Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 01/06/2023 11:31 GMT+7

Tiến sĩ Lò Giàng Páo:

Đẩy mạnh giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số

Biên phòng - Hiện nay, đồng bào các dân tộc thiểu số đang đứng trước những cơ hội rất lớn để phát triển kinh tế, xã hội khi được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung ương. Thế nhưng, thực tế thì đời sống của bà con vẫn còn ở mức thấp. Nguyên nhân do đâu và cần giải pháp gì để tháo gỡ những khó khăn ấy, phóng viên Báo Biên phòng lược ghi nội dung cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Lò Giàng Páo, Ủy viên Hội đồng tư vấn về dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc về vấn đề này.

hjgh
Tiến sĩ Lò Giàng Páo. Ảnh: Ngô Khiêm

Theo Tiến sĩ Lò Giàng Páo: Trong thời gian vừa qua, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng nhằm thực hiện quyền bình đẳng cho đồng bào dân tộc thiểu số trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội...

Trên cơ sở quan điểm, mục tiêu, chủ trương của Đảng, Chính phủ đã thể chế hóa việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết bằng các chính sách cụ thể nhằm thực hiện quyền bình đẳng về mọi mặt cho các dân tộc thiểu số thông qua các chương trình như: Chương trình phát triển kinh tế, xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135); Chương trình định canh định cư; Chương trình xây dựng trung tâm cụm xã; Chương trình quốc gia về ổn định phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường an ninh, quốc phòng các xã biên giới; Chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc, Chương trình 30a....

Tiến sĩ Lò Giàng Páo cho biết, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ở tất cả các cấp, các ngành và đã xây dựng được đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số có trình độ cao ở các lĩnh vực. Tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị ngày càng tăng và có nhiều người giữ những trọng trách quan trọng trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, Quốc hội. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tăng tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỉ trọng nông, lâm nghiệp.

Hiện nay, vùng dân tộc đã có 86% số xã có đường ô tô đến trung tâm, nhiều tỉnh 100% số xã có điện. Đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt khi nhiều xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có nhà văn hoá hoặc điểm bưu điện văn hóa. Hoạt động văn hóa, thể thao, các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc được tổ chức thường xuyên ở nhiều vùng dân tộc thiểu số đã góp phần tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết giữa các dân tộc. Thực hiện Quyết định số 2472/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hiện có 25 đầu báo, tạp chí cấp không thu tiền cho vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Công tác cử tuyển con em đồng bào dân tộc thiểu số đi đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp được các địa phương quan tâm. Cơ sở vật chất và thiết bị y tế được tăng cường.

Tuy vậy, đa số đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa thoát nghèo bền vững. Tiến sĩ Páo chỉ ra nguyên nhân chính là do một số chủ trương, chính sách triển khai chưa hiệu quả vào thực tiễn địa phương. “Có những mục tiêu đến nay chưa hoàn thành như: Công tác định canh, định cư, di cư tự do; giải quyết nước sinh hoạt cho đồng bào vùng cao, biên giới; đưa cán bộ lên miền núi; xây dựng các trung tâm khoa học, kỹ thuật...

Các phương tiện giao thông, thông tin liên lạc, hệ thống “điện, đường, trường, trạm” còn manh mún, chắp vá. Do lịch sử để lại, dân trí vùng dân tộc thiểu số thấp và có sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các dân tộc, nhất là phương thức canh tác. Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội và quy hoạch tổng thể phát triển các vùng là địa bàn cư trú của các dân tộc còn nhận thức chưa rõ ràng, thống nhất, chưa quán triệt đầy đủ trong các ngành, các cấp.

Trong đầu tư cho phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc chưa đạt hiệu quả cao, chủ yếu là do thiếu nguồn vốn đầu tư. Cán bộ làm công tác trong lĩnh vực dân tộc và cán bộ dân tộc thiểu số còn thiếu và yếu, nhất là vùng sâu, vùng xa. Việc thực hiện chính sách bình đẳng dân tộc của Đảng và Nhà nước, các chính sách phát triển kinh tế, xã hội ở các vùng dân tộc, miền núi chưa được thể chế hóa thành luật” - Tiến sĩ Lò Giàng Páo nhận định.

Nhằm thực hiện chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, đảm bảo quyền bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc, Tiến sĩ Lò Giang Páo nhấn mạnh giải pháp chiến lược cần làm ngay là phải nghiên cứu, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, như các đạo luật: Luật Đất đai, Luật Phát triển và bảo vệ rừng... nhằm thống nhất nhận thức, tư tưởng của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc phải diễn ra thường xuyên, liên tục, công tác tổng kết định kỳ hàng năm và 5 năm để phát hiện những tồn tại, bất cập trong các chính sách, từ đó đề nghị bổ sung, sửa đổi kịp thời.

Ông cho biết thêm, hiện nay, chính sách, pháp luật về dân tộc còn thiếu, mới có Nghị định của Chính phủ về công tác dân tộc là văn bản quy phạm pháp luật để quản lý Nhà nước và thực hiện chính sách dân tộc. Từ đó, ông đề nghị trong thời gian tới, trong lộ trình xây dựng luật pháp, Quốc hội cần nghiên cứu để xây dựng Luật về công tác dân tộc; Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục ban hành các nghị quyết chuyên đề về công tác dân tộc và miền núi nhằm thúc đẩy kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các khu vực trong cả nước.

Về chính sách bồi dưỡng cán bộ dân tộc, Tiến sĩ Lò Giàng Páo đề nghị Nhà nước kiện toàn, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ngày càng có khả năng gánh vác nhiều hơn công việc của địa phương; tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số có đủ trình độ chuyên môn theo quy định của Chính phủ; thực hiện tốt các chính sách xây dựng củng cố đội ngũ cán bộ, công chức, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số làm việc và khuyến khích học tập để nâng cao trình độ thông qua các hình thức đào tạo; xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thực sự tiên phong gương mẫu, vững vàng về chính trị, có phẩm chất đạo đức tốt, tác phong, lối sống lành mạnh. Cần xác định rõ mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung, cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số nói riêng để tạo ra một đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong thời đại mới.

Về công tác giáo dục, ông đề nghị các cấp, các ngành cần quản lý, bố trí sử dụng nguồn sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng là con em đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Cần có chính sách cụ thể nhằm khuyến khích số sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường tình nguyện về công tác tại các vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn trong tỉnh. Cần tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng hệ thống các trường chính trị và trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung, cán bộ người dân tộc nói riêng. Đồng thời, cần tạo ra cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống này với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số ngày càng nâng cao về số lượng và chất lượng, với cơ cấu số lượng hợp lý...

Ngô Khiêm

Bình luận

ZALO