Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:52 GMT+7

Đẩy lùi tình trạng tàu cá vi phạm pháp luật

Biên phòng - Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sau 3 năm triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, tỉnh Bình Thuận đã đẩy lùi được tình trạng tàu cá của địa phương vi phạm pháp luật trong quá trình hành nghề, đặc biệt là hành vi ra vùng biển các nước để khai thác hải sản. Với vai trò, nhiệm vụ của mình, BĐBP Bình Thuận đã có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện công tác này.

Thông qua hệ thống giám sát hành trình tàu cá VMS, cán bộ chuyên trách tại tỉnh Bình Thuận thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo các tàu cá có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài. Ảnh: Trung Thành

Vùng biển tỉnh Bình Thuận được coi là một trong những ngư trường khai thác hải sản lớn nhất cả nước, địa phương cũng có trên 2.000 tàu cá đánh bắt xa bờ. Những năm trước, tỉnh Bình Thuận được xác định là một trong những điểm nóng về tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản bất hợp pháp. Cụ thể, năm 2017, trên địa bàn xảy ra 16 vụ/24 phương tiện/228 lao động; năm 2018, có 6 vụ/9 phương tiện/63 lao động vi phạm vùng biển nước ngoài... Hành vi trên của ngư dân Bình Thuận đã có tác động xấu đến hoạt động xuất khẩu hải sản của Việt Nam ra thị trường quốc tế.

Với quyết tâm đẩy lùi hoạt động khai thác hải sản trái phép, chấm dứt hành vi ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp quyết liệt, trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Các lực lượng chuyên trách, trong đó có BĐBP tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ phương tiện hoạt động biển cũng như lúc xuất, nhập bến; vận động ngư dân ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài; lập danh sách, phân loại tàu cá có nguy cơ cao, thường xuyên hoạt động ngoại tỉnh để quản lý, theo dõi; đặc biệt là gắn trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan, các đoàn thể trong phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp.

Tuy nhiên, công tác quản lý, theo dõi, giám sát đối với các phương tiện khi sau khi xuất bến của các lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn. Tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh Bình Thuận thường có thời gian vươn khơi mỗi chuyến kéo dài từ 15 đến 20 ngày, thậm chí vài tháng; hoạt động xuất, nhập cảng ở nhiều địa phương khác nhau trên cả nước. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã quyết liệt triển khai việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Đến nay, toàn tỉnh có 1.808/1.924 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá VMS theo quy định (đạt tỷ lệ 93,97%). Số tàu cá còn lại chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình được xác định là do tàu đang nằm bờ do hư hỏng, tàu đang chờ bán, làm thủ tục sang nhượng hoặc làm ăn thua lỗ.

Hiện, Ban Chỉ đạo chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở các chủ tàu cá khẩn trương lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá VMS theo quy định. Đồng thời, yêu cầu BĐBP, Chi cục Thủy sản, Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tỉnh Bình Thuận tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tàu hoạt động trên biển; ghi chép, lưu trữ, xử lý thông tin dữ liệu hệ thống VMS đúng phương thức; kiên quyết không cho xuất bến, không cấp đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với các phương tiện chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình hoặc các phương tiện đã lắp đặt nhưng không có tín hiệu trên hệ thống VMS.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết: "Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, kiên quyết không để xảy ra bất kỳ trường hợp tàu cá trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài; đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở để 116 chủ tàu cá còn lại sớm lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá VMS trong thời gian tới. Bên cạnh đó, chỉ đạo các trạm Kiểm ngư phối hợp với các đồn Biên phòng, chính quyền địa phương xác minh, làm việc với các chủ tàu cá để nhắc nhở về các trường hợp mất tín hiệu VMS trong quá trình khai thác trên biển và yêu cầu ký cam kết thực hiện nghiêm túc việc mở thiết bị VMS 24/24 giờ theo quy định".

“Thông qua hình ảnh, dữ liệu tại trung tâm giám sát tàu cá của tỉnh, kịp thời thông báo cho thuyền trưởng quay trở lại khi phát hiện tàu cá vượt ranh giới trên biển. Trường hợp không liên lạc được, các lực lượng Kiểm ngư, Biên phòng và chính quyền địa phương đến từng nhà chủ tàu cá để làm việc và yêu cầu người nhà bằng mọi cách liên lạc với thuyền trưởng đưa tàu quay trở lại vùng biển Việt Nam. Nhờ đó, từ tháng 7-2019 đến nay, tỉnh Bình Thuận không xảy ra trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép” - Ông Nguyễn Văn Chiến thông tin.

Trung Thành

Bình luận

ZALO