Biên phòng - Trước đây, một số địa phương biên giới tỉnh Hà Giang được xác định là điểm “nóng” của tội phạm mua bán người. Đến nay, với sự vào cuộc quyết liệt của BĐBP, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương, hoạt động của loại tội phạm này đã được kiềm chế, đẩy lùi.

Tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn biên giới tỉnh Hà Giang có những thời điểm tiềm ẩn nhiều yếu tố diễn ra phức tạp. Các đối tượng ở hai bên biên giới cấu kết chặt chẽ với nhau hình thành các đường dây mua bán người xuyên quốc gia. Chúng triệt để lợi dụng mạng xã hội (như Zalo, Facebook, Wechat…) hoặc thông qua các mối quan hệ xã hội để tiếp cận, làm quen, hứa hẹn đưa nạn nhân ra nước ngoài làm thuê với thu nhập cao hoặc lấy chồng giàu có… nhưng thực chất là để lừa bán.
Hầu hết các nạn nhân trong những vụ án mua bán người trên địa bàn tỉnh Hà Giang đều chỉ biết mình bị lừa bán sau khi đã bị các đối tượng đưa ra nước ngoài. Thực tế cho thấy, nạn nhân chủ yếu của tội phạm mua bán người là phụ nữ đồng bào các dân tộc thiểu số có độ tuổi từ 16 đến 30, trình độ nhận thức còn hạn chế.
Đại tá Hoàng Anh Đức, Phó Chỉ huy trưởng Nghiệp vụ BĐBP Hà Giang cho biết: “Có nhiều nguyên nhân khiến cho tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Hà Giang diễn biến phức tạp, trong đó phải kể đến các yếu tố khách quan như chính sách dân số của một số nước trong khu vực dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính, tỷ lệ nam nhiều hơn nữ, nam giới không có khả năng lấy vợ ở trong nước nên tìm cách lấy vợ từ nước khác (trong đó có Việt Nam).
Trong khi đó, tuyến biên giới tỉnh Hà Giang có rất nhiều đường mòn, lối mở qua lại biên giới, nhân dân hai bên biên giới thường xuyên qua lại để thăm thân, khám, chữa bệnh, trao đổi hàng hóa. Điều kiện kinh tế, xã hội ở khu vực biên giới tỉnh Hà Giang còn chậm phát triển, thiếu đất canh tác, nhu cầu việc làm cao. Hơn nữa, trình độ dân trí chưa đồng đều, việc nhận diện thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người của một bộ phận người dân còn hạn chế…”. Lợi dụng những đặc điểm trên, tội phạm mua bán người đã dùng các thủ đoạn để lừa gạt, bán nạn nhân qua biên giới.
Trước những diễn biến phức tạp, BĐBP Hà Giang đã triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, từng bước kiềm chế, đẩy lùi tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới của tỉnh. Chỉ tính từ năm 2021 đến nay, BĐBP Hà Giang đã phát hiện, ghi nhận 10 vụ việc liên quan đến hoạt động của tội mua bán người. Từ đó, đơn vị đã xác lập và đấu tranh thành công 6 chuyên án, bắt giữ 11 đối tượng, giải cứu 7 nạn nhân. Các đơn vị của BĐBP Hà Giang cũng tiếp nhận 3 nạn nhân do lực lượng chức năng của Trung Quốc giải cứu, trao trả.
Đại tá Hoàng Anh Đức cho biết thêm, quá trình triển khai nhiệm vụ đấu tranh với tội phạm mua bán người của BĐBP Hà Giang đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc bởi tội phạm mua bán người hoạt động rất tinh vi. Trong trường hợp có tin báo về tội phạm, việc xác minh, điều tra cũng không dễ dàng, bởi đa số đối tượng và nạn nhân ở nước ngoài; chứng cứ ít, chủ yếu căn cứ vào lời khai, tố giác của bị hại hoặc người nhà nạn nhân.
Thế nên, công tác điều tra tội phạm mua bán người chủ yếu là tổ chức truy xét, rất ít trường hợp bắt quả tang. Một số vụ việc, hành vi phạm tội được các đối tượng thực hiện ở nước ngoài hoặc lợi dụng các trang mạng xã hội để dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân, do đó, việc thu thập thông tin, tài liệu rất khó khăn. Một số vụ án mua bán người, đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội nhưng chưa giải cứu được nạn nhân thì cũng chưa đủ căn cứ để khởi tố điều tra theo quy định.
Đa số các vụ án mua bán người trên địa bàn tỉnh Hà Giang nạn nhân là phụ nữ dân tộc thiểu số, nhận thức, học vấn còn hạn chế, một số trường hợp không nói được tiếng phổ thông nên rất khó khăn trong việc phỏng vấn, khai thác thông tin. Đặc biệt có trường hợp mặc cảm, tự ti không hợp tác với lực lượng chức năng, không tố giác tội phạm nên đã ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người.
Thời gian tới, dự báo tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người trên địa bàn biên giới tỉnh Hà Giang còn diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, BĐBP Hà Giang đã tham mưu cho các cấp, các ngành tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống mua bán người. Đồng thời, có các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, nâng cao đời sống, dân trí; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh, tố giác tội phạm để hạn chế thấp nhất điều kiện nảy sinh tội phạm mua bán người.
Đặc biệt, BĐBP Hà Giang tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng của nước láng giềng trong trao đổi thông tin và đấu tranh ngăn chặn, triệt phá các đường dây, tổ chức tội phạm mua bán người hoạt động xuyên biên giới, làm tốt công tác tiếp nhận, giải cứu nạn nhân bị mua bán.
Viết Lam