Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 24/03/2023 07:11 GMT+7

Đẩy lùi tín dụng đen

Biên phòng - Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, trong 4 năm gần đây, cả nước có 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen, với 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 1.809 vụ lừa đảo... Con số trên cho thấy tín dụng đen đang gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, trong khi các cơ quan chức năng chưa có giải pháp quyết liệt, đủ sức răn đe đẩy lùi vấn nạn này.

Ngoài nguyên nhân người dân chưa lường hết được tác hại và vẫn đang tìm đến các hình thức cho vay nặng lãi, các chuyên gia kinh tế phân tích: Nhu cầu tiêu dùng của nhân dân càng ngày càng cao. Trong khi đó, ngân hàng và các công ty tài chính lại không đáp ứng đủ yêu cầu vay mượn của người dân thì họ sẽ phải tìm đến các kênh vay mượn không chính thức. Điều này khiến tín dụng đen phát triển.

Đẩy mạnh dòng vốn ngân hàng tạo điều kiện tối ưu cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức chính là giải pháp quan trọng, hỗ trợ đẩy lùi tín dụng đen.

Các đây 4 tháng, người dân vui mừng khi Chính phủ ban hành Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với những điểm mới đột phá như: Nâng mức cho vay tối đa không có tài sản đảm bảo của một số đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình lên gấp 2 lần mức cho vay tối đa cũ; bổ sung đối tượng được vay không có tài sản bảo đảm; tạo cơ sở pháp lý khuyến khích tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh cho vay...

Nhờ chính sách trên, đến thời điểm này cả nước có hơn 70 TCTD với mạng lưới hơn 1.100 quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách xã hội tham gia cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, với hơn 15 triệu lượt khách hàng, trong đó, dư nợ cho vay không có tài sản bảo đảm đạt gần 500 nghìn tỷ đồng.

Không thể phủ nhận các giải pháp về tín dụng của ngành Ngân hàng đã đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của người dân, góp phần hạn chế việc người dân tìm đến các nguồn vốn không chính thức. Vậy tại sao tín dụng đen vẫn hoành hành khi hiện có khoảng 200 băng nhóm với gần 2.000 đối tượng hoạt động liên quan đến cho vay nặng lãi, ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế - xã hội.

Theo các nhà phân tích, tín dụng đen nhức nhối xã hội ở 2 nhóm đối tượng. Nhóm đối tượng thứ nhất là người nghèo phải vay tín dụng đen, những người có nhu cầu cấp thiết nhưng chính đáng và nhóm đối tượng thứ 2 là vay vì mục đích khác. Trong đó, nhóm đối tượng thứ 2 chiếm tới 90% đối tượng vay tín dụng đen hiện nay. Trong khi Ngân hàng Nhà nước chỉ đáp ứng và hỗ trợ nhu cầu vay tiêu dùng chính đáng.

Do vậy, ở góc độ cơ quan quản lý tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các TCTD tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng; xem xét gia hạn nợ, giãn nợ, điều chỉnh kỳ hạn cho vay khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn, không phải đi vay nặng lãi từ các đối tượng cho vay tín dụng đen.

Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội sớm rà soát lại tổng thể các chương trình cho vay ưu đãi hiện nay để trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung thêm chương trình cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác với mức lãi suất hợp lý, không phải cấp bù từ ngân sách Nhà nước.

Mặt khác, các cơ quan chức năng cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự, hành chính, dân sự về xử lý hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng, trong đó, cần bổ sung hình phạt đối với nhóm hành vi vi phạm liên quan đến tín dụng đen, cho vay nặng lãi để có cơ sở pháp lý khi xử lý trong thực tế.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO