Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:09 GMT+7

Đẩy lùi tình trạng khai thác thủy sản tận diệt

Biên phòng - Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, có một số ngư dân đã sử dụng phương thức đánh bắt theo hình thức tận diệt, trong đó, phổ biến nhất là dùng giã cào, xung điện và thuốc nổ để khai thác thủy sản. Trước tình trạng trên, BĐBP Hà Tĩnh đã chỉ đạo các đơn vị mở đợt cao điểm ra quân tuần tra, kiểm soát, xử lý các đối tượng vi phạm. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục tàu giã cào đã bị bắt giữ, xử phạt với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Đồn Biên phòng Cửa Sót tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân. Ảnh: Thế Mạnh

Ngày 20-4, tại vùng biển Cửa Nhượng, cách bờ khoảng 4 hải lý, lực lượng Đồn Biên phòng Thiên Cầm đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển thì phát hiện, bắt quả tang cặp tàu NA 90699 TS và NA 98186 TS, có công suất gần 1.000CV, do ông Nguyễn Văn Thắng và Nguyễn Văn Độ, trú tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An làm thuyền trưởng đang có hành vi khai thác hải sản bằng lưới kéo giã cào tận diệt, sai vùng biển quy định. Trước đó, cuối tháng 3, tại vùng biển gần bờ thuộc địa phận xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, lực lượng Đồn Biên phòng Thiên Cầm cũng đã bắt giữ 2 tàu cá NA 96288 của Trương Văn Sơn và NA 96289 của Nguyễn Văn Quế, đều trú tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An khi đang dùng giã cào kéo đôi để đánh bắt hải sản...

Thời gian gần đây, liên tiếp những vụ đánh bắt thủy hải sản bằng hình thức giã cào, sai vùng biển quy định bị BĐBP Hà Tĩnh phát hiện, bắt giữ. Điều này đã phần nào cho thấy sự phức tạp của hoạt động tàu giã cào khai thác trái tuyến trên biển. Và đáng nói ở đây là các cặp tàu đánh bắt trái phép này hầu hết đều đến từ các tỉnh, thành khác. Theo kinh nghiệm của ngư dân thì hàng năm, cứ vào dịp từ tháng 3 đến tháng 7, một lượng lớn hải sản vào khu vực gần bờ đẻ trứng. Nắm bắt được quy luật này, nên nhiều tàu giã cào bất chấp quy định đã vào gần bờ để đánh bắt, khai thác bằng hình thức tận diệt. Theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017, những tàu giã cào có công suất máy từ 250CV trở lên chỉ được khai thác ở vùng biển cách bờ 18 hải lý trở lên. Thế nhưng, gần đây, các đơn vị của BĐBP Hà Tĩnh liên tục phát hiện và bắt giữ nhiều tàu giã cào khai thác ở vùng biển cách bờ 5 - 6 hải lý, thậm chí, có những tàu giã cào còn ngang nhiên khai thác ở những vùng biển cách bờ chưa đầy 2 hải lý. Quá trình bắt giữ tàu giã cào, BĐBP Hà Tĩnh thường xuyên phải đối diện với vô vàn khó khăn và nguy hiểm.

“Tàu giã cào thường hoạt động vào ban đêm, để bắt giữ các trường hợp vi phạm, chúng tôi phải phối hợp chặt chẽ với tàu của ngư dân địa phương. Tuy nhiên, phương tiện của ngư dân công suất nhỏ, khi gặp các loại tàu giã cào thì các tàu này thường bỏ chạy, nên công tác truy đuổi, bắt giữ tàu vi phạm gặp rất nhiều khó khăn” - Trung tá Nguyễn Vũ Phong, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Sót cho biết. Gần đây, sau khi nhận được tin báo về hoạt động đánh bắt trái phép trên biển, Đồn Biên phòng Thiên Cầm đã huy động 20 cán bộ, chiến sĩ dùng thuyền của ngư dân địa phương để ngụy trang, tiếp cận. Khi phát hiện sự có mặt của lực lượng chức năng, tàu già cào đã tăng công suất máy bỏ chạy, một số lao động trên tàu còn chống đối, cho tàu lạng lách, đánh võng. Dù lực lượng vây bắt đã dùng loa cầm tay để kêu gọi, yêu cầu tàu cá dừng lại, tuy nhiên, những người trên tàu cá vẫn bất hợp tác, chống đối, Biên phòng buộc phải nổ súng chỉ thiên, lúc này, những người trên tàu mới chịu hợp tác.

Đồn Biên phòng Thiên Cầm bắt giữ phương tiện khai thác hải sản trái phép. Ảnh: Thế Mạnh

Ngoài ra, mức độ hủy hoại môi trường biển do các tàu giã cào gây ra cho môi trường, hệ sinh thái biển được đánh giá là rất nghiêm trọng. Với mắt lưới cào nhỏ, dày, nên toàn bộ các loại hải sản từ tầng đáy đến tầng mặt, từ kích cỡ lớn đến các loài bé nhất cũng không thoát khỏi hệ thống lưới giã cào này. Điều này giải thích vì sao nguồn lợi hải sản gần bờ đang ngày càng cạn kiệt, nhiều loài đang dần bị hủy diệt. Hoạt động tàu giã cào không những làm hủy hoại hệ sinh thái biển, mà còn gây ra nhiều hệ lụy. Đặc biệt, gây ra nhiều vụ xung đột trên biển giữa những ngư dân đánh bắt bằng nghề truyền thống của địa phương. Thực tế, thời gian qua, tại các vùng biển từ huyện Nghi Xuân đến thị xã Kỳ Anh đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp ngư trường, thậm chí là xô xát, gây mất an ninh trật tự mà nguyên nhân là do nạn tàu giã cào hoành hành. Ông Trần Văn Ngư, ngư dân xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân tâm sự: “Thời gian gần đây, bà con rất lo lắng vì nhiều chuyến đi biển về thua lỗ. Với phương thức đánh bắt bằng nghề lưới cước, hầu hết ngư dân thường đi biển vào buổi chiều, sau khi đến điểm khai thác, ngư dân thả lưới và sáng hôm sau mới tiến hành kéo lưới. Thế nhưng, vì nạn giã cào hoành hành, nên nhiều thời điểm, chỉ sau một đêm, hàng ngàn mét lưới và ngư cụ của ngư dân ở đây bị cuốn mất”.

Đại tá Võ Hồng Hải, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Tĩnh cho biết: “Để từng bước ngăn chặn tình trạng tàu giã cào khai thác trái phép tại các vùng biển gần bờ, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị BĐBP tuyến biên giới biển tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để ngư dân hiểu tác hại, từ bỏ phương thức khai thác này. Đồng thời, thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên biển, để phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các tàu vi phạm”.

Cho đến thời điểm này, sau hơn một tháng ra quân, tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, đã có 25 tàu giã cào hoạt động trái tuyến bị BĐBP Hà Tĩnh phát hiện, bắt giữ, xử lý. Trong đó, nhiều chủ tàu đã bị xử phạt với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng. Mặc dù quá trình đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý các tàu giã cào hoạt động trái phép còn nhiều khó khăn, thách thức và chưa được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục và mang tính triệt để, song, với những kết quả đạt được trong hơn 1 tháng ra quân của BĐBP Hà Tĩnh đã góp phần quan trọng bảo vệ nguồn lợi hải sản, bảo vệ an ninh trật tự trên biển, mang lại sự bình yên để ngư dân địa phương yên tâm lao động sản xuất, gắn bó với nghề biển.

Thế Mạnh - Thanh Giang

Bình luận

ZALO