Biên phòng - Nằm ở trung tâm Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk có đường biên giới dài 73km, tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia. Khu vực biên giới của tỉnh gồm 4 xã, thuộc 2 huyện là Buôn Đôn và Ea Súp với tổng số dân hơn 22 ngàn người của 24 dân tộc anh em sinh sống. Đời sống, điều kiện sinh hoạt của đồng bào và chiến sĩ ở khu vực biên giới còn nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, những năm qua, BĐBP Đắk Lắk đã đẩy mạnh các hoạt động đỡ đầu, kết nghĩa để chăm lo cho đồng bào và cán bộ, chiến sĩ BĐBP hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trong những năm gần đây, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới tỉnh Đắk Lắk cơ bản ổn định, song vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, chủ yếu là vấn đề khiếu kiện, tranh chấp đất đai, di cư tự phát, truyền đạo và vượt biên trái phép... Các đồn Biên phòng đều đóng quân cách xa khu dân cư, môi trường công tác còn gặp rất nhiều khó khăn thử thách do giao thông cách trở, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, rất cần sự quan tâm chia sẻ của toàn xã hội.
Từ nhiều năm qua, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk luôn xác định, việc triển khai các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên khu vực biên giới cần được triển khai đồng thời với việc củng cố thực lực quốc phòng - an ninh tại địa bàn; trong đó, ưu tiên đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đồn Biên phòng thực hiện nhiệm vụ.
Để hiện thực hóa chủ trương, quan điểm này, ngày 2-11-1990, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ra Thông báo số 38/TB-TU về việc phân công các huyện, thị xã, cơ quan, đơn vị đỡ đầu hỗ trợ xây dựng các đồn Biên phòng trong tỉnh. Đây là điểm khởi đầu cho một chương trình mang tính xã hội hóa rất cao, tập trung sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh hướng ra biên giới. Việc quan tâm chăm lo đời sống, cải thiện môi trường công tác cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP không chỉ xây dựng, củng cố thực lực quốc phòng - an ninh trên khu vực biên giới mà còn góp phần nâng cao nhận thức về quốc gia, quốc giới, ý thức trách nhiệm của toàn dân đối với chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Cùng với việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện, tập trung củng cố kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội bằng các chương trình dự án xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, các công trình phục vụ dân sinh, hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi và kỹ thuật canh tác tạo sinh kế cho nhân dân thoát nghèo bền vững..., Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh phân công các địa phương kết nghĩa phải gắn hoạt động thăm hỏi, giao lưu với hỗ trợ, đỡ đầu về cơ sở vật chất cho các đơn vị BĐBP, từng bước cải thiện nâng cao đời sống, công tác cho bộ đội. Thực hiện chủ trương của lãnh đạo tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố từ nội địa lên biên giới đã tổ chức ký kết và triển khai chương trình kết nghĩa đỡ đầu với BĐBP, trong đó có những đơn vị kết nghĩa cùng lúc với 2-3 đầu mối. Hàng năm, căn cứ tình hình thực tế của từng địa phương, các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các đoàn công tác lên thăm, tặng quà cho bộ đội mang theo rất nhiều tình cảm, trách nhiệm của người hậu phương dành cho biên giới.
Từ năm 2009 đến nay, nguồn kinh phí các địa phương kết nghĩa hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, tạo vốn tăng gia sản xuất cho các đơn vị BĐBP đã lên tới gần 6 tỷ đồng. Bình quân mỗi đơn vị Biên phòng trong tỉnh Đắk Lắk được tiếp nhận hơn 800 triệu đồng. Cùng với nguồn kinh phí trên cấp, số tiền được hỗ trợ các đơn vị đã mua sắm, xây dựng được một số công trình như bia tưởng niệm, nhà truyền thống, khu tăng gia sản xuất, phương tiện máy móc phục vụ đời sống sinh hoạt và công tác. Tiêu biểu trong phong trào kết nghĩa đỡ đầu là các địa phương như thành phố Ban Mê Thuột, huyện Ea Kar, Madrăk, Krông Păk, Krông Bông, Ea Súp, Buôn Đôn đã hỗ trợ BĐBP xây dựng nhiều công trình mang ý nghĩa cả về vật chất lẫn tinh thần và hệ thống công trình phục vụ sinh hoạt, khu tăng gia sản xuất, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho bộ đội trên vùng biên giới đầy nắng gió khắc nghiệt.
Sự quan tâm chăm lo của các địa phương kết nghĩa không chỉ cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho BĐBP, mà còn tăng cường sức mạnh toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Thông qua hoạt động kết nghĩa đỡ đầu, thăm hỏi giao lưu đã kết nối tình cảm, trách nhiệm của người hậu phương dành cho biên giới. Nhân dịp các ngày lễ, Tết cổ truyền dân tộc, Ngày hội Biên phòng toàn dân (3-3), các địa phương tổ chức nhiều đoàn công tác đưa cán bộ, nhân dân, nhất là ở địa bàn nội địa lên thăm, tặng quà, động viên chiến sĩ Biên phòng bám trụ vững vàng nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Đặc biệt, các hoạt động mang tính trực quan sinh động như giao lưu, tìm hiểu truyền thống BĐBP và biên giới quốc gia được tổ chức ngay tại đường biên, cột mốc đã giúp cho mọi người càng thấu hiểu hơn, càng yêu thương hơn mảnh đất và con người nơi biên giới, để từ đó thể hiện ý chí quyết tâm, chung tay góp sức xây dựng biên giới ngày càng giàu mạnh. Trong 10 năm qua, đã có hàng chục ngàn lượt cán bộ và nhân dân ở khu vực nội địa lên thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ Biên phòng. Các tổ chức Đoàn thanh niên đã chọn cột mốc biên giới làm lễ kết nạp cho hơn 3.000 đoàn viên mới. Tình yêu biên giới, ý chí, quyết tâm trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ còn được thể hiện ở những buổi chào cờ đầy trang trọng ngay tại đường biên, cột mốc của các đoàn khách khi lên với BĐBP. Đây là thông điệp khẳng định sức mạnh của thế trận biên phòng toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Có thể nói, qua 10 năm triển khai thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” (2009-2019) ở tỉnh Đắk Lắk cho thấy sự đa dạng trong cách tổ chức phong trào và tính toàn diện, đồng bộ trong đầu tư xây dựng các dự án phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên khu vực biên giới. Phong trào kết nghĩa đỡ đầu giữa các địa phương trong tỉnh Đắk Lắk với BĐBP chính là một trong rất nhiều giải pháp đã, đang và sẽ tiếp tục được triển khai, với yêu cầu giao lưu kết nghĩa phải gắn với hỗ trợ đầu tư và mỗi chuyến lên thăm biên giới, thăm chiến sĩ Biên phòng là mỗi lần trải nghiệm tình yêu quê hương, đất nước.
Trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục huy động mọi nguồn lực hướng ra biên giới, tổ chức tuyên truyền, quán triệt trong các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của “Ngày Biên phòng toàn dân”, nâng cao vai trò trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương, đơn vị và quần chúng nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh.
Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, giải pháp về xây dựng và bảo vệ biên giới phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa bàn, tổ chức thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” trở thành các phong trào chính trị xã hội sâu rộng, qua đó tăng cường sức mạnh đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân dân, nâng cao tinh thần yêu nước và trách nhiệm công dân trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Thái Kim Nga