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc, hạn chế và tiến tới không sử dụng thuốc lá. Đồng thời, nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia hoạt động PCTH của thuốc lá và nhân rộng việc thực hiện các mô hình môi trường không khói thuốc, nhằm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, bảo đảm quyền được sống, làm việc trong môi trường không khói thuốc lá.

Theo kế hoạch, các hoạt động chính được triển khai bao gồm nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về tác hại của thuốc lá; lợi ích của môi trường không khói thuốc; các quy định của Luật PCTH của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Phấn đấu 100% cán bộ, chiến sĩ hiểu biết về tác hại của thuốc lá và nội dung của Luật PCTH của thuốc lá. Đồng thời, tăng cường việc thực hiện quy định về môi trường không khói thuốc, cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ của các công ty thuốc lá. 100% các đơn vị thuộc BĐBP ban hành nội quy cấm hút thuốc lá. 100% các đơn vị chấp hành nghiêm quy định không hút thuốc lá tại cơ quan và nơi công cộng.

Cùng với đó là tăng cường giám sát, đánh giá tình hình thực hiện hoạt động PCTH của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn của cấp trên tại các đơn vị. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật PCTH của thuốc lá, đưa vào nội dung thi đua tổng kết năm của các cơ quan, đơn vị. Nâng cao năng lực cán bộ tham gia hoạt động PCTH của thuốc lá và nhân rộng việc thực hiện mô hình môi trường không khói thuốc trong BĐBP.

Tùy vào điều kiện cụ thể của các cơ quan, đơn vị để triển khai hệ thống pa nô, áp phích, khẩu hiệu hành động, tuyên truyền về PCTH của thuốc lá và gắn biển báo “cấm hút thuốc lá” tại những địa điểm dễ quan sát của phòng làm việc, phòng họp, lối đi để mọi người thực hiện.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO